Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Hà Tĩnh, ngày 06 tháng 06 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG SỬ DỤNG, TRAO ĐỔI VĂN BẢN ĐIỆN TỬ VÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

Thời gian qua các cấp, các ngành và các đoàn thể đã quan tâm ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động chuyên môn, như gửi nhận công văn, giấy mời, tài liệu hội nghị, các báo cáo tháng, quý, năm qua phần mềm gửi nhận văn bản điện tử, thư điện tử, văn phòng điện tử. Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đã cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, mức độ 2 và một số ít đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong giao dịch với các cơ quan nhà nước và giữa các cơ quan nhà nước với nhau, từng bước đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, góp phần xây dựng Chính quyền điện tử các cấp, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.

Tuy nhiên, việc trao đổi văn bản điện tử chưa đạt yêu cầu đặt ra, tỷ lệ đang còn thấp, mới chỉ đạt trên 60% ở các cơ quan cấp tỉnh, trên 50% ở các cơ quan cấp huyện; các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hiệu quả các phần mềm đã được trang bị; hiện tượng tác nghiệp điều hành theo phương thức truyền thống vẫn còn khá phổ biến; quá trình cập nhật, sao lưu, hình thành dữ liệu số phục vụ trao đổi văn bản điện tử và dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế; lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự quan tâm, nhận thức và thói quen làm việc trên môi trường mạng còn hạn chế; công tác nhận, gửi văn bản điện tử và sử dụng phần mềm Ý kiến chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh (YKCĐ) còn chưa kịp thời, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao còn quá ít,...

Để tăng cường sử dụng, trao đổi văn bản điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã:

a) Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử và cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; Quyết định số 43/2009/QĐ-UBND ngày 17/12/2009 của UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý, sử dụng hệ thống thư điện tử trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 595/QĐ-UBND ngày 01/3/2012 của UBND tỉnh về việc quy định gửi nhận văn bản điện tử thay văn bản giấy trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hà Tĩnh và các văn bản khác có liên quan;

b) Ban hành nội quy, quy định nhằm quản lý, vận hành, sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung (hệ thống thư điện tử của tỉnh, của Chính phủ; hệ thống gửi nhận văn bản điện tử, văn phòng điện tử, phần mềm YKCĐ; hệ thống tiếp nhận, xử lý ban hành văn bản bằng phần mềm điện tử; trang thông tin điện tử, một cửa điện tử...) đã được trang bị; thực hiện số hóa các văn bản, tài liệu lưu trữ, chuẩn hóa dữ liệu số đáp ứng yêu cầu tra cứu, gửi - nhận và xử lý thông tin; quan tâm tính trung thực, toàn vẹn, sẵn sàng và an toàn, bảo mật dữ liệu số, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu số cho từng nhóm ngành, lĩnh vực;

c) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành; triển khai đồng bộ việc gửi - nhận văn bản điện tử tới các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp xã; quan tâm và xây dựng kế hoạch để triển khai về tới các thôn, bản đảm bảo thông tin chỉ đạo, điều hành và thông tin phục vụ việc chỉ đạo, điều hành được thông suốt trong mọi tình huống. Đảm bảo đến cuối năm 2015: 90% văn bản, tài liệu được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử trong nội bộ các cơ quan nhà nước; 70% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; 100% UBND cấp xã thực hiện trao đổi văn bản điện tử với các cơ quan cấp tỉnh và huyện;

d) Sử dụng hiệu quả Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang/cổng thông tin điện tử của đơn vị trong cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ngoài việc đảm bảo cung cấp đầy đủ bộ thủ tục hành chính của đơn vị dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, mức độ 2 theo quy định, cần phải chủ động phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tích hợp vào Cổng, Trang thông tin điện tử, đảm bảo đến cuối năm 2015: 100% UBND cấp huyện, 50% cơ quan hành chính cấp tỉnh cung cấp 40% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên;

e) Chỉ đạo tập thể lãnh đạo, các đơn vị trực thuộc, UBND cấp xã, cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị, địa phương đẩy mạnh việc sử dụng, trao đổi văn bản điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đồng thời hàng năm chủ động bố trí kinh phí để thực hiện hiệu quả việc trao đổi văn bản điện tử, phần mềm YKCĐ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng, thực hiện việc không phát tài liệu giấy cho đại biểu tại các cuộc họp; không gửi các dự thảo văn bản xin ý kiến góp ý bằng giấy giữa các cơ quan, đơn vị; thực hiện việc thống nhất, đồng bộ trong việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị.

2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, kiểm tra nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức trong việc trao đổi, sử dụng văn bản điện tử trong công việc; trong việc tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư;

b) Hướng dẫn các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện xây dựng các quy định nhằm quản lý, vận hành, sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung đã được trang bị;

c) Xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với tiến độ, tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi và tiến độ cung cấp dịch công trực tuyến trên địa bàn. Xây dựng quy định về thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin phục vụ quá trình chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp trình UBND tỉnh quyết định;

d) Xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí đánh giá Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn; đưa việc trao đổi, sử dụng văn bản điện tử, phần mềm YKCĐ, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các cơ quan vào quá trình đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước và trong cải cách hành chính hàng năm;

e) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ 6 tháng/lần tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

3. Giao Văn phòng UBND tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng hệ thống biểu mẫu văn bản điện tử dùng chung (e-form) và thống nhất quy trình thực hiện trong trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước;

b) Quy định cụ thể danh mục văn bản điện tử trong giao dịch hành chính giữa UBND tỉnh với các sở, ngành, địa phương phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh qua mạng.

c) Triển khai chữ ký số của Văn phòng UBND và UBND tỉnh.

4. Giao Công an tỉnh:

a) Chủ động triển khai và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình thực hiện trao đổi văn bản điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến;

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lợi dụng việc trao đổi văn bản điện tử làm lộ bí mật nhà nước; truyền đưa mã độc, tin rác,...

5. Giao Sở Nội vụ:

a) Chủ trì xây dựng các văn bản quy định về lưu trữ văn bản điện tử;

b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đôn đốc các sở, ngành, địa phương bố trí cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin theo Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND ngày 25/5/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; chuẩn hóa đội ngũ này theo tiêu chuẩn nghiệp vụ được quy định tại Quyết định số 34/2013/QĐ-UBND ngày 09/8/2013 của UBND tỉnh; hướng dẫn việc bố trí cán bộ tổ chức vận hành cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị.

6. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Ưu tiên bố trí kinh phí đủ, kịp thời từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác để triển khai các nhiệm vụ, dự án xây dựng, duy trì hoạt động liên quan đến việc trao đổi văn bản điện tử, phần mềm YKCĐ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên BCĐ CNTT tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Cổng thông tin điện tử của tỉnh;
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh;
- Các phòng chuyên viên VP UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo-Tin học;
- Lưu: VT, VX1;
- Gửi bản giấy và điện tử.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thiện