Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 07 tháng 4 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ CHẤN CHỈNH BUÔN BÁN HÀNG RONG, CHỢ TỰ PHÁT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Hơn 13 năm triển khai thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, công tác phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng chợ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng; đến nay, toàn tỉnh có 88 chợ trong quy hoạch đang hoạt động, gồm 03 chợ hạng 1, 13 chợ hạng 2, 72 chợ hạng 3. Hoạt động thương mại dịch vụ ở các chợ đã góp phần giải quyết nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và mở rộng giao lưu hàng hóa, góp phần làm cho hoạt động thương mại của tỉnh ngày càng văn minh, lịch sự và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện có một số địa phương đang xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng buôn bán hàng rong, họp chợ tự phát, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường và các khu vực xung quanh chợ để kinh doanh tự phát gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại các chợ nằm trong quy hoạch. Nguyên nhân là do trên địa bàn tỉnh dịch vụ thương mại phát triển đa dạng, khách du lịch ngày càng tăng, việc đầu tư phát triển chợ khu vực đô thị còn gặp khó khăn, phải thực hiện xã hội hóa nên chưa thể bố trí, sắp xếp các tiểu thương đang hoạt động tại các chợ tự phát vào các chợ được đầu tư xây dựng theo quy hoạch; mặt khác chủ quan do các cấp chính quyền huyện, thành phố, phường - xã - thị trấn chưa quan tâm phối hợp, quản lý nhà nước tốt về công tác quản lý chợ và trật tự đô thị trên từng địa bàn; ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước của một bộ phận dân cư không cao; việc giải quyết đối với các chợ tự phát, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường kinh doanh tự phát kéo dài và không được xử lý nghiêm và triệt để.

Để chấn chỉnh và giải quyết triệt để tình trạng buôn bán hàng rong, họp chợ tự phát, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường kinh doanh tự phát, góp phần phát triển văn minh thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm và giữ gìn trật tự an toàn đô thị, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung triển khai các nội dung sau:

1. Sở Công thương

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát lại quy hoạch hệ thống chợ hiện hữu, để tham mưu, đề xuất cho UBND chỉ đạo việc bố trí phát triển các chợ mới, sắp xếp di dời các chợ cũ không bảo đảm theo tiêu chuẩn chợ quy định đến chợ mới được phát triển đầu tư theo quy hoạch và giải tỏa triệt để các chợ tự phát, lấn chiến vỉa hè, lòng lề đường kinh doanh tự phát trên từng địa bàn các huyện, thành phố, bảo đảm phát triển mạng lưới chợ phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu mua sắm của nhân dân địa phương và phục vụ khách du lịch đến với tỉnh.

b) Chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố tham mưu đề xuất các quy định để quản lý các tiểu thương kinh doanh thực phẩm là cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Nghị định số 39/2007NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ.

c) Giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành có liên quan:

- Tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể đối với các dự án đầu tư xây dựng chợ, chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ, để mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án chợ trên địa bàn thành phố Vũng Tàu, nhất là các chợ đã xuống cấp như chợ Vũng Tàu, chợ Bến Đình.

- Xây dựng quy tắc ứng xử của các tiểu thương trong chợ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Công an tỉnh:

Tổ chức chỉ đạo công an các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý dẹp bỏ các chợ lấn chiếm lòng lề đường, chợ tự phát nhằm đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

3. Sở Giao thông vận tải:

Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phương án bảo đảm an toàn giao thông của các chợ, nhất là đối với các chợ trên các tuyến đường quốc lộ; trong đó trọng tâm triển khai việc sắp xếp, giải quyết các chợ lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm lộ giới, bán kính cầu, tuyến đường cho phép tổ chức chợ tạm, khu vực tắm biển được phép buôn bán hàng rong, để đảm bảo an toàn giao thông.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Sở Công thương; UBND các huyện, thành phố:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định quy định về quy trình xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn tỉnh. Xây dựng trình tự, thủ tục triển khai việc đấu thầu kinh doanh và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh;

b) Đẩy mạnh, công tác kêu gọi, thu hút đầu tư trong, ngoài tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy mô, vị trí đã được phê duyệt.

