THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2000/CT-TTg | Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2000 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM
Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội) là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Liên hiệp Hội bao gồm các Hội khoa học và kỹ thuật ngành Trung ương, các Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là các Hội thành viên) tự nguyện gia nhập Liên hiệp Hội. Với chức năng, nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong nước và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, điều phối hoạt động của các Hội thành viên nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ khi thành lập đến nay, Liên hiệp Hội đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức và hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 11 tháng 11 năm 1998 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nhằm phát huy hơn nữa vai trò chính trị - xã hội và tiềm lực trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị:
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm và tạo các điều kiện thuận lợi để Liên hiệp Hội và các Hội thành viên tham gia, đóng góp có hiệu quả vào các hoạt động khoa học, công nghệ, môi trường và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành những quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho Liên hiệp Hội và các Hội thành viên thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án khoa học, công nghệ, môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện.
3. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu, ban hành các văn bản cần thiết nhằm tạo điều kiện cho Liên hiệp Hội và các Hội thành viên tham gia tích cực vào quá trình xã hội hoá các hoạt động khoa học, công nghệ, thông qua việc tham gia thực hiện các chương trình, dự án khoa học, công nghệ do các Bộ, ngành và địa phương chủ trì hoặc chủ trì xây dựng và thực hiện một số dự án, đề tài nghiên cứu triển khai nhằm phát huy ưu thế liên ngành và trình độ chuyên môn cao của các chuyên gia trong các tổ chức Hội.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, ban hành các văn bản cần thiết nhằm tạo điều kiện cho Liên hiệp Hội và các Hội thành viên tham gia tích cực vào quá trình xã hội hoá các hoạt động giáo dục và đào tạo, lập các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
5. Bộ Văn hoá - Thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp Hội và các Hội thành viên trong việc xuất bản các ấn phẩm phổ biến kiến thức, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giới thiệu các thành tựu về khoa học và công nghệ cũng như công bố các kết quả nghiên cứu triển khai.
6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất các hình thức phối hợp với Liên hiệp Hội trong việc thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xoá đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, phòng, chống tệ nạn xã hội.
7. Bộ Tài chính, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho hoạt động của cơ quan thường trực Liên hiệp Hội Trung ương và Liên hiệp Hội các địa phương.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hoàn thành nhiệm vụ được giao và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30 tháng 9 năm 2000.
Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Chỉ thị này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |