Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Quảng Ninh, ngày 29 tháng 6 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG RÀ SOÁT KIỂM TRA VÀ QUẢN LÝ VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT CỦA CHỦ PHƯƠNG TIỆN, THUYỀN VIÊN TRÊN PHƯƠNG TIỆN PHỤC VỤ VẬN CHUYỂN KHÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Công điện số 976/CĐ-TTg ngày 05/6/2016 “Về việc khắc phục hậu quả vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn, thành phố Đà Nẵng”, chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải tại Chỉ thị số 06/ CT-BGTVT ngày 09/6/2016 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa” và chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 08- CT/TU ngày 17/6/2016 “Về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:

- Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các giải pháp cụ thể để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh theo các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh; đặc biệt khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa thuộc trách nhiệm của ngành, địa phương mình. Trong đó, chú trọng thực hiện một số nội dung công việc cụ thể sau:

1. Về hoạt động phục vụ vận chuyển hành khách chung trên địa bàn tỉnh (trong đó có khách du lịch):

- Giao Sở Giao thông Vận tải:

+ Thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải tại Chỉ thị số 06/CT-BGTVT ngày 09/6/2016 “về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa”.

+ Phối hợp với Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (có hoạt động vận chuyển khách trên địa bàn địa phương) cần nâng cao nhận thức, phân công cụ thể bằng quyết định và gắn trách nhiệm trực tiếp đối với các cá nhân thực thi công vụ, nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước tại các cảng, bến thủy nội địa và trong hoạt động vận tải hành khách (trong đó có khách du lịch) bằng phương tiện thủy nội địa.

+ Phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương kiểm tra, kiểm soát nghiêm yêu cầu về tiêu chuẩn thuyền viên điều khiển phương tiện vận tải hành khách phải có trình độ đáp ứng đủ điều kiện yêu cầu, đặc biệt với phương tiện vận chuyển khách du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, các tuyến đảo và các khu vực nơi có điều kiện khí tượng, thủy văn bất thường cần có bổ sung yêu cầu về kinh nghiệm, thâm niên công tác.

+ Chỉ đạo Trạm Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa Quảng Ninh và đề nghị Chi cục Đăng kiểm 15 đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; cung cấp đầy đủ thông tin đăng kiểm của các phương tiện và phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý chất lượng kỹ thuật của các phương tiện.

+ Phối hợp Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh và Ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan để chủ động dự đoán, có phương án phòng ngừa mất an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt giữa luồng hàng hải với các luồng đường thủy nội địa và các tuyến vận tải khách đò ngang sông, ra các đảo.

- Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy; xây dựng và tuyên truyền nhân rộng các mô hình giao thông đường thủy an toàn.

- Công ty cổ phần Quản lý đường sông 3, Công ty cổ phần Quản lý đường thủy Quảng Ninh rà soát để bổ sung, sửa chữa kịp thời hệ thống phao tiêu báo hiệu; với các tuyến luồng, đặc biệt là tuyến vận chuyển khách du lịch còn thiếu các phao tiêu báo hiệu thì khẩn trương đề xuất cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, đầu tư bổ sung.

2. Về hoạt động phục vụ vận chuyển khách du lịch tham quan, lưu trú trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long:

- Sở Giao thông Vận tải:

+ Chủ trì, phối hợp Sở Du lịch, Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh, Ủy ban nhân dân các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và hoạt động của các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đúng theo Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long ban hành tại Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015, sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 1069/2016/UBND ngày 08/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhất là kiểm soát chống quá tải, chống cháy nổ, chống đắm theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại các Văn bản: Số 2512/UBND-GT2 ngày 06/5/2016, số 2089/UBND-GT2 ngày 20/5/2016, Thông báo số 132/TB-UBND ngày 21/5/2016;

+ Chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh và các đơn vị chủ cảng, bến củng cố quy trình, quy định kiểm soát danh sách, số lượng hành khách, xếp khách, cấp phép rời bến, kiểm soát số lượng khách khi tàu vào bến; kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu du lịch trên hành trình đảm bảo chặt chẽ hơn; tiếp tục tuyên truyền về trách nhiệm của thuyền trưởng, thuyền viên theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm; hướng dẫn chi tiết quy trình vận hành, trông coi phương tiện, nội quy của tàu đối với khách, đối với thuyền viên (thông báo, hướng dẫn cho khách trước khi tàu rời bến);

+ Chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, Công ty cổ phần Đường sông 3, Phòng Cảnh sát đường thủy nghiên cứu, cấp phép tạm vùng nước neo đậu tàu du lịch cho bến khách du lịch - Cảng Hòn Gai để quản lý theo quy định và đảm bảo an toàn;

+ Nghiên cứu, điều chỉnh phương án điều tiết giao thông (nếu cần) và xây dựng phương án điều tiết khách du lịch xuống tham quan Vịnh theo năng lực tiếp nhận của các điểm tham quan, lưu trú trên Vịnh để tránh trường hợp quá tải tại các điểm tham quan trên Vịnh trong bất kỳ trường hợp nào; đặc biệt những ngày cao điểm trong dịp nghỉ cuối tuần hoặc nghỉ lễ...;

- Ủy ban nhân dân các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn:

+ Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng xử lý dứt điểm tình trạng thuyền bán hàng đeo bám tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan trong hoạt động du lịch;

+ Chủ trì, phối hợp Sở Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm của các tàu du lịch vận chuyển khách tham quan, lưu trú trên Vịnh; giám sát việc triển khai các phương án, bố trí phương tiện thường trực ứng cứu khi xảy ra va chạm, sự cố đối với đường thủy và tàu tham quan trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long;

+ Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn an toàn, phạm vi hoạt động, quy trình quản lý, chấp thuận đối với các hoạt động giải trí trên vịnh có liên quan đến an toàn giao thông đường thủy nội địa (như: Thuyền kayak, thuyền chèo tay, xuồng cao tốc, phao nổi...) không ảnh hưởng đến hoạt động của tàu du lịch.

3. Về hoạt động vận tải khách tuyến cố định, hợp đồng ra các đảo và giữa các đảo:

- Sở Giao thông vận tải, Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 2304/UBND-GT2 ngày 28/5/2012 “V/v quản lý hoạt động của các phương tiện chở khách ra các tuyến đảo và các cảng, bến”, thường xuyên tiến hành kiểm tra và yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy của tất cả các phương tiện xuất bến, về bến phục vụ chở khách ra các tuyến đảo.

- Sở Giao thông vận tải:

+ Chỉ đạo Trạm Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và phối hợp Chi cục Đăng kiểm 15 tổ chức rà soát đội tàu hoạt động tuyến từ đất liền ra các đảo (đặc biệt là các tàu chở khách ra đảo Cô Tô) đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện an toàn cao, nhất là khi hoạt động trong điều kiện sóng gió lớn cục bộ, đột xuất; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kiên quyết dừng hoạt động đối với những tàu không đảm bảo an toàn trên tuyến;

+ Khẩn trương phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh công bố luồng đường thủy nội địa trên tuyến Cô Tô - Thanh Lân;

+ Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng tại khu vực Cửa Đối, trên vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long để phục vụ công tác điều hành hoạt động, cứu nạn, cứu hộ và kịp thời thông tin cho thuyền trưởng biết, phòng tránh khi thời tiết cực đoan bất thường;

+ Quản lý chặt hoạt động tàu vận chuyển khách theo hợp đồng chuyến, kiên quyết không để xảy ra tình trạng cò mồi, cạnh tranh không lành mạnh giữa tàu hoạt động vận tải khách tuyến cố định và hợp đồng; củng cố quy trình bán vé tập trung, quy trình điều hành xếp khách tại cảng, bến đảm bảo trật tự, khoa học, không để tình trạng khách tự do đi lại trên cầu cảng khi chờ tàu;

+ Phối hợp với Công ty cổ phần Đường sông 3 rà soát lại hệ thống phao tiêu báo hiệu, điều kiện an toàn trên các tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia ra đảo.

- Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn khẩn trương đầu tư, sửa chữa hệ thống các cảng, bến tại các xã đảo, củng cố hoạt động của ban quản lý các cảng, bến trên đảo đảm bảo đúng quy định; chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm soát chặt các khu vực ven bờ, trên đảo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đón, trả khách trái phép trên địa bàn.

- Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái chủ trì kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển khách ra khu vực đảo Vĩnh Thực; nghiên cứu, đầu tư nâng cấp bến khách ngang sông Mũi Ngọc - Vĩnh Thực thành bến thủy nội địa, tổ chức vận tải khách theo tuyến cố định để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn (do lượng khách du lịch ra đảo Vĩnh Thực đã tăng đáng kể, tuyến hoạt động giao cắt với luồng hàng hải tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn).

- Ủy ban nhân dân thành phố Cẩm Phả khẩn trương chỉ đạo đầu tư bến khách tạm tại khu vực Vũng Đục để tổ chức quản lý theo quy định, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đón, trả khách trái phép trên địa bàn, trong đó tập trung tại khu vực Vũng Đục, Bến Do.

- Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức kiểm tra công tác vận chuyển khách từ đảo Cô Tô ra đảo Thanh Lân, đảo Cô Tô Con (và ngược lại) đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, kiểm soát việc chấp hành nghiêm chỉnh quy định về trọng tải, quy trình vận hành khai thác và trình độ của người điều khiển phương tiện.

4. Về hoạt động của tàu thuyền trên lòng hồ, phà, đò khách ngang sông:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

+ Đề cao trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các phương tiện vận chuyển khách trên lòng hồ, các đò khách ngang sông trên địa bàn;

+ Rà soát, kiểm tra điều kiện an toàn, hồ sơ cấp phép hoạt động, công tác quản lý hoạt động của các bến khách ngang sông; hướng dẫn chủ phương tiện đăng ký hoạt động vận chuyển khách theo quy định; kiên quyết dừng hoạt động đối với bến, phương tiện không đủ điều kiện theo quy định; tiếp tục tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành mặc áo phao của hành khách khi đi trên phương tiện thủy trên lòng hồ, qua phà, đò và tuyệt đối không cho phương tiện rời bến khi khách chưa mặc áo phao;

+ Tăng cường rà soát, phát hiện các cảng, bến thủy nội địa hoạt động khi chưa được cấp phép để xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời hướng dẫn các chủ cảng, bến làm thủ tục xin cấp phép theo quy định hoặc tháo dỡ công trình nếu không nằm trong quy hoạch (trừ trường hợp bến tạm để phục vụ đảm bảo giao thông); nghiêm cấm việc các phương tiện đón, trả khách ở những nơi chưa được cấp phép hoạt động cảng, bến, gắn trách nhiệm quản lý trên địa bàn của Ủy ban nhân dân cấp xã, các lực lượng chức năng liên quan nếu để xảy ra tình trạng phương tiện đón, trả người và cảng, bến hoạt động trái phép;

- Sở Giao thông Vận tải rà soát thủ tục cấp phép hoạt động; chỉ đạo xây dựng quy trình vận hành, quản lý hoạt động tại các bến phà, đò đảm bảo đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời chấn chỉnh.

- Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long chủ trì kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển khách khu vực lòng hồ Yên Lập, kiên quyết trục xuất các phương tiện không được phép hoạt động khu vực lòng hồ Yên Lập theo đúng quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 2246/2003/QĐ-UB ngày 11/7/2003 “V/v nghiêm cấm các tàu, thuyền hoạt động trong lòng hồ Yên Lập từ ngày 30/7/2003”.

- Ủy ban nhân dân huyện Đông Triều, thị xã Quảng Yên phối hợp Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra hoạt động chở khách ngang sông khu vực phà Triều, phà Rừng...

An toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an toàn giao thông; nhất là khu vực tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Do vậy, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương liên quan phải đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và xác định rõ trách nhiệm cá nhân của cán bộ quản lý, kiểm tra, kiểm soát trong công tác quản lý giao thông đường thủy; đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn cho các du khách khi đi trên tàu tham quan.

Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương triển khai nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Đức Long