ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UB-KT | TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 04 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO Ở THÀNH PHỐ TRONG NĂM 1996 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO
Thực hiện chủ trương của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, mấy năm qua các cấp các ngành thành phố đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo cho những hộ nhân dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chương trình xóa đói giảm nghèo của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất có ý nghĩa đối với sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội theo đường lối đổi mới của Đảng ; đến 30/4/1995 thành phố hoàn thành cơ bản xóa được hộ nhân dân thiếu đói, giảm nghèo một mức đáng kể cho hàng chục vạn hộ, có nhiều hộ vượt lên làm ăn khá giả và phấn đấu không để những hộ nhân dân đã vượt đói bị tái đói. Tuy nhiên, tình hình cách biệt trong mức sống giữa hộ giàu và nghèo còn lớn (1/10), số hộ nghèo ở thành phố còn đông, v.v…
Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong những năm qua, đưa chương trình xóa đói giảm nghèo của thành phố phát triển lên một bước mới trong năm 1996 là năm chương trình xóa đói giảm nghèo trở thành chương trình quốc gia, cũng là năm quốc tế xóa đói giảm nghèo, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các cấp các ngành thành phố tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công việc sau đây :
1/ Phấn đấu trợ giúp để chống tái đói và giảm nghèo cho 120.000 hộ, trong đó có từ 10 đến 15% hộ vượt lên trở thành khá giả, cố gắng rút ngắn dần khoảng cách giàu nghèo. Trong điều kiện cụ thể của thành phố, hộ nghèo được tạm xác định căn cứ vào mức bình quân thu nhập đầu người/năm trong nội thành là 2,5 triệu đồng/người và ngoại thành là 2 triệu đồng/người… trở xuống. Tất cả các cơ quan, đơn vị, quận, huyện, phường xã trên địa bàn thành phố phải cập nhật hóa danh sách và số lượng hộ nghèo khó trong phạm vi phụ trách của mình, đảm bảo không để sót hộ nghèo khó theo mức chuẩn nêu trên mà chưa đưa vào đối tượng trợ giúp của chương trình, cũng như không để nhầm lẫn hộ khá lại vào danh sách trợ giúp của chương trình.
2/ Theo phương châm bằng nhiều biện pháp tổng hợp, vừa tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp đã có, vừa tích cực bổ sung các biện pháp tổ chức thực hiện của chương trình, trong đó tập trung những biện pháp chủ yếu sau :
a) Thực hiện chống tái đói, giảm hộ nghèo cụ thể trên từng địa bàn xóm ấp, khu phố, phường xã, tổ nhân dân, tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể, hành chánh và kinh ế…, trên các lãnh vực, nhất là việc học hành, chữa bệnh, v.v… cải thiện từng bước các điều kiện sản xuất và sinh hoạt của những hộ nghèo khó.
b) Giao cho Sở Tài chánh chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo chương trình xóa đói giảm nghèo thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện lập thủ tục cấp phát số vốn ngân sách đã tạm ứng cho quỹ xóa đói giảm nghèo (cả thành phố và quận huyện) trong các năm qua theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
c) Tiếp tục tăng quỹ xóa đói giảm nghèo ở các cấp : tranh thủ sử dụng tốt các nguồn vốn ưu đãi, trong đó Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm phấn đấu thực hiện theo dự án khoảng 30% trở lên…; Coi trọng việc vận động phong trào nhân dân tiết kiệm để ủng hộ quỹ xóa đói giảm nghèo, đoàn kết tương trợ nhau giữa các hộ nghèo, giữa hộ khá và nghèo, giữa những đoàn, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội, trong công nhân viên chức Nhà nước, v.v. Đây là biện pháp cơ bản để phát triển quỹ xóa đói giảm nghèo của thành phố mang ý nghĩa chính trị và xã hội sâu sắc của chương trình.
Ngoài ra, trong năm 1996, Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục cho thực hiện việc điều tiết từ nguồn tiết kiệm ngân sách trong chi tiêu thường xuyên 5% của các cấp, các ngành để bổ sung vào quỹ xóa đói giảm nghèo bằng mức năm 1995. Những quận huyện và ngành nào chưa thực hiện việc điều tiết này trong năm 1995 thì tiếp tục thực hiện bù đắp đủ theo chỉ tiêu cho quỹ xóa đói giảm nghèo.
Ban Chỉ đạo chương trình xóa đói giảm nghèo thành phố và các quận, huyện tiếp tục hoàn thiện việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn thuộc quỹ xóa đói giảm nghèo, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, cấp phát và thu hồi vốn được chặt chẽ và thông suốt qua ngân hàng. Đồng thời, phấn đấu luân chuyển đồng vốn theo hướng sử dụng ngày càng có hiệu quả quỹ của chương trình.
3/ Thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo trong điều kiện thực tế của thành phố, bao gồm việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống và phúc lợi xã hội ở các địa phương, bảo hiểm y tế cho người nghèo, miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho học sinh thuộc hộ nghèo trong chương trình, vận động các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện tiếp tục góp phần vào việc tổ chức cấp học bổng, bảo trợ tài năng trẻ, lớp học tình thương cho con em diện nghèo hiếu học, thực hiện miễn giảm thuế theo đúng quy định của Nhà nước đối với ngành nghề mới phát triển hoặc chuyển đổi nghề, đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người nghèo.
4/ Tiếp tục kiện toàn và ổn định tổ chức Ban Chỉ đạo chương trình xóa đói giảm nghèo các cấp từ thành phố đến quận huyện, phường xã, theo hướng tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động, cần ổn định cán bộ chuyên trách ở các cấp và quan tâm đến sự chăm lo về điều kiện vật chất hợp lý.
5/ Về tổ chức chỉ đạo thực hiện, Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Ban Chỉ đạo chương trình xóa đói giảm nghèo thành phố có kế hoạch cụ thể để hướng dẫn thực hiện chỉ thị này, phối hợp với các ngành hữu quan, nhất là Mặt trận và các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các quận, huyện theo chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của mình cùng tập trung tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt các công việc nêu trên của chương trình xóa đói giảm nghèo thành phố năm 1996, tạo điều kiện phát triển cho những năm tiếp theo.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |