Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 134-CT

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 1983

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHĂM SÓC NGƯỜI CÓ TUỔI

Hiện nay, ở nước ta có khoảng 4 triệu người trên 60 tuổi; từ trước đến nay, Đảng và Chính phủ đã đề ra một số chính sách thể hiện sự quan tâm và tính ưu việt của chế độ ta đối với người có tuổi. Tuy vậy, không ít người có tuổi còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là những người neo đơn, những người mức sống gia đình quá thấp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội và nhà trường chưa giáo dục chu đáo cho lớp trẻ ý thức kính trọng, chăm sóc, giúp đỡ người có tuổi.

Để tăng cường việc chăm sóc, giúp đỡ và tạo điều kiện cho những người có tuổi, những người còn có điều kiện tiếp tục phát huy khả năng của mình giúp ích cho xã hội.

Căn cứ vào chương trình công tác của Uỷ ban năm quốc tế những người già của Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền, phối hợp với các ngành, các đoàn thể quần chúng xây dựng kế hoạch cụ thể, có chương trình hoạt động thường xuyên chăm sóc, giúp đỡ người có tuổi, chú ý trước hết đối với những người có công với cách mạng, người không có con cháu hoặc không có nơi nương tựa. Đối với người gặp khó khăn về đời sống kinh tế thì cách giúp đỡ trước hết là tạo cho họ công việc làm thích hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng người.

2. Các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, các cơ quan văn hoá, thông tin, giáo dục cần có chương trình hoạt động thiết thực phục vụ cho việc chăm sóc, giúp đỡ người có tuổi; tuyên truyền giáo dục nhân dân về ý thức chăm sóc, giúp đỡ người có tuổi; hướng dẫn, giáo dục thanh niên, thiếu niên về ý thức, thái độ và nghĩa vụ chăm sóc, giúp đỡ, kính trọng người có tuổi.

Trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh ở các trường học, các ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa việc làm cho lứa tuổi trẻ biết tôn kính, lễ phép với cha mẹ, ông bà, những người có tuổi và sẵn sàng giúp đỡ người có tuổi trong gia đình và ngoài xã hội... trong một số công việc.

3. Bộ Y tế cần tổ chức nghiên cứu y học người có tuổi; những tỉnh, thành phố có điều kiện cần phát triển nhiều giường bệnh, khoa chữa bệnh riêng cho người có tuổi, nhất là các bệnh người có tuổi thường mắc. Các phòng khám bệnh phải hết sức chăm sóc và thực hiện chế độ ưu tiên khám trước cho những cụ cao tuổi, sau khi khám bệnh nhân cấp cứu; có kế hoạch khám sức khoẻ định kỳ cho những người có tuổi. Đối với những người già yếu, tàn tật đi lại khó khăn thì khám bệnh tại nhà.

Các Bộ Thương binh và xã hội, văn hoá, tổng cục Thể dục thể thao, hướng dẫn các địa phương tổ chức việc luyện tập nâng cao sức khoẻ, sinh hoạt câu lạc bộ, vui chơi giải trí, phố biến thời sự và chủ trương chính sách của đảng và Nhà nước... cho những người có tuổi. Cần tổ chức trước cho những nơi có đông người hưu trí, người có tuổi ở tập trung.

4. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội thương, Bộ Lương thực, Bộ Văn hoá nghiên cứu ban hành các chế độ ưu tiên cho các cụ cao tuổi, người tàn tật... được hưởng sự thuận tiện hơn trong việc đi tàu xe, mua hàng hoá, vui chơi giải trí công cộng.

5. Bộ Y tế cùng với Bộ Thương binh và xã hội theo chức năng của mình, chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, dôn đốc thực hiện chỉ thị này, và có đề nghị bổ sung các chế độ, chính sách đối với người có tuổi.

Yêu cầu Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng công đoàn Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có chỉ thị cho cấp dưới của mình tham gia thực hiện các điều ghi trong chỉ thị này.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)