Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 14/CT-UBND

Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN NINH QUỐC GIA, GIỮ GÌN TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô đạt được những kết quả quan trọng; an ninh quốc gia được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, ngoại giao trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô có diễn biến phức tạp: tình hình khiếu kiện, tập trung đông người; các loại tội phạm và tệ nạn xã hội chưa giảm, có chiều hướng gia tăng, đã xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, đối tượng phạm tội manh động, ngang nhiên, côn đồ, hung hãn, gây dư luận xấu trong nhân dân; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị vẫn còn những hạn chế, bất cập... Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông có nguy cơ căng thẳng, kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Để giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, tạo ra môi trường lành mạnh, bảo vệ cuộc sống hạnh phúc và bình yên của nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt một số nội dung công tác sau:

1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô: Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược Bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP tại Thông báo số 306/TB-VPCP ngày 31/7/2014; Chương trình số 05-CTr/TU ngày 19/5/2011 của Thành ủy (khóa XV) về "Tăng cường Quốc phòng - An ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở Thủ đô giai đoạn 2011-2015”; Chỉ thị số 21, ngày 05/12/2013 của Thành ủy về “Nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an Thủ đô năm 2014”;

Triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng trên địa bàn Thủ đô, trọng tâm là kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9; kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô; 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 15 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố Vì hòa bình...;

Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cách mạng, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô; tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng Công an trong đấu tranh vạch trần, phản bác các hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch; giải quyết tốt các vấn đề nổi lên về an ninh, trật tự trên địa bàn.

2. Công an Thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các quận, huyện, thị xã là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Thành phố, tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn, đơn vị, lĩnh vực được phân công theo dõi, cụ thể:

- Tập trung đấu tranh, trấn áp, kiên quyết không để tội phạm hoạt động phức tạp, lộng hành; rà soát, đấu tranh quyết liệt nhóm tham gia diễn đàn phản động, có hoạt động tuyên truyền, chống phá ta; các băng ổ, nhóm tội phạm hoạt động kiểu “xã hội đen”, đâm thuê, chém mướn, chống người thi hành công vụ, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mua, bán người; chú ý đấu tranh có hiệu quả hơn tội phạm về môi trường và buôn lậu, gian lận thương mại, trốn lậu thuế, sản xuất hàng giả và kinh doanh trái phép...;

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý người nước ngoài; quản lý các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý, sử dụng pháo... Tổ chức tốt việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục người được đặc xá, tha tù, người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Thực hiện tốt công tác vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, tiếp tục làm giảm tai nạn, phòng, chống ùn tắc giao thông, đua xe trái phép...;

- Quyết liệt thực hiện có hiệu quả đợt thi đua đặc biệt “90 ngày đêm cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ đô thi đua lập thành tích kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô” từ ngày 16/7/2014 đến 15/10/2014.

3. Bộ Tư lệnh Thủ đô tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự và phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, vi phạm pháp luật trong quân nhân. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng; phối hợp có hiệu quả với Công an Thành phố nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn Thành phố.

4. Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy: Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo các cơ sở, khu dân cư thực hiện các quy định về phòng, chống cháy nổ. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các khu vực có nguy cơ cao về cháy nổ và có biện pháp xử lý mạnh các điểm vi phạm. Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo ứng cứu kịp thời khi có tình huống cháy, nổ, sự kiện đột xuất, bất ngờ xảy ra.

5. Các Sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, quyết liệt thực hiện có hiệu quả Năm trật tự, văn minh đô thị, tạo chuyển biến rõ nét về ý thức, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và của từng người dân. Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên để ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn... Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 17/02/2014 của UBND Thành phố về “Triển khai các hoạt động đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2014” với chủ đề “Tăng cường quản lý hoạt động vận tải và siết chặt kiểm soát trọng tải xe”.

6. Sở Công Thương, Cục Hải quan Hà Nội theo chức năng nhiệm vụ, tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn và tại các cửa khẩu, sân bay...; chủ động phối hợp với Công an Thành phố và các ngành hữu quan kiểm tra chặt chẽ, kiên quyết ngăn chặn các loại văn hóa phẩm phản động, độc hại, kích động bạo lực, các nguồn buôn bán, vận chuyển các chất ma túy, vũ khí, chất nổ, chất cháy; Sở Công Thương phối hợp với các cấp, các ngành giải quyết triệt để vấn đề chợ cóc, chợ tạm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

7. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Công an Thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan Báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tự giác tôn trọng và chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân, lên án các hành vi xấu, các hành vi vi phạm pháp luật; tuyên truyền các mô hình, gương điển hình tiên tiến trong công tác đảm bảo an ninh trật tự; đồng thời, siết chặt quản lý, đảm bảo an toàn thông tin; kiểm tra phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng Internet để xâm phạm an ninh quốc gia, sử dụng các trang mạng xã hội, thông tin, báo chí, xuất bản... để kích động các hoạt động chống đối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công an Thành phố tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trong các trường học; giảng dạy, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự; tích cực thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Phối hợp với các gia đình, đoàn thể quản lý chặt chẽ, hạn chế vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên, nhất là học sinh cá biệt...

9. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối ngân sách, đảm bảo phục vụ yêu cầu công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an nhân dân và các hoạt động của ngành, đoàn thể tham gia công tác đảm bảo an ninh, trật tự theo Kế hoạch.

10. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Điều tra đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm hình sự kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh, nhất là các vụ án nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xã hội lớn. Lựa chọn các vụ án điểm, tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án để tuyên truyền, răn đe tội phạm.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và và các tổ chức thành viên tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch liên tịch, liên ngành đã ký kết với lực lượng Công an trong công tác đảm bảo ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm trong cán bộ, hội viên, đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân; phát động, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

12. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo toàn diện công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm, gắn với các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương mình; chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể chỉ đạo các ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện. Nơi nào để tội phạm lộng hành, kéo dài phức tạp, nơi nào có dấu hiệu bảo kê, bao che, dung túng cho tội phạm thì người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền và Thủ trưởng cơ quan Công an phải chịu trách nhiệm.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị này; giao Công an Thành phố phối hợp với Văn phòng UBND Thành phố theo dõi, kiểm tra việc thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo)
- Ban Chỉ đạo 138/CP; (để báo cáo)
- Bộ Công an;
- TTTU, TT HĐND TP;
- Chủ tịch, các PCT UBND TP;
- Ban Nội chính TU;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, các PCVP, các phòng CV;
- Lưu: VT, CATP, NC (Trung).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo