Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 14/2013/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 25 tháng 04 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 06 năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Việc thi hành Luật Giám định tư pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc tháo gỡ những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới mang tính đột phá, bền vững cho hoạt động giám định tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng mà trọng tâm là bảo đảm việc phán quyết của tòa án được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật. Ngày 16 tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1549/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp.

Để tổ chức triển khai thực hiện và thi hành nghiêm túc nội dung Luật Giám định tư pháp và Quyết định số 1549/QĐ-TTg ngày 16/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành, các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, tập huấn; phổ biến, tuyên truyền nội dung của Luật Giám định tư pháp.

2. Trách nhiệm của Sở Tư pháp:

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phù hợp.

b) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các cơ quan tiến hành tố tụng trong tổ chức, hoạt động giám định tư pháp và quản lý nhà nước về giám định tư pháp, đáp ứng kịp thời, có chất lượng mọi yêu cầu giám định trong hoạt động tố tụng.

c) Phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương trước đây liên quan đến các quy định của Luật Giám định tư pháp để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Huế; Báo Thừa Thiên Huế có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Giám định tư pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Sở Y tế, Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành chức năng:

a) Củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc thẩm quyền quản lý; bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và các điều kiện vật chất cần thiết khác cho các tổ chức này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

b) Rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp với Luật Giám định tư pháp.

5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí đủ, kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Chỉ thị này.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện để chỉ đạo.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Các ngành: Công an, VKS, Tòa án;
- Các cơ quan nêu tại Chỉ thị này;
- Báo Thừa Thiên Huế, Đài PT và TH tỉnh, VTV Huế;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã và TP Huế;
- VPUB: CVP, PCVP và CV: TH;
- Lưu: VT, NV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa