Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Bình Định, ngày 14 tháng 08 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG SĂN BẮT TRÁI PHÉP, QUẢN LÝ NUÔI CHIM YẾN VÀ ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU CÁC SẢN PHẨM TỔ YẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh, nghề nuôi yến có bước phát triển mạnh mẽ, hiện nay có khoảng hơn 1.500 nhà yến đang hoạt động, cho sản lượng thu hoạch hàng năm trên 3 tấn, tạo nguồn thu nhập lớn cho người dân. Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 09/11/2022, đây là cơ hội và là động lực quan trọng để ngành yến Việt Nam phát triển, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cao, tạo nhiều việc làm cho người dân.

Tuy nhiên, công tác quản lý nuôi chim yến hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, đó là: (i) Hoạt động phát triển các cơ sở gây nuôi chim yến chủ yếu theo hình thức tự phát, thiếu khai báo theo quy định; (ii) Hoạt động sơ chế, chế biến các sản phẩm tổ yến còn manh mún, nhỏ lẻ; (iii) Tình trạng săn bắt chim yến vẫn có xảy ra tại một số địa phương, làm suy giảm đàn yến cả ngoài tự nhiên và cơ sở nuôi.

Nhằm tăng cường công tác kiểm soát, quản lý hoạt động nuôi chim yến, khắc phục các tồn tại nêu trên và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ tổ yến; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ sau:

1. Quán triệt và triển khai đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 595/CĐ-TTg ngày 30/6/2023 về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến; chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 376/UBND-KT ngày 20/01/2021 về việc tăng cường tổ chức thực hiện các giải pháp quản lý săn bẫy chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Định.

2. Sở Nông Nghiệp và PTNT

a) Chủ động phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, tiêu thụ chim yến; vận động các cơ sở nuôi chim yến chấp hành các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh, khai báo chăn nuôi, đăng ký mã số nhà yến….

b) Chủ trì phối hợp các Sở, ngành và các địa phương để tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết “Quy định Khu vực thuộc nội thành (thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư) không được phép chăn nuôi; Quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Định và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi” theo quy định của Luật Chăn nuôi. Nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành sẽ tác động lớn đến đời sống an sinh, việc làm và thu nhập của người dân; do đó cần có đánh giá toàn diện, ý kiến chuyên gia tham gia xây dựng dự thảo Nghị quyết.

c) Chỉ đạo Thanh tra Sở chủ trì phối hợp Chi cục Kiểm lâm chủ động phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nuôi chim yến và hành vi bẫy, bắt, mua, bán, vận chuyển chim yến trên địa bàn tỉnh.

d) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y

- Phối hợp các địa phương tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc kê khai cơ sở nuôi yến, đăng ký mã số cơ sở nuôi yến theo đúng quy định của pháp luật về chăn nuôi để phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là bệnh Cúm gia cầm và Newcastle; đề xuất, triển khai xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh với các bệnh Cúm gia cầm, Newcastle để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan sang đàn chim yến; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và chế biến các sản phẩm tổ yến tại địa phương.

- Phối hợp với Chi cục Thú y vùng IV thực hiện việc giám sát dịch bệnh và giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở nuôi chim yến, các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT và hướng dẫn Cục Thú y tại Văn bản số 84/TY- DT ngày 17/01/2023 và Văn bản số 144/TY-DT ngày 31/01/2023.

- Đề xuất xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kiểm soát, quản lý nuôi chim yến, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các sản phẩm từ tổ yến.

3. Công an tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường phối hợp các cơ quan chức năng và công an các địa phương tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bẫy, săn bắt, giết, vận chuyển, mua bán, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, trong đó có chim yến.

- Hỗ trợ các địa phương trong công tác xử lý các trường hợp vi phạm về các quy định quản lý nuôi chim yến.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan trong việc quản lý, bảo vệ các loài chim yến theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 4936/UBND-KT ngày 25/8/2022 về việc tổ chức triển khai nội dung của Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và P TNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp săn bắt chim yến trái phép.

5. Sở Công Thương: Chủ động nghiên cứu thị trường, thúc đẩy giới thiệu quảng bá các sản phẩm tổ yến, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ và hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến.

6. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương (trên cơ sở nhu cầu đề xuất của các đơn vị chuyên môn) tham mưu triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ phát triển chim yến.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định: Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Yến sào Bình Định tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các quy định về quản lý chim yến và các giải pháp bảo vệ đàn chim yến theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ và Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP; tuyên truyền cho người dân không săn bắt, tiêu thụ chim yến; vận động các cơ sở nuôi chim yến chấp hành các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh, khai báo chăn nuôi, đăng ký mã số nhà yến…; tích cực phát hiện và lên án mạnh mẽ những hành vi săn bẫy, mua bán, tiêu thụ chim yến theo quy định của pháp luật.

8. Hiệp hội yến sào Bình Định

a) Phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Hội viên thực hiện kê khai cơ sở nuôi yến, đăng ký mã số cơ sở nuôi yến và chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý nuôi chim yến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường; tổ chức theo dõi, phát hiện các trường hợp bẫy, săn bắt, giết, vận chuyển, mua bán, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim yến, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

b) Phối hợp với Sở Công Thương trong hoạt động quảng bá các sản phẩm tổ yến gắn với kết nối doanh nghiệp tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm tổ yến.

c) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nuôi chim yến, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các sản phẩm từ tổ yến.

9. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắt, mua bán, tiêu thụ chim hoang dã, chim yến trái phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, tiêu thụ chim yến, kịp thời tố giác những hành vi săn bắt chim yến trái phép.

b) Tổ chức hướng dẫn và thực hiện việc kê khai cơ sở nuôi yến với UBND cấp xã và đăng ký mã số cơ sở nuôi yến theo đúng quy định pháp luật về chăn nuôi để phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc

c) Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế, các cơ quan chuyên môn của địa phương chủ động phối hợp Chi cục Chăn nuôi và thú y tổ chức theo dõi thực hiện công tác phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh trên gia cầm nói chung và trên đàn chim yến nói riêng

10. Các tổ chức, cá nhân nuôi chim yến, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ tổ yến

a) Chấp hành nghiêm thực hiện kê khai cơ sở nuôi yến với UBND cấp xã, đăng ký mã số cơ sở nuôi yến và các quy định của pháp luật về quản lý nuôi chim yến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

b) Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo quy định, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các sản phẩm từ tổ yến. Đồng thời, theo dõi thông tin, đăng ký quảng bá sản phẩm, kết nối doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm từ tổ yến.

11. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức hội đoàn thể chỉ đạo các cấp hội trực thuộc chủ động phối hợp ngành Nông nghiệp và PTNT và các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành thực hiện kê khai cơ sở nuôi yến, đăng ký mã số cơ sở nuôi yến và các quy định phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường; không săn bắt, tiêu thụ chim yến; khi phát hiện các hành vi vi phạm, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (B/cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành liên quan;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Bình Định, Đài PTTH tỉnh;
- Hiệp hội yến sào Bình Định;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, K10, K13.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Tuấn Thanh