ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2004/CT-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 05 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 09/2004/CT-TTG NGÀY 16 THÁNG 3 NĂM 2004 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ NÂNG CAO NĂNG LỰC VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI.
Thực hiện Chỉ thị số 09/2004/CT-TTg ngày 16 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội, nhằm phát huy vai trò tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo và diện chính sách trên địa bàn thành phố ; Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện và Ngân hàng chính sách xã hội thành phố triển khai thực hiện tốt những nội dung sau :
1.- Về nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội :
1.1. Hàng năm, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối một phần vốn ngân sách thành phố do tăng thu, tiết kiệm chi, trình Ủy ban nhân dân thành phố ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội thành phố cho vay quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm (dự kiến năm 2004 sẽ ủy thác khoảng từ 5 đến 10 tỷ đồng).
1.2. Giao Thường trực Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và việc làm thành phố rà soát lại nguồn vốn cho vay xóa đói giảm nghèo của thành phố và các quận-huyện để có biện pháp sử dụng vốn có hiệu quả nhất ; xem xét khả năng chuyển một phần vốn sang ủy thác cho vay giải quyết việc làm, đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn cho vay các chương trình mục tiêu của thành phố, không để tình trạng ứ đọng vốn xóa đói giảm nghèo trong khi các hộ nghèo và diện chính sách thiếu vốn sản xuất.
Có kế hoạch phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội thành phố xây dựng các đề án hợp vốn để cho vay chương trình xuất khẩu lao động ; chương trình tôn hóa, ngói hóa nông thôn, v.v... được ngân sách thành phố cấp bù lãi suất, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
Thống nhất với Ngân hàng chính sách xã hội thành phố từng bước thực hiện thí điểm chuyển giao ủy thác nguồn vốn cho vay hộ nghèo ở một số quận- huyện có điều kiện để rút kinh nghiệm cho việc tập trung các nguồn vốn cho vay ưu đãi vào một đầu mối theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
1.3. Thủ trưởng các sở-ngành thành phố có liên quan tạo điều kiện hỗ trợ Ngân hàng chính sách xã hội thành phố tiếp cận, tìm kiếm nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ để Ngân hàng quản lý và sử dụng nhiều hơn nguồn vốn ưu đãi và các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức này.
1.4. Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện cho Ngân hàng chính sách xã hội thành phố tham gia các dự án trong chương trình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng được ngân sách thành phố cấp bù lãi suất theo Công văn số 419/UB-CNN ngày 05 tháng 02 tháng 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố.
1.5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội tại địa phương, xem đó là một công cụ đắc lực trong thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm tại địa phương.
Hàng năm, Ủy ban nhân dân các quận-huyện trình Hội đồng nhân dân quận-huyện dành một phần vốn ngân sách địa phương từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi trong kế hoạch hàng năm để tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo và diện chính sách trên địa bàn.
1.6. Ngân hàng chính sách xã hội cần chủ động, tích cực trong việc huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mở nhiều hình thức huy động vốn phù hợp với từng đối tượng, từng thời gian, tìm kiếm các nguồn vốn không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp để bổ sung nguồn vốn cho vay ; đồng thời, quản lý chặt chẽ các nguồn vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, thu hồi đủ và kịp thời cả vốn và lãi.
2. Về trụ sở, điều kiện và phương tiện làm việc cho Ngân hàng chính sách xã hội thành phố và các Phòng giao dịch trực thuộc :
2.1. Giao Sở Xây dựng bố trí một địa điểm phù hợp để làm trụ sở hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội thành phố. Ủy ban nhân dân các quận-huyện có Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội hoạt động, tiến hành rà soát lại quỹ nhà, đất trên địa bàn để bố trí địa điểm làm việc cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội của quận-huyện mình ; Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân quận-huyện báo cáo, đề xuất trong quý II năm 2004.
2.2. Giao Sở Tài chính làm việc cụ thể với Ngân hàng chính sách xã hội thành phố để thống nhất xác định các phương tiện cần thiết trang bị hỗ trợ cho Ngân hàng chính sách xã hội, nhằm đáp ứng đủ điều kiện và phương tiện hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội, đảm bảo an toàn, thuận lợi, tiết kiệm và hiệu quả, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
3.- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các Đoàn thể thành phố quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi, để Ngân hàng chính sách xã hội thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở-ngành thành phố có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng chính sách xã hội thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này ./.
Nơi nhận : | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |