Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 13/2008/CT-UBND

Long Xuyên, ngày 14 tháng 11 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Ngày 28 tháng 12 năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 190/2007/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH tự nguyện. Đây là chính sách mới rất quan trọng của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, nhằm mở rộng BHXH cho hàng triệu người lao động là nông dân, lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cá thể và những người lao động tự tạo việc làm. Trong đó còn một bộ phận lao động tham gia hoạt động nhà nước, các đoàn thể, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhưng không thuộc diện BHXH bắt buộc.

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay, BHXH tự nguyện là giải pháp quan trọng giúp cuộc sống người lao động luôn ổn định, giảm bớt khó khăn cho người lao động khi có các biến động về thị trường (như lạm phát, không việc làm,...), giúp công tác giảm nghèo hiệu quả hơn và góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị - xã hội ở địa phương, tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đối với tỉnh ta, trong điều kiện kinh tế - xã hội liên tục phát triển, mức sống nhân dân ngày càng cao, chính sách BHXH bắt buộc đã được thực hiện tốt trong 15 năm qua, đã có bộ máy quản lý BHXH chuyên trách ở địa phương nên việc triển khai BHXH tự nguyện có nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, đây là chính sách mới, phải triển khai cho hàng triệu người, nhiều người lao động cá thể vẫn chưa quen với BHXH tự nguyện, nhất là trong xã hội còn khá phổ biến thói quen chỉ nặng lo trước mắt, ý thức tham gia BHXH còn hạn chế, một bộ phận nhân dân thu nhập còn thấp v.v.., ảnh hưởng đến việc tham gia BHXH tự nguyện của người dân.

Từ các yêu cầu và đặc điểm trên, để bảo đảm việc triển khai thực hiện tốt BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chỉ thị:

1. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

Chủ trì phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh và các ngành liên quan tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện BHXH tự nguyện đến các tổ chức và nhân dân trong tỉnh; định kỳ kiểm tra, đôn đốc việc triển khai và thực hiện BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố:

Xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện và tổ chức hội nghị triển khai cho các cơ quan trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn; các cơ quan, đoàn thể cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn; chú ý chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền, vận động người lao động ở địa phương tham gia BHXH tự nguyện, đưa chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, định kỳ tổ chức sơ kết và báo cáo kết quả thực hiện về BHXH tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

3. Báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang:

Phối hợp với cơ quan BHXH các cấp có kế họach tập trung tuyên truyền về BHXH tự nguyện với nhiều hình thức, nội dung thiết thực, sinh động và cần xem đây là nội dung tuyên truyền dài hạn.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể cấp tỉnh:

Xây dựng kế hoạch tuyên truyền về BHXH tự nguyện đối với cấp dưới trực thuộc và vận động thành viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể cùng nhân dân trong tỉnh tham gia BHXH tự nguyện.

5. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh:

Trên cơ sở giải thích lợi ích của BHXH tự nguyện, có kế hoạch vận động cán bộ, công chức và người lao động tham gia BHXH tự nguyện cho thân nhân, vận động những người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng đóng BHXH chưa đủ 20 năm, những người nghỉ việc bảo lưu BHXH, những người hoạt động trong các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp v.v.. tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hàng tháng theo Luật BHXH.

Tùy theo điều kiện từng địa phương, UBND các phường, xã, thị trấn trích một phần ngân sách chi hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn và các khóm, ấp tham gia BHXH tự nguyện; những xã, phường, thị trấn gặp khó khăn thì báo cáo UBND huyện (thị xã, thành phố) hỗ trợ.

6. Bảo hiểm Xã hội tỉnh:

a. Phối hợp với Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu  UBND tỉnh sớm có văn bản trình Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh phê duyệt cơ chế chi ngân sách cấp xã (phường, thị trấn) hỗ trợ cán bộ không chuyên trách cấp xã và trưởng - phó ban nhân dân khóm, ấp tham gia BHXH tự nguyện.

b. Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các ngành, đoàn thể liên quan xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể cho từng nhóm đối tượng, tiến tới thực hiện BHXH cho mọi người lao động trong tỉnh, trình HĐND tỉnh và UBND tỉnh xem xét trong năm 2009.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (để báo cáo);
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh (để báo cáo);
- UB.MTTQVN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo TU;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp tỉnh;
- Doanh nghiệp nhà nước cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị, thành phố;
- TT Công báo; Website An Giang;
- Phòng: VHXH, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Tùng