Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2008/CT-UBND

Hải Phòng, ngày 28 tháng 4 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Động vật hoang dã là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, là bộ phận quan trọng tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Vì vậy, bảo vệ và phát triển động vật hoang dã là trách nhiệm của mọi tổ chức và cá nhân.

Trên địa bàn thành phố Hải Phòng, những năm qua, chính quyền các cấp và các ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền giáo dục, tổ chức thực hiện việc bảo vệ và gây nuôi phát triển động vật hoang dã nên đã hạn chế việc săn bắt động vật hoang dã trong các khu rừng, đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển thế giới (vườn quốc gia Cát Bà), đã có nhiều cơ sở gây nuôi các loài động vật hoang dã như: Cá sấu, ba ba, nhím, Đà điểu,,,, hoạt động có hiệu quả cao, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, có sản phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần bảo tồn và phát triển động vật hoang dã.

Tuy nhiên, việc mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến trái phép động vật hoang dã vẫn diễn ra ở nhiều nơi với những mức độ khác nhau như: Bày bán trái phép động vật hoang dã trên lề một số tuyến đường và chợ của thành phố; tàng trữ, buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn diễn ra ở nhiều khu dân cư; nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã để làm cảnh ở nhiều hộ dân; chế biến động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp làm món ăn ở nhiều nhà hàng, quán ăn. Thực trạng đó đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của thành phố Hải Phòng trong mắt người dân trong nước và nước ngoài.

Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng trên, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu Thủ trưởng các sở-ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, phường, xã khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp sau đây:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, phường, xã, Thủ trưởng các ngành chức năng: Kiểm lâm, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan; các cơ quan báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng khác phải chủ động tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, lợi ích của động vật hoang dã; các chủ trương, chính sách của nhà nước về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã; sử dụng hợp lý các loài động vật hoang dã; các biện pháp chế tài của Nhà nước nếu vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã.

Hình thức tuyên truyền, phổ biến phải phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, có hiệu quả cao.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, phường, xã chỉ đạo các lực lượng thuộc phạm vi quản lý của mình; Cục trưởng Cục Hải quan chỉ đạo các Chi cục Hải quan; Giám đốc Sở Thương mại chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm; Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị thuộc lực lượng Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các quán ăn, nhà hàng, các chợ, các địa điểm kinh doanh, các trục đường giao thông, sân bay, bến cảng, các khu dân cư, các hộ đang nuôi nhốt động vật hoang dã và các tụ điểm khác để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về mua, bán, vận chuyển, nuôi, chế biến, quảng cáo trái phép động vật hoang dã.

Địa phương nào để tồn tại các tụ điểm kinh doanh trái phép động vật hoang dã, để xảy ra tình trạng mua bán trái phép động vật hoang dã trên lề đường, nuôi trái phép động vật hoang dã trên địa bàn quản lý của mình thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã phải có hình thức xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã quản lý địa bàn đã để xảy ra vi phạm.

3. Nghiêm cấm mọi hình thức quảng cáo việc kinh doanh động vật hoang dã hoặc sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc từ tự nhiên.

Nghiêm cấm việc nuôi nhốt, nuôi thả động vật hoang dã trái phép với bất cứ mục đích gì ở các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, các khu di tích lịch sử, văn hóa, trong khuôn viên các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trong doanh trại các đơn vị quân đội, công an, trụ sở các doanh nghiệp. Đặc biệt tại Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà.

Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm rà soát, lập danh sách những đối tượng đã nhiều lần vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã để phối hợp với các ngành, chính quyền các địa phương có biện pháp quản lý và đấu tranh ngăn chặn. Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành có liên quan trong việc tổ chức kiểm tra các đối tượng này;

Tổ chức cứu hộ các cá thể động vật hoang dã đã bị xử lý tịch thu, đảm bảo động vật hoang dã khỏe mạnh trước khi thả về môi trường tự nhiên phù hợp với từng loài. Động vật hoang dã đã bị xử lý tịch thu nhưng không thể thả về môi trường tự nhiên thì phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

b) Chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Sở phối hợp với Hội Nông dân thành phố và các đơn vị có liên quan cung cấp tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật, khuyến khích các tổ chức, cá nhân gây nuôi phát triển các loài động vật hoang dã trong môi trường có kiểm soát.

Việc gây nuôi phát triển động vật hoang dã phải được tổ chức quản lý theo đúng các quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ.

Việc kinh doanh, vận chuyển, chế biến động vật hoang dã có nguồn gốc gây nuôi hoặc sản phẩm của chúng phải có đầy đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường.

5. Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải chỉ đạo Ban quản lý rừng quốc gia Cát Bà (các đơn vị chủ rừng), Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, Ủy ban nhân dân các xã tích cực kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc săn bắt trái phép động vật hoang dã trên địa bàn huyện, đặc biệt là trong khu vực Vườn quốc gia.

6. Giám đốc Công an thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các phòng nghiệp vụ ngừng cấp giấy phép sử dụng súng săn các loại; rà soát thu hồi những giấy phép sử dụng súng săn đã cấp.

7. Cục Hải quan thành phố có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để kiểm tra, ngăn chặn việc xuất khẩu, nhập khẩu trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Giám đốc các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện có trách nhiệm khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và đưa nội dung tổng kết việc thực hiện Chỉ thị này vào nội dung tổng kết công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng hàng năm./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thành