Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LÂM NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-TCLĐ

Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 1992

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐỔI MỚI TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÁC LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH (LTQD)

Để các lâm trường thực sự làm nòng cốt trong kinh doanh rừng, Bộ chỉ thị một số nội dung đổi mới quan trọng cần thực hiện ngay như sau:

1- Sắp xếp lại sự phân bố các lâm trường quốc doanh:

Ở từng tỉnh, cần dựa vào vốn rừng, đất rừng hiện có, tình hình phân bố dân cư để giao đất giao rừng gắn liền với việc sắp xếp lại sự phân bố các lâm trường quốc doanh theo những định hướng sau đây:

Ở những vùng đông dân cư: Đẩy mạnh giao đất giao rừng ngay đến các hộ nông dân và hộ công nhân lâm nghiệp, và tạo mọi điều kiện để hộ đó có thể kinh doanh sử dụng hợp lý rừng và đất lâm nghiệp được giao. Không bố trí lâm trường ở những vùng này mà lâm trường trở thành đơn vị làm dịch vụ hai đầu tạo điều kiện cho nhân dân kinh doanh rừng.

Ở những vùng mật độ dân cư thấp, kết cấu hạ tầng kém phát triển:

Cần bố trí và củng cố ngay các lâm trường để làm nòng cốt, hỗ trợ nhân dân kinh doanh rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy hoạch, kế hoạch và chính sách của Nhà nước. Tuỳ theo vị trí, phương án sản xuất của từng tiểu vùng để xác định rõ phương án kinh doanh và những nhiệm vụ cụ thể của các lâm trường được bố trí ở những tiểu vùng này.

Ở những vùng rừng sản xuất chưa có điều kiện bố trí các lâm trường: Cần đóng cửa rừng, thiết lập quy chế quản lý Nhà nước nghiêm ngặt để khoanh nuôi, bảo vệ, ngăn cấm mọi tác động khai thác, phá hoại rừng (quản lý như tài nguyên rừng đang dự trữ).

Việc bố trí các lâm trường cần được tiến hành cùng với việc bố trí các ban quản lý các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ở mỗi tỉnh để bảo đảm trong năm 1992 bố trí xong các tổ chức có đủ điều kiện làm chủ các loại rừng trên địa bàn toàn tỉnh.

2- Rà soát lại quỹ rừng, quỹ đất lâm nghiệp ở các lâm trường để giao và khoán đến các hộ thành viên và tổ chức, bố trí người làm chủ cụ thể trên các tiểu khu rừng:

Để tăng cường việc quản lý bảo vệ và kinh doanh có hiệu quả đất đai đã bố trí ở các lâm trường, cần phải làm ngay các việc sau đây:

Rà soát và báo cáo cụ thể với chính quyền địa phương các loại đất nông nghiệp, đất khác đang nằm trong tổng diện tích tự nhiên đã quy hoạch cho các lâm trường (như: Đất thổ cư, đất hồ ao, đất đai khác, đất nương cố định, đất xây dựng, đất vườn rừng của các hộ nông dân v.v...) để chính quyền địa phương tiến hành làm thủ tục giao cho các hộ cư trú trên địa bàn của các lâm trường theo quy định của pháp luật.

- Đối với rừng và đất lâm nghiệp mà lâm trường đã nhận để trực tiếp quản lý kinh doanh cũng phải tiến hành tổ chức cụ thể trên thực địa theo phương án điều chế rừng và khoán cho các hộ thành viên của lâm trường để quản lý, bảo vệ, kinh doanh phát triển vốn rừng theo hợp đồng ký kết giữa lâm trường và hộ thành viên.

3- Tổ chức để lâm trường thực hiện được chức năng dịch vụ cho nhân dân kinh doanh nghề rừng và làm chủ các dự án đầu tư, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Các LTQD phải tổ chức lực lượng để làm các loại dịch vụ sau đây:

- Dịch vụ cung ứng hạt giống, cây con, vật tư kỹ thuật.

- Dịch vụ cung ứng, hỗ trợ vốn.

- Dịch vụ chuyển giao, phổ cập kỹ thuật đến tận hộ nông dân.

- Dịch vụ tiêu thụ sản phẩm.

Đối tượng dịch vụ là các hộ thành viên của LTQD và các hộ nông dân kinh doanh lâm nghiệp trên địa bàn huyện (nếu có nhu cầu).

Lâm trường phải điều tra điều kiện tự nhiện, kinh tế-xã hội để lập dự án đầu tư nhằm quản lý bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện cuộc vận động định canh, định cư trên tổng diện tích tự nhiên đã được quy hoạch cho lâm trường hoạt động. Sau khi dự án được duyệt, Lâm trường bố trí lực lượng để làm đầy đủ nhiệm vụ chủ đầu tư của công trình được duyệt.

Trong quá trình chuyển sang cơ chế thị trường có điều chỉnh của Nhà nước, các lâm trường phải tổ chức lại kinh doanh sản xuất của mình để thực hiện cho được nhiệm vụ cơ bản nhất là: Quản lý, bảo vệ, sử dụng, phát triển vốn rừng, sản xuất nông lâm kết hợp và góp phần vào việc ổn định, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn hoạt động.

4- Tổ chức thực hiện chỉ thị:

Tổ chức thực hiện chỉ thị này phải gắn liền với việc tổ chức thực hiện Luật bảo vệ, phát triển rừng và Nghị định 388-HĐBT ngày 20 tháng 11 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng mà Bộ Lâm nghiệp đã hướng dẫn.

Cơ quan chủ quản của các Lâm trường và cơ quan quản lý Nhà nước về Lâm trường ở cấp tỉnh, dựa trên những nội dung chủ yếu của Chỉ thị này để rà soát và có kế hoạch tổ chức lại tất cả các Lâm trường thuộc cấp mình quản lý, phấn đấu đến cuối năm 1992 định hình được số lượng và hệ thống Lâm trường bố trí trên địa bàn các tỉnh. Trên cơ sở đó, lập dự án đầu tư và kế hoạch kinh doanh sản xuất năm 1993 và các năm tiếp theo đúng nội dung đổi mới của Chỉ thị này.

 

 

Phan Xuân Đợt

(Đã ký)