5. UBND các huyện, thành phố

1- Triển khai một số nhiệm vụ sau:

a) Tổ chức kiểm tra, thống kê về số lượng các tuyến đường, vỉa hè đường phố bị các đối tượng buôn bán hàng rong lấn chiếm kinh doanh tự phát, để xây dựng kế hoạch tổ chức chấn chỉnh và biện pháp giải tỏa dứt điểm các chợ tự phát và lấn chiếm vỉa hè, lề đường kinh doanh tự phát; trong đó, chú trọng đến xây dựng kế hoạch, lộ trình xóa bỏ hoặc di dời các chợ tự phát cùng các giải pháp xử lý các vấn đề có liên quan như: dự kiến địa điểm bố trí, sắp xếp các điểm kinh doanh tự phát vào nơi buôn bán phù hợp, các chính sách hỗ trợ; gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở cũng như các cơ quan có liên quan trong việc để phát sinh chợ tự phát cũng như để tái phát chợ tự phát trên địa bàn; trong đó, tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ như sau:

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, vừa tạo điều kiện có các chính sách hỗ trợ, bố trí địa điểm kinh doanh cụ thể để sắp xếp cho các cá nhân có nơi hoạt động kinh doanh đúng quy định trước khi chính quyền tiến hành giải tỏa chợ, thiết lập lại trật tự. Và quan trọng hơn cả là sau đó phải bố trí đủ lực lượng chốt chặn, giải tỏa, kiểm tra, xử lý thường xuyên tình trạng tái chiếm, buôn bán gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

c) Trong quý II năm 2017, UBND các huyện, thành phố có kế hoạch lộ trình tổ chức giải tỏa triệt để các chợ tự phát, lấn chiếm vỉa hè, lề đường kinh doanh trên từng địa bàn từ nay đến cuối năm 2017.

Riêng đối với UBND thành phố Vũng Tàu có kế hoạch tổ chức thống kê, phân loại đối tượng tiểu thương theo từng địa bàn, sắp xếp bố trí người buôn bán vào các chợ phù hợp quy hoạch, đề xuất quy định, cụ thể điểm - hộ - cá nhân kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh an toàn tổ chức làm thí điểm, bảo đảm không tái chiếm vỉa hè và lòng lề đường họp chợ tự phát; trước mắt năm 2017 phải giải tỏa ngay các điểm mua bán tự phát trên những tuyến đường và giao lộ đông người qua lại như tuyến đường 30/4, đường Lưu Chí Hiếu thuộc phường 10 và phường Thắng Nhất, đường Lê Quang Định thuộc phường 9 và phường Thắng Nhất, nhằm bảo đảm lập lại môi trường thương mại lành mạnh, trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường đô thị; các phường trọng điểm thực hiện công tác giải tỏa, chấn chỉnh việc lấn chiến vỉa hè, lòng đường họp chợ tự phát phải tổ chức phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và có sự tham gia của các lực lượng công an địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn việc giải tỏa các chợ tự phát, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, duy trì an ninh trật tự sau khi giải tỏa sắp xếp, từ đó tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và sang năm tiếp tục triển khai kế hoạch cụ thể giải tỏa hết các chợ tự phát còn lại trên địa bàn.

d) Nâng cao tinh thần trách nhiệm của UBND phường, xã và thị trấn trong việc phối hợp các Ban quản lý/Tổ quản lý các chợ, có biện pháp quản lý khu vực xung quanh chợ, kiên quyết xử phạt nghiêm người buôn bán hàng rong cố tình vi phạm an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường họp chợ tự phát, có giải pháp giải tán ngay khi mới phát sinh họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường.

2) Chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, Chỉ thị số 24/2007/CT-UBND ngày 07/8/2007 của UBND tỉnh thực hiện Nghị định số 39/2007 của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh và các quy định pháp luật khác có liên quan, như sau:

a- Tập trung rà soát, bổ sung, lắp đặt biển cấm “buôn bán rong” và đề xuất các khu vực, địa điểm cho phép người bán hàng rong duy trì tạm thời về thời gian trong khi chưa có địa điểm bố trí cụ thể tại các khu vực, tuyến đường, một phần hè phố để thực hiện hoạt động thương mại, để có biện pháp quản lý, sắp xếp lại gọn gàng, đảm bảo thực hiện đúng các quy định như chợ trong quy hoạch; đồng thời ban hành các quy định về giữ gìn vệ sinh đô thị, trật tự an toàn giao thông trên từng địa phương để quản lý.

b- Chỉ đạo UBND các phường, xã khảo sát, điều tra và lập danh sách quản lý các đối tượng hoạt động thương mại buôn bán rong trên từng địa bàn để quản lý và tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo thẩm quyền và các quy định của pháp luật. Định kỳ báo cáo tổng hợp hoặc đột xuất theo yêu cầu của các sở, ngành có liên quan về tình hình tổ chức thực hiện Nghị định số 39/2007 của Chính phủ trên địa bàn, với các kiến nghị và đề xuất cụ thể các vấn đề có liên quan đến công tác quản lý hoạt động của các đối tượng này.

