UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2002/CT-UB | Lào Cai, ngày 21 tháng 8 năm 2002 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN PHÁP LỆNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều Nghị quyết và các văn bản pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp địa phương chủ động triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần sử dụng ngày càng có hiệu quả hơn các nguồn lực của địa phương.
Tuy nhiên, tình trạng buông lỏng quản lý, vi phạm các nguyên tắc quản lý tài chính, ngân sách vẫn còn xảy ra, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, nhất là trong một số lĩnh vực như: đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sử dụng tài sản công, sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Việc tổ chức lễ hội, kỷ niệm ngày thành lập, đón nhận các danh hiệu thi đua, hội nghị,... còn mang tính phô trương, hình thức, lãng phí thời gian, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân.
Trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị, cấp uy Đảng, chính quyền các cấp chưa nhận thức và quán triệt đúng, đầy đủ chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước. Cơ chế, chính sách, biện pháp triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa phù hợp, không được điều chỉnh, bổ sung kịp thời; việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm chưa thường xuyên và chưa nghiêm minh.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta đến 2005 và 2010 đặt ra những nhiệm vụ, mục tiêu hết sức nặng nề, cùng với việc tập trung huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài tỉnh cần phải tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo có nguồn thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; UBND tỉnh Lào Cai chỉ thị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, giám đốc các doanh nghiệp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn sử dụng ngân sách nhà nước, trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình phải tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Nguyên tắc chung: Mọi công dân có nghĩa vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng để tăng vốn đầu tư phát triển vì lợi ích của mình, của địa phương và của đất nước. Tất cả các tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước. Người đứng đầu tổ chức phải chịu trách nhiệm về quản lý sử dụng nguồn lực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, đơn vị hoặc lĩnh vực được giao. Các tổ chức phải thực hiện đúng qui chế dân chủ và công khai các nguồn lực (trừ các vấn đề cần bảo mật theo quy định), các cơ chế, chính sách quy định về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.
2. Tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản
Giao cho Sở Xây dựng hướng dẫn việc quản lý chất lượng các công trình XDCB trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đồng thời phối hợp với các ngành có liên quan trình UBND tỉnh quy định cụ thể về việc áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với các công trình đầu tư XDCB cùng loại trên địa bàn tỉnh.
Giao cho Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với các cơ quan có liên quan trình tỉnh quy chế khen thưởng và kỷ luật (bằng vật chất và hành chính) về tiết kiệm, chống lãng phí áp dụng đối với chủ đầu tư, bên nhận thầu thi công, đơn vị tư vấn và các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư XDCB trong việc lập, thẩm định dự án, dự toán, thiết kế, đấu thầu và thanh quyết toán vốn đối với các công trình đầu tư xây dựng cơ bản.
3. Sở Tài chính - Vật giá: phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện cơ chế tài chính áp dụng đối với đem vị sự nghiệp có thu và thí điểm khoán chi đối với một số đơn vị hành chính sự nghiệp theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính trong năm 2002.
4. Về quản lý biên chế, quĩ lương: Giao cho Ban Tổ chức chính quyền tỉnh tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quy chế về sử dụng lao động ngoài biên chế đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp. Đồng thời rà soát, xây dựng lại chức năng nhiệm vụ, định mức biên chế của từng đơn vị, huyện, thị xã trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở thực hiện việc khoán chi, thực hiện cơ chế tài chính áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp có thu theo quy định của Chính phủ.
5. Thực hiện chế độ công tác phí: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước khi cử cán bộ, công chức đi công tác phải căn cứ vào yêu cầu công việc để xem xét, quyết định (về số lượng cán bộ và thời gian đi công tác) đảm bảo tiết kiệm có hiệu quả trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị.
Cán bộ thuộc đối tượng tỉnh quản lý khi đi công tác ở ngoài tỉnh; việc thành lập đoàn cán bộ đi công tác, tham quan, học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác; việc thành lập các đoàn vận động viên, diễn viên, học sinh, già làng trưởng bản... đi thi đấu, biểu diễn, tham quan, giao lưu... ở ngoài tỉnh phải được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy hoặc Thường trực HĐND, UBND tỉnh.
