Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 14/CT-UB-NC

TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 05 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA X VÀ BẦU CỬ BỔ SUNG ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ, QUẬN-HUYỆN, PHƯỜNG-XÃ NHIỆM KỲ 1994-1999.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá X theo quy định của Hiến pháp năm 1992 và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội đã được Quốc hội khóa IX thông qua ngày 15-4-1997, sẽ được tiến hành thống nhất trong cả nước vào ngày 20-7-1997. Cùng ngày này, Thành phố kết hợp tổ chức bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, quận-huyện, phường-xã nhiệm kỳ 1994-1999 theo Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ngày 21-6-1994.

Chỉ thị số 13/CT-TW ngày 02-4-1997 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 268/TTg ngày 26-4-1997 Của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 12/CT-TU ngày 29-4-1997 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X đã nêu rõ : Bầu cử Quốc hội là sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn của đất nước, là nhiệm vụ trọng đại của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta để nhân dân cả nước lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Thành công của việc bầu cử đại biểu Quốc hội lần này sẽ góp phần quan trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường quyền lực của Quốc hội, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước.

Rút kinh nghiệm các cuộc bầu cử trước, để đảm bảo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, quận-huyện, phường-xã nhiệm kỳ 1994-1999 được tiến hành thực sự dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, tạo nên không khí ngày bầu cử là ngày hội của toàn dân, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho các ngành, các cấp phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể thực hiện ngay một số công việc sau đây :

1. Làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích yêu cầu của cuộc bầu cử Quốc hội, để cho toàn thể cán bộ công nhân viên và mọi người dân thành phố quán triệt được yêu cầu của cuộc bầu cử, Đó là :

- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X phải thể hiện tinh thần đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8, Hiến pháp năm 1992 và Luật bầu cử Quốc hội đã được thông qua ngày l5-4-1997. Yêu cầu phải đạt là bầu được một Quốc hội xứng đáng là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, có năng lực làm tròn nhiệm vụ đã được Hiến pháp quy định, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 8 của Đảng.

- Phát động quần chúng thực hiện quyền dân chủ, lựa chọn giới thiệu và bầu những người có đủ tiêu chuẩn và theo cơ cấu thành phần đề ra, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, gần gũi lắng nghe quần chúng, được nhân dân tín nhiệm, có trình độ hiểu biết và năng lực thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội.

2. Công tác tuyên truyền vận động, cổ động cần thực hiện kịp thời, chu đáo tích cực với nhiều hình thức phong phú, sinh động, thiết thực, kết hợp sử dụng các lực lượng và các phương tiện thông tin, nhằm làm cho mọi người dân, trước hết là cán bộ công nhân viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nắm vững nội dung Hiến pháp, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ; hiểu rõ vị trí, vai trò của Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội ; hiểu rõ mục đích, ý nghĩa quan trọng cuộc bầu cử lần này, đồng thời nâng cao cảnh giác, đối phó kịp thời với mọi luận điệu tuyên tuyền xuyên tạc, âm mưu và hành động phá hoại của địch.

3. Tập trung chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện tốt các bước tổ chức công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa X theo kế hoạch số 03/KH-UBBC ngày 05-5-1997 và hướng dẫn của Ủy ban Bầu cử thành phố.

Riêng việc tổ chức bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, quận-huyện, phường-xã nhiệm kỳ 1994-1999, căn cứ theo các điều 59, 61, 62 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Hội đồng Bầu cử bổ sung thành phố sẽ có kế hoạch và hướng dẫn cụ thể sau.

4. Kiểm tra công tác bầu cử : để đảm bảo cho cuộc bầu cử đạt kết quả tốt, dân chủ và đúng pháp luật, Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Viện Kiểm sát nhân dân và các đoàn thể thành lập những đoàn kiểm tra cấp mình để tổ chức kiểm tra từng bước chuẩn bị, ngày bầu cử đến kết thúc cuộc bầu cử.

- Ở thành phố, đoàn kiểm tra bầu cử gồm có đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Viện Kiểm sát nhân dân, Thanh tra, Tư pháp và một số thành viên các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố.

- Ở quận-huyện, thành phần đoàn kiểm tra bầu cử tương tự như cấp thành phố.

- Ở phường-xã, đoàn kiểm tra bầu cử gồm có đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, một số đại biểu Hội đồng nhân dân, một số cán bộ hưu trí am hiểu pháp luật.

Đoàn kiểm tra bầu cử phải có chương trình, kế hoạch công tác, báo cáo công tác kiểm tra cho Thường vụ cấp ủy Đảng và Ủy ban nhân dân các cấp ; quan hệ chặt chẽ, góp ý kiến để Ban bầu cử, Tổ bầu cử thực hiện đúng pháp luật. Khi phát hiện vi phạm, cần lập biên bản ghi rõ vụ việc vi phạm, kiến nghị giải quyết.

5. Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cuộc bầu cử :

Cần giáo dục, nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân, đề phòng và đối phó kịp thời âm mưu và hành động phá hoại của địch. Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Văn hóa thông tin và các ngành có liên quan phải có kế hoạch ngay từ bước đầu đảm bảo an toàn tuyệt đối, chống các âm mưu, hành động lợi dụng bầu cử để gây rối, bảo vệ tốt cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử thắng lợi.

6. Trách nhiệm của các ngành, các cấp trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện bầu cử :

- Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Trường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng ở địa phương có kế hoạch tổ chức thực hiện và phục vụ tốt cho cuộc bầu cử theo đúng kế hoạch và tiến độ của Ủy ban bầu cử thành phố đề ra phù hợp với Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội.

- Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban , ngành thành phố, các cơ quan Trung ương và các đơn vị lực Lượng vũ trang đóng trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan thông tin, báo chí, Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, Bưu điện… huy động cử tri, CB-CNVC và lực lượng vũ trang đi bầu đông đủ, làm tròn nghĩa vụ công dân và theo chức năng nhiệm vụ của mình giúp đỡ các tổ chức bầu cử giải quyết những yêu cầu cần thiết để cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và bầu bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tiến hành thuận lợi, an toàn, đạt kết quả tốt.

7. Về kinh phí bầu cử :

- Chi phí phải hết sức tiết kiệm nhưng bảo đảm đầy đủ các yêu cầu cần thiết của cuộc bầu cử.

- Về kinh phí phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X : Do Hội đồng bầu cử Trung ương duyệt cấp cho thành phố.

Giao cho Ban Tổ chức chính quyền thành phố phối hợp với Sở Tài chánh hướng dẫn các quận-huyện lập dự trù kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử theo đúng quy định của Hội đồng bầu cử Trung ương.

Sở Tài chánh có trách nhiệm cấp kinh phí đã được duyệt kịp thời cho các quận-huyện.

- Về kinh phí phục vụ công tác bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp : đối với quận-huyện, phường-xã có yêu cầu cần thiết phải bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân, thì lập dự trù thêm kinh phí phục vụ cho hoạt động của Hội đồng bầu cử bổ sung, ban bầu cử bổ sung, tổ bầu cử bổ sung và các yêu cầu in ấn tài liệu, biểu mẫu.

Sở Tài chánh có trách nhiệm xem xét, duyệt cấp kính phí này (lấy trong ngân sách thành phố).

Để bảo đảm cho các khâu công tác trong cuộc bầu cử tiến hành đúng thời gian theo luật định, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các ngành, các cấp, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố có kế hoạch cụ thể, tập trung chỉ đạo chặt chẽ để triển khai thực hiện những quy định, hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước cấp trên về công tác bầu cử.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Q. CHỦ TỊCH




Võ Viết Thanh