THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2006/CT-TTg | Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2006 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VỐN, TÀI SẢN VÀ CÁN BỘ TẠI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ CỦA NHÀ NƯỚC
Các vụ việc tiêu cực nghiêm trọng được phanh phui gần đây chứng tỏ công tác quản lý vốn và tài sản của Nhà nước, quản lý và sử dụng cán bộ ở nhiều Bộ, ngành, địa phương, đơn vị bị buông lỏng gây nên tình trạng tiêu cực, tham nhũng, làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, gây bất bình và bất ổn trong xã hội.
Thực trạng trên đòi hỏi Đảng, Chính phủ phải sớm tìm ra nguyên nhân và có các biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết. Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
l. Các Bộ, các cơ quan trung ương khác, Ủy ban nhân dân các cấp, các đơn vị kinh tế và đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị) có trách nhiệm quản lý sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn vay trong và ngoài nước, quản lý cán bộ phải thường xuyên tiến hành rà soát các quy định chính sách cơ chế quản lý vốn tài sản và cán bộ phát thiện các sơ hở, thiếu sót để bổ sung, sửa đổi kịp thời.
2. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay phải tổ chức tự kiểm tra soát xét lại việc thực hiện các nhiệm vụ về quản lý vốn, tài sản nhà nước và công tác quản lý cán bộ của cơ quan, đơn vị mình để kịp thời phát hiện những yếu kém, tồn tại; có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm (gồm cả xử lý hình sự) các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.
Thủ trưởng (người đứng đầu) cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả tự kiểm tra và chịu hình thức kỷ luật nếu sau này cơ quan chức năng phát hiện những vấn đề không đúng với nội dung đã kết luận biện pháp đã xử lý.
3. Đối với những cơ quan, đơn vị đã để xảy ra các hành vi tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, cán bộ sa đọa bị các cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện phải tổ chức ngay việc kiểm điểm đánh giá tác hại, phân tích làm rõ nguyên nhân cụ thể, trực tiếp dẫn đến tiêu cực và xử lý thích đáng những người sai phạm.
Các nhiệm vụ nêu tại điểm 2 và điểm 3 trên đây phải được hoàn thành và báo cáo kết quả cho Thanh tra Chính phủ trong tháng 7 năm 2006 để Thanh tra Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để xem xét ngay tại những nơi đã phát hiện có tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng nhằm:
a) Đánh giá đúng thiệt hại và tác hại; xác định chính xác những nguyên nhân chủ quan, khách quan và làm rõ những thủ đoạn đục khoét vốn, tài sản nhà nước; phân tích kỹ vì sao cuộc đấu tranh chống thanh nhũng ở các cơ quan, đơn vị đó không có kết quả.
b) Đề xuất với các cơ quan Đảng, Chính phủ các biện pháp tích cực nhất để xử lý nghiêm minh, triệt để những nguyên nhân then chốt dẫn đến sai phạm; đồng thời giải thích để nhân dân, xã hội hiểu rõ, đồng tình và tham gia với nhà nước trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực.
Giao Văn phòng Chính phủ, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành phần, chức năng, nhiệm vụ của Tổ công tác, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
| THỦ TƯỚNG |
- 1 Chỉ thị 07/2006/CT-BXD về tiếp tục tăng cường công tác quản lý kinh tế tài chính và tổ chức cán bộ đối với các đơn vị trực thuộc bộ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 2 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 2003
- 3 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Cán bộ, Công chức năm 2000
- 4 Nghị định 14/1998/NĐ-CP về quản lý tài sản Nhà nước
- 5 Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998