6. Thực hiện chế độ hội nghị: Việc tổ chức hội nghị tổng kết, sơ kết, hội thảo, hội nghị chuyên đề triển khai các chế độ chính sách và tập huấn nghiệp vụ chuyên môn (gọi chung là hội nghị) phải xác định rõ nội dung, số lượng đại biểu, thời gian, địa điểm hợp lý, đảm bảo tính thiết thực, không phô trương hình thức, nghiên cứu sắp xếp nội dung trong hội nghị để giảm bớt thời gian hội họp. Các cấp, các ngành phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định hiện hành về quản lý hội nghị, hội thảo do Trung ương và địa phương ban hành. Trong quá trình xem xét tổ chức hội nghị các cơ quan, đơn vị phải xem xét đến tính cần thiết của việc tổ chức hội nghị, có thể chỉ áp dụng phương pháp gửi tài liệu và lấy ý kiến bằng văn bản.
Thời gian tổ chức hội nghị không quá 2 ngày đối với Đại hội, 1/2 ngày đối với hội nghị sơ kết, 1 ngày đối với hội nghị tổng kết. Trường hợp đặc biệt cần thêm thời gian phải được phép bằng văn bản của Thường trực Tỉnh uy hoặc Thường trực HĐND hoặc Thường trực UBND tỉnh.
7. Chi tiếp khách: Chỉ sử dụng những sản phẩm thông thường trong nước để tiếp khách. Địa phương, đơn vị phải tự cân đối, bố trí trong dự toán chi thường xuyên trên nguyên tắc tiết kiệm, chống lãng phí, UBND tỉnh không bổ sung dự toán năm để chi tiếp khách.
8. Việc tổ chức ngày lễ, kỷ niệm: Kỷ niệm ngày thành lập ngành trong phạm vi toàn tỉnh chỉ tổ chức theo chu kỳ 5 năm một lần và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thường trực Tỉnh uy hoặc Thường trực UBND tỉnh.
Lễ đón nhận huân, huy chương... tổ chức kết hợp trong ngày lễ kỷ niệm hoặc hội nghị sơ kết, tổng kết. Mức chi cho lễ đón nhận danh hiệu thi đua áp dụng thống nhất theo chế độ hội nghị. Không được dùng công quĩ để chi liên hoan, chiêu đãi, tặng quà cho khách tham dự.
Không dùng kinh phí từ ngân sách để chi cho việc chiêu đãi, tặng quà trong lễ động thổ, khởi công, khánh thành các công trình.
Trong ngày lễ, kỷ niệm, đại hội... chỉ có Tỉnh uy, HĐND, UBND và UBMTTQ tỉnh mới được tặng lẵng hoa và chỉ tặng chung.
Thiếp chúc Tết tỉnh chỉ có 01 thiếp chung của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, huyện, thị xã, DNNN không in thiếp chúc Tết và lịch hàng năm.
9. Trang bị mua sắm phương tiện, thiết bị:
Việc mua sắm trang bị phương tiện, thiết bị và các tài sản khác (gọi chung là tài sản trong các cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách) phải theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định và trong dự toán được duyệt hàng năm.
Việc mua sắm tài sản phải thực hiện thẩm định giá trước khi mua sắm. Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm hướng dẫn việc thẩm định giá tài sản.
Thiết bị được mua sắm, trang bị phải là hàng sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, trừ trường hợp hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc hàng trong nước có mức giá cao hơn, chất lượng thấp hơn hàng nước ngoài.
Riêng về mua sắm máy vi tính: đối với các đơn vị chưa có mạng LAN (Local Area Network), chỉ được mua sắm máy tính của các hãng thuộc các nước trong khối ASEAN hoặc Trung Quốc, Đài Loan.
10. Chế độ sử dụng xe ô tô con:
Việc mua sắm, trang bị mới và sử dụng xe ô tô con phải theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức hiện hành.
Các cơ quan ở tỉnh khi cùng về họp và làm việc ở một đơn vị, cơ quan chủ trì hoặc cơ quan triệu tập hội nghị ở ngoài tỉnh cần bố trí đi chung xe, hạn chế đến mức thấp nhất số xe cùng về họp và làm việc ở một đơn vị và trong cùng một thời gian.
11. Chế độ trang bị, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc
Việc trang bị các phương tiện thông tin liên lạc phải căn cứ vào nhu cầu công việc của từng cơ quan cho phù hợp, đảm bảo tiết kiệm có hiệu quả, không được dùng cho mục đích riêng. Việc trang bị và sử dụng phương tiện thông tin liên lạc phải thực hiện đúng theo quy định của Trung ương và UBND tỉnh.
