BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/CT-BCT | Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Qua hơn 03 năm thực hiện Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường, đến nay bộ máy tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường cơ bản đã được kiện toàn và đi vào hoạt động ổn định hiệu quả, bước đầu khẳng định sự phù hợp của mô hình tổ chức “lực lượng Quản lý thị trường được tổ chức từ Trung ương đến địa phương theo nguyên tắc tập trung, thống nhất”. Trong thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường cơ bản đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai chủ trương chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và ngành Công Thương ở một số cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường chưa triển khai đúng tiến độ, chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu và công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, việc phát hiện vi phạm, xác định trách nhiệm và xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm túc, không đủ sức răn đe; vẫn còn công chức chưa nhận thức đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường dẫn đến lúng túng trong thực thi công vụ; công tác giáo dục, rèn luyện tư tưởng, phẩm chất đạo đức, tác phong nghề nghiệp cho đội ngũ công chức, người lao động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; lãnh đạo quản lý ở một số đơn vị chưa gương mẫu, uy tín, tinh thần trách nhiệm còn thấp; năng lực trình độ chuyên môn của một số công chức còn hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của nhiều đơn vị về kỷ luật, kỷ cương chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng, bị thi hành kỷ luật, bị khởi tố, bắt tạm giam. Những hạn chế, yếu kém như trên đã ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng Quản lý thị trường và Bộ Công Thương.
Để thực hiện tốt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm nêu trên, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và chất lượng trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường các cấp thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:
1. Thường xuyên phổ biến quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; trong đó chú trọng đến các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”;
2. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức;
3. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tham mưu với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành những chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật mới phù hợp, đồng bộ nhằm tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho lực lượng Quản lý thị trường hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bối cảnh mới;
4. Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đối với công chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên;
5. Người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu chấp hành các quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị nêu để xảy ra việc công chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp;
6. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng, trình độ công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trong đó, chú trọng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát các loại hình kinh doanh thương mại mới, nhất là thương mại điện tử. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về hoạt động công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính bao gồm cả giám sát về văn hóa công sở, về trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của công chức khi thi hành nhiệm vụ, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm;
7. Tiếp tục tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; xây dựng, vận hành, phát triển hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính; cơ sở dữ liệu quản lý tài chính; làm tốt công tác thu thập, phân tích, đánh giá, nhận định, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa và nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ trong thời gian tới;
8. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông nhằm tuyên truyền rộng rãi hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường, thông qua đó tăng cường cơ chế giám sát, tiếp nhận phản biện xã hội để hoàn thiện và thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế trong công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý thị trường;
9. Các đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường để tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ cho lực lượng Quản lý thị trường.
10. Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; định kỳ sơ kết, tổng kết và báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương kết quả thực hiện./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1 Luật cán bộ, công chức 2008
- 2 Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018
- 4 Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công thương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2019 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quy định 37-QĐ/TW năm 2021 về những điều đảng viên không được làm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành