THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ****** | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 123-TTG-HĐKT | Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1964 |
VỀ VIỆC KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ NĂM 1965
Kính gửi | - Các ông bộ trưởng, tổng cục trưởng, |
Kế hoạch Nhà nước năm 1965 đã được Hội đồng Chính phủ thông qua vào đầu tháng 12 năm 1964 có một tầm quan trọng đặt biệt đối với việc kết thúc thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và tích cực chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ hai.
Căn cứ vào kế hoạch trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ông Bộ trưởng, Tổng cục trưởng, các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương, khẩn trương xúc tiến việc ký kết các loại hợp đồng nguyên tắc, trực tiếp chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị trực thuộc ký kết hợp đồng cụ thể toàn năm theo đúng các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, phù hợp với các thể lệ nguyên tắc hiện hành về chế độ hợp đồng kinh tế. Cần triệt để khắc phục tình trạng đã xẩy ra trong năm 1964: có một số ngành và địa phương đã trì hoãn không ký kết hợp đồng kinh tế, như các loại hợp đồng vận tải giữa Bộ Ngoại thương và Bộ Giao thông vận tải, hợp đồng mua lâm sản giữa Bộ Công nghiệp nhẹ và Tổng cục Lâm nghiệp, hợp đồng nhập lương thực giữa Tổng cục Lương thực và Bộ Ngoại thương, hợp đồng mua bán lương thực, thực phẩm giữa Tổng cục Lương thực, Tổng cục Thủy sản và Ủy ban hành chính các địa phương. Những hành động nói trên đã vi phạm kỷ luật hợp đồng quy định trong Nghị định số 29-CP ngày 23 tháng 12 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ, ảnh hưởng không tốt đến việc hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1964, cần phải được chấm dứt trong năm tới.
Năm 1965, các chỉ tiêu kế hoạch đã được giao sớm hơn mọi năm, do đó việc ký kết các loại hợp đồng nguyên tắc phải được hoàn thành chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm 1965. Đến ngày 30 tháng 03 năm 1965 phải ký xong các loại hợp đồng cụ thể cả năm (trừ các hợp đồng về xây dựng cơ bản thì phải ký kết theo đúng thủ tục quy định trong Thông tư số 139-TTg ngày 20 tháng 06 năm 1960, số 274-TTg ngày 16 tháng 11 năm 1960 và số 04-TTg ngày 11 thánh 01 năm 1964 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau đây là những điểm cần chú ý trong lúc tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế năm 1965:
Đối với các chỉ tiêu pháp lệnh về một số mặt hàng cụ thể sản xuất công nghiệp, các ngành và các địa phương phải coi các chỉ tiêu tiêu thụ cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu có liên quan đến các mặt hàng đó cũng là những chỉ tiêu pháp lệnh để bảo đảm việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được cân đối và toàn diện.
3. Các loại hợp đồng kinh tế khác sẽ được tiến hành ký kết trong năm 1965 như sau:
a) Hợp đồng vận tải: Theo thể lệ tiến hành, các cơ quan vận tải đảm nhiệm cả việc vận chuyển cũng như việc xếp dỡ hàng hóa tại các ga, bến, cảng có tổ chức công nhân xếp dỡ chuyên nghiệp quốc doanh hay hợp tác xã do các cơ quan vận tải quản lý. Chủ hàng chỉ cần ký các cơ quan vận tải một hợp đồng vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa. Cơ quan vận tải sẽ tiến hành ký kết những hợp đồng vận chuyển và xếp dỡ trong nội bộ ngành để bảo đảm thực hiện hợp đồng mà mình đã ký với chủ hàng.
Ở các ga, bến, cảng mà không có tổ chức xếp dỡ chuyên nghiệp do cơ quan vận tải quản lý thì chủ hàng chỉ ký hợp đồng vận chuyển với cơ quan vận tải, còn việc xếp dỡ thì tự mình đảm nhiệm lấy (có thể thuê mượn nhân công xếp dỡ ngoài và ký hợp đồng với họ).
b) Hợp đồng vật tư kỹ thuật:
- Trong khu vực kinh tế quốc doanh trung ương và địa phương (kể cả các tổ chức công tư hợp doanh) các Bộ, Tổng cục và các địa phương có yêu cầu về vật tư sẽ trực tiếp ký hợp đồng nguyên tắc với các cơ quan cung cấp vật tư theo đúng chế độ Nhà nước đã quy định.
Bộ Nội thương một mặt ký hợp đồng nguyên tắc nhận vật tư với cơ quan cung cấp vật tư, mặt khác ký hợp đồng với các Ủy ban hành chính địa phương để phân phối lại các vật tư đó cho các nhu cầu lẻ của các cơ quan, của nhân dân và của khu vực kinh tế tập thể (các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, làm muối, đánh cá, vận tải v.v…) theo chỉ tiêu về số lượng, chất lượng ghi trong kế hoạch và theo các quy định của thương nghiệp.
- Đối với các mặt hàng gia công của ngành nội thương và ngoại thương thì hai Bộ này phải ký hai loại hợp đồng nguyên tắc về mua vật tư với cơ quan cung cấp vật tư và hợp đồng giao nhận gia công với các Ủy ban hành chính địa phương (bao gồm cả đặt gia công và cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu.)
- Các Bộ, các ngành có yêu cầu về vật tư nhưng số lượng quá ít thì không phải ký hợp đồng nguyên tắc với các cơ quan cung cấp vật tư.
Căn cứ vào kế hoạch phân phối của Nhà nước, các Bộ, các ngành nói trên chỉ đạo các cơ sở trực thuộc ký kết hợp đồng cụ thể với các đơn vị sở quan làm nhiệm vụ cung cấp vật tư.
- Tổng cục Vật tư đảm nhiệm việc thu hồi các kim khí vụn, các phế liệu (kim khí và dầu các loại) trong khu vực quốc doanh trung ương và địa phương và các cơ sở công tư hợp doanh (trừ các ngành giao thông vận tải và quốc phòng). Tổng cục Vật tư không phải ký hợp đồng nguyên tắc với các Bộ, Tổng cục hoặc địa phương có liên quan nhưng phải chỉ đạo các Chi cục Vật tư ký kết hợp đồng cụ thể thẳng với các xí nghiệp cơ sở có kim khí vụn và phế liệu.
Ở những tỉnh mà ngành nội thương được ủy nhiệm làm nhiệm vụ cung cấp vật tư thay cho Tổng cục Vật tư thì Bộ Nội thương phải chỉ đạo các Công ty mậu dịch trực thuộc ký kết hợp đồng cụ thể thu mua kim khí vụn và phế liệu với các xí nghiệp quốc doanh; công tư hợp doanh trung ương và địa phương. Ngoài ra Bộ Nội thương còn phải tổ chức thu mua cả trong khu vực kinh tế tập thể, trong các cơ quan hành chính; sự ngiệp và trong nhân dân.
- Bộ Nội thương không phải ký hợp đồng nguyên tắc nhưng cần phải phối hợp mật thiết với các Bộ chủ quản và chỉ đạo các Công ty mậu dịch trực thuộc ký kết hợp đồng cụ thể với các xí nghiệp hoặc đơn vị sản xuất ở trung ương và địa phương để thu mua hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm, phế liệu trong ngành sản xuất, hàng tiêu dùng, kể cả than qua lửa (sau khi xí nghiệp hoặc đơn vị sản xuất đã tận dụng và thải ra).
c) Hợp đồng vật liệu kiến trúc (gạch; ngói; vôi, đá, cát; sỏi).
Bộ kiến trúc ký hợp đồng nguyên tắc với các địa phương để thu mua số vật liệu kiến trúc mà địa phương phải sản xuất để cung cấp cho nhu cầu xây dựng các công trình của trung ương (do Bộ Kiến trúc đảm nhận thi công).
- Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch đã được duyệt, Bộ Kiến trúc thông báo số lượng và nơi nhận vật liệu kiến trúc cho các ngành có công trình tự làm, có yêu cầu về vật liệu kiến trúc. Các ngành này, dựa trên số lượng và nơi nhận vật liệu ghi trong thông báo mà ký kết hợp đồng nguyên tắc với Bộ Kiến trúc (nếu là mua vật liệu của một cơ sở thuộc Bộ Kiến trúc) hoặc với Ủy ban hành chính địa phương (nếu là mua số vật liệu do địa phương sản xuất để phục vụ cho nhu cầu xây dựng của trung ương).