+ Tổ chức phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trong việc quản lý người bán hàng rong trên địa bàn quản lý; Lập sổ theo dõi người thường xuyên bán rong trên địa bàn quản lý (bao gồm cả người cư trú tại địa bàn và từ nơi khác thường xuyên đến địa bàn thuộc quyền quản lý hoạt động thương mại), tình hình hoạt động và chấp hành các quy định pháp luật của các đối tượng này.

+ Tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị định số 39/2007 của Chính phủ theo đúng thẩm quyền; trên cơ sở xây dựng các giải pháp cụ thể để quản lý, tổ chức hoạt động thương mại phù hợp trên địa bàn, đảm bảo hoạt động thương mại của những người buôn bán hàng rong tuân thủ đứng các quy định hợp pháp trên các tuyến đường, khu vực cho phép tạm thời buôn bán với thời gian cụ thể; đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và trật tự an bản và lâu dài tình trạng buôn bán hàng rong, chèo kéo và đeo bám khách du lịch, nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng hoạt động thương mại độc lập có nơi hoạt động ổn định, thực hiện tốt văn minh thương mại dịch vụ, thân thiện với người dân và khách du lịch đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

+ Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, thông tin các chủ trương chính sách và quy định có liên quan về quản lý buôn bán rong tới các đối tượng trực tiếp hoạt động thương mại độc lập không phải đăng ký kinh doanh trên địa bàn và người từ nơi khác đến địa bàn hoạt động thương mại, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm chấp hành tốt các quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động thương mại trên địa bàn,để tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với cá nhân hoạt động thương mại độc lập theo đúng thẩm quyền.

+ Thông báo công khai, rộng rãi các tuyến đường, khu vực và địa điểm với thời gian cụ thể được phép cho người bán hàng rong thực hiện các hoạt động thương mại, thông qua thông tin trên loa phát thanh phường, xã, thị trấn, thông báo đến từng khu phố và tổ dân phố để người buôn bán rong biết và thực hiện đúng quy định pháp luật.

3. Tổ chức thực hiện:

a) Sở Công thương có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, triển khai, thực hiện, tổng hợp tình hình sơ tổng kết, nếu phát sinh vướng mắc báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời.

b) UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm nhanh chóng xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện chấn chỉnh, giải tỏa các đối tượng buôn bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường và khu vực quanh chợ kinh doanh họp chợ tự phát; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố là người chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng buôn bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè lòng lề đường tiếp tục họp chợ tự phát kéo dài, không chấn chỉnh, giải tỏa triệt để theo kế hoạch và lộ trình đã đề ra.

c) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động hỗ trợ các huyện, thành phố trong việc tổ chức thực hiện việc chấn chỉnh, giải tỏa buôn bán hàng rong họp chợ tự phát, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, các khu vực quanh chợ kinh doanh tự phát và vệ sinh an toàn thực phẩm hè phố, hàng rong. Đồng thời, thông tin tuyên truyền các đơn vị, tổ chức và cá nhân tiêu biểu có thành tích thực hiện tốt Chỉ thị này.

d) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và đoàn thể các huyện, thành phố đưa vào nội dung hoạt động các đoàn thể cùng cấp, phối hợp với các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện, giáo dục thuyết phục người buôn bán tự giác chấp hành Nghị định số 39/2007 của Chính phủ, các pháp luật có liên quan về vệ vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông, không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh buôn bán không đúng nơi quy định.

d) Ban Thi đua khen thưởng tỉnh xem xét trình UBND tỉnh khen thưởng những đơn vị, tổ chức và cá nhân tiêu biểu có thành tích thực hiện Chỉ thị này.

e) Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, các cơ quan, đơn vị được phân giao nhiệm vụ định kỳ có báo cáo, đề xuất gửi về Sở Công thương tổng hợp báo cáo, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Long