ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/CT-CTUBND | Hưng Yên, ngày 06 tháng 12 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2022 VÀ TIẾN ĐỘ CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN THUỘC KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025
Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, tiến độ giải ngân vốn đầu công đã có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả giải ngân 11 tháng năm 2022 cao hơn 1.865 tỷ đồng (tăng 49,8%) so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng đạt 122,7% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao và công tác chuẩn bị đầu tư dự án khởi công mới năm 2023 (như lập, thẩm định, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án) vẫn còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu đề ra. Trong tổng số 262 dự án cấp tỉnh quản lý dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 với số vốn tương ứng 38.823 tỷ đồng, đến nay còn 57/262 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư với số vốn tương ứng 16.785 tỷ đồng (chiếm 43,2%); 138/262 dự án chưa có quyết định đầu tư với số vốn tương ứng 31.598 tỷ đồng (chiếm 81,38%).
Việc triển khai chậm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại một số cơ quan, chủ đầu tư dự án chưa được phát huy đầy đủ; công tác khảo sát chưa sát với thực tế; giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ; công tác kiểm tra, đôn đốc thiếu quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh.
Để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện hiệu quả kế hoạch vốn đầu tư năm 2022, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, phấn đấu phân bổ và giải ngân 100% kế hoạch được giao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư dự án do tỉnh quản lý tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Đối với các dự án đã được giao kế hoạch vốn năm 2022: Chủ động có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế - dự toán, đấu thầu... đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc nhà nước. Kiên quyết thay thế nhà thầu không đủ năng lực, không đảm bảo tiến độ đề ra; xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công.
2. Đối với các dự án khởi công mới năm 2023: Khẩn trương hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư (như lập, thẩm định, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng; lập, thẩm định, trình phê duyệt thiết kế - dự toán, tổ chức lựa chọn nhà thầu), đảm bảo lựa chọn xong nhà thầu thi công xây lắp trước ngày 30/6/2023; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết ngay trong năm 2022 để sẵn sàng triển khai các công việc thực hiện, giải ngân vốn của dự án sau khi được giao kế hoạch. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao do nguyên nhân chủ quan.
3. Chủ đầu tư các dự án phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư (đối với dự án đã có trong danh mục dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 193/NQ-HĐND ngày 26/4/2022 của HĐND tỉnh), đảm bảo đầy đủ hồ sơ trình UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định) trước ngày 31/12/2022; đồng thời khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, quyết định đầu tư đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư được duyệt.
4. Các dự án nhóm C, dự án quy mô nhỏ đã được giao vốn và bàn giao mặt bằng phải thực hiện hoàn thành ngay trong thời hạn không quá 3 năm kể từ khi phê duyệt dự án, không quá 2 năm kể từ khi ký kết hợp đồng thi công. Kiên quyết không gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đối với các dự án chậm tiến độ, các dự án kéo dài gây lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư.
5. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định dự án đầu tư; tổ chức thẩm định dự án đầu tư ngay sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định. Rà soát, tham mưu UBND tỉnh quyết định thay thế chủ đầu tư có năng lực hạn chế, chủ đầu tư các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chậm hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, quyết định đầu tư dự án.
6. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước tỉnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; đề xuất hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao về giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 do nguyên nhân chủ quan. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Chỉ thị 07/CT-UBND về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
- 2 Chỉ thị 02/CT-UBND về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- 3 Chỉ thị 18/CT-UBND về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 do tỉnh Quảng Bình ban hành