- Bộ Nội thương ký hợp đồng nguyên tắc với Bộ Kiến trúc để thu mua tất cả các thứ phẩm, phế phẩm gạch ngói của các xí nghiệp quốc doanh thuộc Bộ Kiến trúc quản lý sản xuất ra và chỉ đạo tốt việc thu mua số vật liệu kiến trúc còn lại của địa phương .
d) Hợp đồng nhập khẩu: Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch, Bộ Ngoại thương ký kết ngay các loại hợp đồng nguyên tắc về hàng nhập với các ngành, các địa phương và đôn đốc các Tổng công ty ký kết hợp đồng cụ thể với các bên đặt hàng, không được viện lý do chưa đàm phán được với bên ngoài mà trì hoãn việc ký kết, sau này nếu có gì thay đổi thì nghành ngoại thương sẽ đề nghị điều chỉnh lại hợp đồng.
Các ngành và các địa phương có yêu cầu nhập hàng nhưng không được Nhà nước phân phối trực tiếp kim ngạch nhập hàng cho mình, phải tiến hành ký kết hợp đồng nguyên tắc với các Bộ, Tổng cục phụ trách tổng hợp đơn hàng nhập đó; sau đó chỉ đạo các cơ sở trực thuộc ký kết hợp đồng cụ thể với các cơ quan có liên quan.
Đối với các mặt hàng thông dụng phải nhập khẩu, Bộ Nội thương sau khi đã ký hợp đồng nguyên tắc với Bộ Ngoại thương, sẽ thông báo cho các ngành và các địa phương đặt hàng biết. Các ngành, các địa phương này không cần ký hợp đồng nguyên tắc với Bội Nội thương mà chỉ chỉ đạo các cơ sở trực thuộc ký hợp đồng cụ thể với các cơ quan có liên quan trên cơ sở những mặt hàng mà Bộ Nội thương đã ký được với Bộ Ngoại thương và đã được thông báo trước.
đ) Hợp đồng xuất khẩu, mua bán nông sản, sản phẩm cây công nghiệp theo thời vụ và các mặt hàng công ngiệp và thủ công nghiệp… vẫn ký kết theo đúng những quy định trong Thông tư số 4 –TTg ngày 11 tháng 01 năm 1964 của Thủ thướng Chính phủ.
e) Hợp đồng kiến thiết cơ bản: Vẫn theo như quy định của Thông tư số 4-TTg ngày 11 tháng 01 năm 1964 nói trên. Riêng đối với các công trình dưới hạn ngạch của các cơ quan trung ương xây dựng ở địa phương thì Bộ Kiến trúc bàn bạc với Ủy ban hành chính địa phương, lập biên bản xác nhận sự phân công xây dựng các công trình nói trên và thông báo cho các Bộ, các ngành biết để ký kết hợp đồng, trên cơ sở:
- Những công trình nào mà địa phương nhận thi công thì Bộ hoặc ngành chủ quản ký hợp đồng ủy thác vốn cho địa phương đó, Bộ kiến trúc chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu, vật liệu cho địa phương.
- Số công trình còn lại, Bộ Kiến trúc phải trực tiếp đảm nhận xây dựng và tiến hành ký kết với các Bộ hoặc ngành chủ quản.
Trong việc tổ chức thực hiện vượt mức và toàn diện kế hoạch Nhà nước năm 1965, năm hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ hai, công tác hợp đồng kinh tế năm 1965 cần được các Bộ, Tổng cục và Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hết sức coi trọng, cần tiến hành thật tốt việc ký kết các loại hợp đồng nguyên tắc và tích cực giúp đỡ các đơn vị trực thuộc ký kết các hợp đồng cụ thể toàn năm, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các hợp đồng đó và báo cáo kịp thời về Hội đồng Trọng tài trung ương.
| K.T.THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |