Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2011/CT-UBND

Bình Phước, ngày 22 tháng 11 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2011/NĐ-CP NGÀY 04/7/2011 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, sau hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, công tác pháp chế đã khẳng định và phát huy được vai trò của mình, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và quản lý Nhà nước, đóng góp chung vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngày 04/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (sau đây viết tắt là Nghị định số 55/2011/NĐ-CP) đã tạo ra thể chế mới, đồng bộ cho công tác pháp chế ở cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế; phát huy vị trí, vai trò của tổ chức pháp chế và đã trở thành chỗ dựa tin cậy về mặt pháp luật của các cơ quan quản lý hành chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trực tiếp.

2. Sở Tư pháp:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp UBND tỉnh trong việc quản lý công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Khoản 1, Điều 15, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP;

b) Quản lý, kiểm tra công tác pháp chế đối với Phòng Pháp chế, công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế;

c) Quản lý, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với tổ chức pháp chế, nhân viên pháp chế chuyên trách các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh;

d) Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng Đề án thành lập mới, củng cố, kiện toàn Phòng Pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt;

e) Yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước báo cáo công tác pháp chế, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh báo cáo công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất cho Bộ Tư pháp;

f) Chủ trì, phối hợp với một số cơ quan liên quan thường xuyên rà soát tổ chức pháp chế, người làm công tác pháp chế nhằm củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế.

3. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án thành lập mới, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; đồng thời, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh cử cán bộ đang làm công tác pháp chế mà chưa có trình độ Cử nhân luật tham gia chương trình đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế do Bộ Tư pháp tổ chức, nhằm đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

4. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh bảo đảm kinh phí, bảo đảm phụ cấp ưu đãi theo nghề cho công chức làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của tổ chức pháp chế.

5. Các sở, ban, ngành:

a) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan để tham mưu UBND tỉnh thành lập Phòng Pháp chế ở các sở sau: Sở Nội vụ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế. Trước mắt, do khó khăn về biên chế nên các sở cần bố trí cán bộ phù hợp và quan tâm đến công tác pháp chế, người làm công tác pháp chế; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cho việc thành lập Phòng Pháp chế theo lộ trình quy định tại Điều 17, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP;

b) Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc thù riêng của tỉnh và ở các cơ quan chuyên môn ngoài các cơ quan chuyên môn quy định tại Điểm a, Khoản này trên cơ sở đề nghị của cơ quan chuyên môn sau khi có ý kiến thống nhất của Sở Nội vụ và Sở Tư pháp;

c) Thực hiện báo cáo công tác pháp chế theo quy định.

6. Lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước:

a) Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế và vận dụng tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 12, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP để quyết định việc thành lập, củng cố tổ chức hoặc quyết định việc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách theo lộ trình quy định tại Điều 17, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP;

b) Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế ở doanh nghiệp;

c) Bảo đảm kinh phí, tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp;

d) Báo cáo công tác pháp chế theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất gửi Sở Tư pháp.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu