Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1453/CT-UBND

Kiên Giang, ngày 07 tháng 7 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH NÂNG CAO CÁC CHỈ SỐ: CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, NĂNG LỰC CẠNH TRANH, SỰ HÀI LÒNG CỦA TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN VỀ SỰ PHỤC VỤ CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC, HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG

Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; những năm qua, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Qua điều tra, khảo sát xếp hạng các chỉ số của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương hàng năm cho thấy 3/4 chỉ số của tỉnh xếp ở nhóm thấp nhất cả nước, 1/4 chỉ số xếp ở nhóm tốt nhưng tụt hạng so năm 2015, cụ thể: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh hàng năm đều ở thứ hạng cao và năm 2016 xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố, giảm 2 bậc so năm 2015; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh năm 2016 xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 hạng so năm 2015; Chỉ số sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2015 của tỉnh với tỷ lệ hài lòng về 6 dịch vụ hành chính công thiết yếu nhất được khảo sát đạt từ 56,84% - 88,05% xếp đầu nhóm các tỉnh có tỷ lệ thấp so cả nước (54,9% - 82,2%); Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2016, Kiên Giang xếp hạng 61/63 tỉnh, thành phố tương đương năm 2015.

Nguyên nhân chủ yếu của đa số các chỉ số đạt thấp là do nhận thức của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đơn vị sự nghiệp công lập về các chỉ số nêu trên chưa tốt; sự quan tâm và tính quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế; tính tiên phong, năng động, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo các cơ quan hành chính các cấp trong việc xây dựng một hệ thống công vụ phục vụ Nhân dân, liêm chính, hành động quyết liệt và kiến tạo phát triển chưa đáp ứng yêu cầu; công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nơi chưa thực hiện tốt.

Để đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính của tỉnh và cải thiện, nâng cao các chỉ số nêu trên trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt một số công việc sau:

1. Tổ chức quán triệt trong lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các ngành, đơn vị sự nghiệp công lập về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của các chỉ số PAR INDEX, PCI, SIPAS và PAPI gắn với tiếp tục quán triệt các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao nhận thức, thái độ và ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng một hệ thống công vụ phục vụ Nhân dân. Xác định nhiệm vụ cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, cải thiện và nâng cao các chỉ số nêu trên là nhiệm vụ cấp bách trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

2. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác cải cách hành chính nói chung và mục tiêu, ý nghĩa của các chỉ số nêu trên đến Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh trong công tác thông tin tuyên truyền về cải cách hành chính và các chỉ số nêu trên để việc tham gia thực hiện, giám sát thực hiện được đồng bộ, hiệu quả.

3. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao của từng sở, ngành, UBND cấp huyện, rà soát đối chiếu nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần các chỉ số nêu trên để đề ra giải pháp thực hiện nhằm cải thiện điểm số, nâng cao thứ hạng từng chỉ số. Phấn đấu Chỉ số PAR INDEX năm 2017 lên vị trí thứ 36 và năm 2020 lên vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PCI năm 2017-2018 lên nhóm 10 tỉnh thành và năm 2020 lên nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; Chỉ số SIPAS năm 2017 lên vị trí nhóm trung bình và năm 2020 lên nhóm tỉnh, thành phố loại khá; Chỉ số PAPI năm 2017 lên nhóm trung bình cao và năm 2020 lên nhóm các tỉnh, thành loại tốt. Kế hoạch và kết quả thực hiện của các sở, ngành và UBND cấp huyện phải được gửi về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để kiểm tra, theo dõi thực hiện.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị, các hội, hiệp hội ngành nghề đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện và nâng cao các chỉ số nêu trên trong năm 2017 và các năm sau.

5. Giao Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cùng kỳ với báo cáo 6 tháng, năm về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ảnh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để được hướng dẫn, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND cấp huyện;
- Sở Nội vụ (3b);
- LĐVP, P. NCPC;
- Lưu: VT, vtttrinh.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Thị Minh Phụng