Giao cho Sở tài chính - Vật giá chủ trì phối hợp với sở Khoa học CNMT và các ngành có liên quan trình tỉnh quy định về khai thác Internet sử dụng vào việc công của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
12. Sửa chữa trụ sở và phương tiện làm việc:
Việc sửa chữa lớn, cải tạo trụ sở làm việc phải được sự thống nhất của liên ngành: Sở Tài chính - Vật giá, sở Kế hoạch và Đầu tư và sở Xây dựng trước khi trình UBND tỉnh quyết định.
Chỉ sửa chữa ô tô con, phương tiện làm việc chỉ bố trí trong dự toán chi ngân sách đầu năm, UBND tỉnh không bổ sung dự toán chi cho nội dung này. Khi điều động ô tô từ cơ quan này sang cơ quan khác, cơ quan sử dụng xe trước khi bàn giao có trách nhiệm sửa chữa đảm bảo xe hoạt động tốt trước khi bàn giao, cơ quan nhận bàn giao có trách nhiệm kiểm tra chất lượng xe trước khi nhận. Khi giao nhận xe, đơn vị bàn giao mời cơ quan Tài chính và cơ quan đăng kiểm để chứng kiến. Khi sửa chữa ô tô con và phương tiện làm việc chỉ sử dụng các phụ tùng, linh kiện do trong nước sản xuất (hoặc Việt Nam liên doanh với nước ngoài), trừ những phụ tùng, linh kiện trong nước chưa sản xuất được.
13. Về thuê bên ngoài thực hiện việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ:
Các cơ quan, đơn vị chỉ được thuê bên ngoài (các tổ chức, cá nhân có pháp nhân) cung cấp các hàng hóa, dịch vụ đối với những công việc mà cơ quan, đơn vị mình không tự làm được.
14. Giao cho Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với các ngành có liên quan: Rà soát lại chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách đang áp dụng đối với địa phương để trình UBND tỉnh bãi bỏ các văn bản trái với quy định của Trung ương và ban hành một số chính sách, chế độ áp dụng riêng đối với tỉnh Lào Cai đối với một số chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Trung ương ban hành đã lạc hậu (nhưng vẫn đang có hiệu lực thi hành) hoặc Trung ương chưa ban hành.
15. Tiết kiệm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước
Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí căn cứ vào hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu hành chính (chế độ công tác phí, hội nghị phí, chế độ sử dụng xe con, chế độ sử dụng điện thoại...) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đảm bảo quản lý, sử dụng vốn, tài sản, quản lý chi phí, doanh thu thực hiện chế độ hạch toán kế toán, thống kê theo quy định. Nghiêm cấm việc sử dụng các quỹ của doanh nghiệp để hỗ trợ các đơn vị hành chính sự nghiệp đã được Nhà nước đài thọ kinh phí hoạt động.
Từng doanh nghiệp phải xây dựng phương án bảo toàn và phát triển vốn, tiếp kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh.
16. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cộng đồng dân cư
Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện quy định, qui ước về tổ chức lễ hội, việc cưới, việc tang và các hoạt động văn hóa khác. Đảm bảo lành mạnh, văn minh, giữ gìn thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc, thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên vận động các thành viên của tổ chức mình gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giám sát việc thực hiện quy định của UBND tỉnh.
Cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức Nhà nước phải gương mẫu thực hiện, hướng dẫn và vận động nhân dân cùng thực hiện thành phong trào rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.
UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Giám đốc các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
(Được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng)
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1 Quyết định 630/QĐ-UBND về Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của tỉnh Vĩnh Long năm 2014
- 2 Quyết định 1686/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3 Quyết định 736/QĐ-UBND về Chương trình hành động công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 4 Quyết định 1146/2002/QĐ-UB quy định về việc thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Tỉnh Hà Nam ban hành
- 5 Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998
- 1 Quyết định 1146/2002/QĐ-UB quy định về việc thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Tỉnh Hà Nam ban hành
- 2 Quyết định 1686/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3 Quyết định 736/QĐ-UBND về Chương trình hành động công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 4 Quyết định 630/QĐ-UBND về Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của tỉnh Vĩnh Long năm 2014
- 5 Quyết định 3522/QĐ-UBND năm 2014 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành từ tháng 10/1991 đến ngày 30/6/2013