ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2011/CT-UBND | Bắc Kạn, ngày 24 tháng 8 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ
Luật Thi hành án hình sự được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Đây là một đạo luật quan trọng, hệ thống hoá các quy định của pháp luật về lĩnh vực thi hành án hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Hiến pháp năm 1992.
Thực hiện Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 05/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự; Chỉ thị số 03/CT-BCA ngày 17/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an về triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự.
Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, các cấp, các ngành, cán bộ, công chức và nhân dân trong việc thi hành Luật Thi hành án hình sự; tạo sự chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước về thi hành án hình sự ở địa phương nói riêng; công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự nói chung, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Thi hành án hình sự đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, địa phương để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật về thi hành án hình sự nói riêng góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án hình sự ở địa phương.
2. Công an tỉnh:
- Chủ trì phối hợp với, các Sở, Ban, Ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong lực lượng Công an, cán bộ, công chức và nhân dân nội dung của Luật Thi hành án hình sự và Chỉ thị số 03/CT-BCA ngày 17/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự. Tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, thống nhất các quy định của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Nghiên cứu xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự trong lực lượng Công an nhân dân; tổ chức tập huấn chuyên sâu Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ Công an các cấp. Trong đó, đặc biệt là lực lượng Công an có liên quan trực tiếp đến thi hành án hình sự và lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, bảo đảm hiệu lực hiệu quả trong việc thực thi Luật Thi hành án hình sự ở địa phương.
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi hành án hình sự trong Công an nhân dân trên địa bản tỉnh Bắc Kạn; tổ chức thi hành nghiêm mọi bản án, quyết định thi hành án có hiệu lực pháp luật của toà án theo quy định của pháp luật. Tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt việc quản lý người chấp hành hình phạt tại xã, phường, thị trấn; duy trì thực hiện nghiêm túc, thống nhất việc lập các loại hồ sơ, sổ sách theo dõi thi hành án hình sự theo quy định.
- Chỉ đạo rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của Cơ quan thi hành án hình sự và Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ thuộc cơ quan nêu trên, đặc biệt là ở Công an cấp huyện và Công an cấp xã. Cải tiến phương pháp, lề lối làm việc, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân.
- Phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trong lĩnh vực thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
Nghiên cứu tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung của Luật Thi hành án hình sự. Đặc biệt là những nội dung có liên quan đến thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng; phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản của Luật Thi hành án hình sự cho sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng thuộc quyền quản lý của mình để tổ chức thực hiện nghiêm túc.
4. Sở Tư pháp:
Thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự với những nội dung, hình thức đa dạng, phong phú để nâng cao sự hiểu biết của nhân dân trong tỉnh về pháp luật thi hành án hình sự, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân góp phần thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án hình sự ở địa phương.
Yêu cầu các cơ quan có liên quan cung cấp các thông tin về bản án, quyết định thi hành án, các tài liệu khác có liên quan để phục vụ có hiệu quả cho công tác lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009; hỗ trợ có hiệu quả hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành trong lĩnh vực thi hành án hình sự để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những văn bản có nội dung không phù hợp với Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
5. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tuyên truyền rộng rãi Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành luật với nội dung rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo thực hiện thống nhất nhận thức về Luật Thi hành án hình sự; tăng cường sự hiểu biết của người dân về pháp luật thi hành án hình sự.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:
- Tổ chức triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự tại địa phương và các quy định khác của pháp luật liên quan theo phân cấp. Tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về Luật Thi hành án hình sự, từ đó nâng cao ý thức tự giác thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân về thi hành án hình sự.
- Tăng cường chỉ đạo đối với các cơ quan chuyên môn, Công an huyện, thị xã, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện tốt Luật Thi hành án hình sự; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường thị trấn thực hiện việc chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về thi hành án hình sự cho lực lượng Công an cùng cấp theo quy định; bố trí đủ cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt làm công tác quản lý nhà nước thi hành án hình sự ở cấp xã; bảo đảm tham mưu tổ chức thi hành các hình phạt: Cải tạo không giam giữ, án treo; các hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp để đưa công tác quản lý, giám sát các loại án nêu trên dần đi vào nề nếp và có hiệu quả.
- Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý liên quan đến quy định về thi hành án hình sự để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những văn bản có nội dung trái với Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại tố cáo của công dân liên quan đến thi hành án hình sự theo thẩm quyền quy định.
7. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện kiểm sát, chỉ đạo, hướng dẫn Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện kiểm sát các hoạt động thi hành án hình sự theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan; giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân theo thẩm quyền bảo đảm đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định.
8. Đề nghị Toà án nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt nội dung của Luật Thi hành án hình sự trong ngành mình theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao. Kịp thời gửi các bản án, quyết định thi hành án hoặc các tài liệu khác có liên quan đến người bị xét xử về hình sự theo quy định của Luật Thi hành án hình sự cho cơ quan Công an cùng cấp để đảm bảo cho việc thi hành bản án.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận phổ biến, quán triệt nội dung của Luật Thi hành án hình sự đến cán bộ, hội viên, đoàn viên và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân để giúp họ hiểu biết và thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực thi hành án hình sự.
10. Tổ chức thực hiện:
Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện các nội dung của Chỉ thị này.
Giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành ./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2016 về tăng cường thực hiện pháp luật về thi hành án hình sự do tỉnh Hải Dương ban hành
- 2 Chỉ thị 20/2011/CT-UBND triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 3 Quyết định 15/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Luật thi hành án hình sự 2010
- 5 Luật Lý lịch tư pháp 2009
- 6 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003
- 7 Bộ Luật Hình sự 1999
- 8 Hiến pháp năm 1992
- 1 Chỉ thị 42/2009/CT-UBND triển khai thi hành Luật thi hành án dân sự Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 2 Chỉ thị 20/2011/CT-UBND triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 3 Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2016 về tăng cường thực hiện pháp luật về thi hành án hình sự do tỉnh Hải Dương ban hành
- 4 Quyết định 51/2017/QĐ-UBND về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Tư pháp do tỉnh Bắc Kạn ban hành