Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2003/CT-UB

Bến Tre, ngày 21 tháng 11 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI NGHÈO VÀ ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH

Thời gian qua công tác trợ giúp pháp lý của Nhà nước, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được hiệu quả nhất định. Thực hiện việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách trong tất cả các lĩnh vực pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng được trợ giúp hiểu biết pháp luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, bảo đảm cho các quyền của công dân được tôn trọng, góp phần ổn định trật tự xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, việc quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, các sở, ban, ngành, đoàn thể đối với hoạt động trợ giúp pháp lý chưa nhiều; sự phối hợp tổ chức, bảo đảm điều kiện thực hiện chưa cụ thể và chưa thường xuyên; đội ngũ chuyên viên trợ giúp pháp lý còn thiếu so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao; hoạt động trợ giúp pháp lý chưa được nhiều người biết đến, nhất là đối với người nghèo và đối tượng chính sách ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, nhận thức về pháp luật của các đối tượng này còn nhiều hạn chế.

Thực hiện Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 01-03-2000 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý”, nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu trợ giúp đa dạng của người dân đồng thời thu hút sự tham gia của đội ngũ cộng tác viên, các đoàn thể, tổ chức và cộng đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1) Thủ trưởng đơn vị các cấp, các ngành, tổ chức hữu quan cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về hoạt động trợ giúp pháp lý, là một trong những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng bảo đảm thực hiện công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Hoạt động trợ giúp pháp lý góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân…. Công tác này là một bộ phận quan trọng trong việc thực hiện công bằng xã hội.

2) Ban Tổ chức chính quyền tỉnh và Sở Tư pháp cần có phương án bố trí, biên chế, kiện toàn tổ chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý, bảo đảm đáp ứng có hiệu quả nhu cầu trợ giúp pháp lý cho các đối tượng.

3) Các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan, khi nhận được văn bản kiến nghị của tổ chức trợ giúp pháp lý, phải xem xét giải quyết kịp thời và trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức trợ giúp pháp lý thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Các chuyên viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý có nghĩa vụ không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ thuật nghiệp vụ, tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, phục vụ nhân dân tận tụy, giữ gìn và nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong trợ giúp pháp lý.

4) Sở Tư pháp là đầu mối phối hợp các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác trợ giúp pháp lý; tập trung chỉ đạo các Phòng Tư pháp huyện, thị cùng với Trung tâm trợ giúp pháp lý đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý lưu động, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ chức pháp lý thuộc các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

5) Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ chuyên viên trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp chỉ đạo việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên, mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý đến cấp huyện và cấp xã để người nghèo và đối tượng chính sách ở vùng sâu, vùng xa thật sự nhận được trợ giúp pháp lý.

6) Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị trong việc lựa chọn cán bộ làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm; khẩn trương xây dựng Quy chế thành lập Tổ trợ giúp pháp lý ở các huyện, thị.

UBND các huyện, thị chỉ đạo Phòng Tư pháp, Phòng Tài chính và các cơ quan hữu quan tại địa phương cần hỗ trợ kinh phí, bảo đảm cho các Tổ trợ giúp pháp lý có cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cần thiết; quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Tổ trợ giúp pháp lý sớm đi vào hoạt động và thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương mình…

7) Sở Văn hóa – Thông tin, Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh cần tuyên truyền phổ biến rộng rãi về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết về hoạt động này; từng bước xây dựng chuyên mục trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách trên báo đài, xem đây là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan thông tin đại chúng.

8) Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp tỉnh để thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý.

Đề nghị Thủ trưởng các ngành, các cấp, các tổ chức hữu quan có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các công việc trên.

Giao nhiệm vụ cho Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh theo dõi chỉ đạo.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
 KT. CHỦ TỊCH
 PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Bảo