ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/CT-UBND | Hải Phòng, ngày 07 tháng 6 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TẬP TRUNG TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ CHÓ NUÔI VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình bệnh Dại diễn biến phức tạp; trong 4 tháng đầu năm 2019 cả nước có 16 người tử vong vì bệnh Dại và 170.765 người phơi nhiễm phải đi tiêm vắc xin Dại; tình trạng chó thả rông cắn người có chiều hướng gia tăng, đặc biệt có trường hợp người tử vong vì bị chó cắn gây bức xúc cho dư luận và cộng đồng.
Nguyên nhân do: Nhiều địa phương chưa có quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng; chưa thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; chưa áp dụng nghiêm các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ; công tác thông tin tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống bệnh dại và việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó chưa được thực hiện nghiêm túc; các trường hợp tử vong đều không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng sau khi bị chó cắn.
Tại Hải Phòng, theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố trong 4 tháng đầu năm 2019 đã có 566 trường hợp người bị chó cắn đi tiêm vắc xin dự phòng bệnh Dại. Kết quả tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn thành phố đến ngày 23/5/2019 được 68.509 con (đạt 54,8% tổng đàn thuộc đối tượng tiêm phòng và đạt 79% so cùng kỳ năm 2018), chưa đảm bảo tỷ lệ miễn dịch quần thể theo quy định, luôn tiềm ẩn nguy cơ người bị tử vong vì bệnh Dại do chó, mèo mắc dại gây ra.
Để tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn thành phố; thực hiện Chỉ thị số 3402/CT-BNN-TY ngày 16/5/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh Dại ở động vật, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện, quận, các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật thành phố khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, quận chỉ đạo các phòng, ban chức năng, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh Dại ở người và động vật trên địa bàn; chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại, xử lý cán bộ công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.
- Chỉ đạo phát động tháng cao điểm phòng, chống bệnh Dại trong tháng 6 năm 2019 với nội dung trọng tâm là quản lý đàn chó nuôi và tiêm phòng triệt để vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi.
- Tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, số lượng chó nuôi ở từng khu dân cư; lập sổ theo dõi hộ nuôi chó, số chó nuôi trong từng hộ gia đình; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc xích, nhốt và tiêm phòng Dại cho chó nuôi theo quy định.
- Thống kê, lập danh sách, cập nhật số lượng chó nuôi chưa được tiêm phòng Dại, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện, quận để xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh Dại bổ sung hàng tháng trong năm 2019, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 90% tổng đàn chó, mèo nuôi.
- Công khai các hộ nuôi chó không chấp hành quy định tiêm phòng vắc xin Dại. Kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
- Hướng dẫn, đôn đốc, các tổ chức và cá nhân nuôi chó, mèo thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; chấp hành quy định tiêm phòng bệnh Dại định kỳ, bổ sung hàng năm của cơ quan thú y, chính quyền địa phương.
- Chỉ đạo trưởng thôn, tổ trưởng dân phố phối hợp nhân viên thú y xã trực tiếp kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp chó, mèo mắc bệnh Dại, báo cáo ngay về Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, quận và áp dụng các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y; phối hợp các tổ chức đoàn thể quần chúng (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức đoàn thể khác) tuyên truyền, vận động các chủ vật nuôi tích cực tham gia chiến dịch tiêm phòng, quản lý đàn chó nuôi và ký cam kết: không thả rông chó; phải đeo rọ mõm cho chó khi đưa ra nơi công cộng, có dây xích và có người dắt; chấp hành lịch tiêm vắc xin phòng bệnh Dại của địa phương.
- Quy định cụ thể việc bắt giữ, thông báo và xử lý chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị trên địa bàn quản lý; thành lập Đội bắt chó thả rông, tăng cường tổ chức tuần tra, bắt giữ và xử lý chó thả rông theo quy định.
- Phối hợp ngành y tế áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho người.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp Sở Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại.
b) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện:
- Cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng bệnh Dại bổ sung tại các huyện, quận năm 2019 đảm bảo tỷ lệ bảo hộ theo quy định.
- Hướng dẫn chuyện môn về các biện pháp phòng, chống bệnh theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; tổ chức triển khai giám sát bệnh Dại, thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất khi có dịch xảy ra.
- Phối hợp Chi cục Quản lý thị trường, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an giao thông, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp tăng cường kiểm soát việc lưu thông vận chuyển chó, mèo từ các địa phương khác nhập vào địa bàn thành phố; các điểm mua bán, giết mổ chó, mèo; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa tiêm phòng vắc xin Dại, tịch thu tiêu hủy chó, mèo nghi mắc bệnh; chó, mèo không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển khi trong nước có địa phương công bố bệnh Dại.
3. Sở Y tế
a) Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, quận tổ chức giám sát, phát hiện, hướng dẫn và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng cho người bị chó, mèo cắn; công khai địa chỉ các cơ sở y tế trên địa bàn và hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh Dại hoặc người bị chó, mèo cắn.
4. Sở Tài chính hướng dẫn Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương thực hiện thanh quyết toán thu, chi tiêm vắc xin phòng bệnh Dại theo đúng quy định hiện hành; bố trí đầy đủ kinh phí đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn thành phố.
5. Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng, Cổng Thông tin điện tử thành phố phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, quận đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại đối với sức khỏe cộng đồng; các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại và biện pháp phòng bệnh hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng chống bệnh Dại. Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng và “cộng đồng chung tay phòng chống bệnh Dại”. Yêu cầu chủ vật nuôi chấp hành lịch tiêm vắc xin phòng bệnh Dại của cơ quan thú y và chính quyền địa phương; công khai địa chỉ các cơ sở y tế và hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được xử lý, ngăn ngừa tử vong do bệnh Dại; đặc biệt thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giám sát, phát hiện, thông báo cho chính quyền cơ sở, nhân viên thú y, Trạm y tế xã, phường, thị trấn các trường hợp chó, mèo động vật nghi mắc bệnh Dại để áp dụng các biện pháp xử lý, khống chế, ngăn chặn dịch lây lan.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh Dại và quản lý chó, mèo nuôi; thường xuyên tổng hợp tình hình và báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2019 về tăng cường biện pháp quản lý chó nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 2 Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2019 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh dại ở động vật do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 3 Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2019 về tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 4 Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2019 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh dại ở động vật do tỉnh Sơn La ban hành
- 5 Chỉ thị 3402/CT-BNN-TY năm 2019 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh dại ở động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6 Kế hoạch 154/KH-UBND năm 2018 về triển khai biện pháp phòng, chống và khống chế bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2019
- 7 Quyết định 1679/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2018-2021 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 8 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y
- 9 Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1 Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2019 về tăng cường biện pháp quản lý chó nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 2 Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2019 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh dại ở động vật do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 3 Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2019 về tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 4 Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2019 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh dại ở động vật do tỉnh Sơn La ban hành
- 5 Kế hoạch 154/KH-UBND năm 2018 về triển khai biện pháp phòng, chống và khống chế bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2019
- 6 Quyết định 1679/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2018-2021 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh