ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND | Hải Phòng, ngày 14 tháng 6 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP.
Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực, giúp các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả; tăng cường pháp chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý; bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình và phản ánh của một số doanh nghiệp, gần đây có hiện tượng thanh tra, kiểm tra, xác minh trùng lặp, chồng chéo; sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ; thời gian thanh tra kéo dài gây khó khăn, phiền hà ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và khắc phục, chấn chỉnh những hiện tượng nêu trên trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
a) Tập trung chỉ đạo, quán triệt sâu sắc đến các cơ quan, đơn vị, lực lượng có chức năng thanh tra, kiểm tra thuộc phạm vi quản lý của Sở, ngành, địa phương mình về mục đích, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phạm vi, phương thức, nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra và đạo đức công vụ. Trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật, tránh trùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp;
b) Không tiến hành thanh tra, kiểm tra quá một lần/năm đối với doanh nghiệp (trừ trường hợp thanh tra lại hoặc thanh tra, kiểm tra đột xuất). Khi kết thúc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp phải có báo cáo kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra bằng văn bản về nội dung đã được thanh tra, kiểm tra;
Đối với các doanh nghiệp cần thanh tra, kiểm tra về nhiều lĩnh vực, nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị thì phải phối hợp để xử lý tránh chồng chéo, nhằm giảm bớt số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; tránh việc nhiều đoàn cùng vào thanh tra, kiểm tra tại một doanh nghiệp trong cùng một năm.
c) Việc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại doanh nghiệp chỉ được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; công chức thanh tra chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kết luận, làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm và việc xử lý đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo các dấu hiệu đã được xác định là căn cứ để ra quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.
2. Giao Thanh tra thành phố hướng dẫn các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm; tổng hợp, xử lý trùng lắp trong kế hoạch thanh tra giữa các cơ quan thanh tra thuộc thẩm quyền trên địa bàn thành phố; đồng thời chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Đoàn liên ngành trong trường hợp thanh tra, kiểm tra về nhiều lĩnh vực, nội dung tại một doanh nghiệp.
Các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, có trách nhiệm gửi dự thảo kế hoạch thanh tra hàng năm về Thanh tra thành phố đúng thời gian quy định để rà soát, xử lý trùng lặp trước khi phê duyệt; khi điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra thì phải gửi Thanh tra thành phố để theo dõi;
3. Công an thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; chỉ thực hiện kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp trong trường hợp thực sự cần thiết và phải có quyết định hoặc kế hoạch xác minh, điều tra của Thủ trưởng cơ quan Công an có thẩm quyền; đồng thời chịu trách nhiệm về những vi phạm trong công tác kiểm tra của lực lượng do mình trực tiếp phụ trách;
4. Các Sở, ngành có chức năng thanh tra chuyên ngành chỉ đạo Thanh tra sở, ngành, các Chi cục và đơn vị trực thuộc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật. Hàng năm phải lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; không để xảy ra tình trạng có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của một Sở, ngành tại một doanh nghiệp trong một năm;
5. Các cơ quan đóng trên địa bàn thành phố được tổ chức theo ngành dọc (Ngân hàng, Kho bạc, Cục Thuế, Cục Hải quan,...) có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra thành phố và các Sở, ngành có liên quan của thành phố trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm; gửi kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm về Thanh tra thành phố để phối hợp, xử lý trùng lặp.
6. Các Hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện phổ biến, tuyên truyền cho các doanh nghiệp nắm rõ các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đúng quy định của pháp luật.
7. Các doanh nghiệp có trách nhiệm sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật; tự giác thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước; nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định thanh tra, kết luận thanh tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
8. Đề nghị cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Kiểm tra của Đảng: phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra của thành phố để thực hiện tốt các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; phối hợp trong việc xây dựng và thông báo kịp thời cho địa phương về kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm để xử lý, tránh chồng chéo, trùng lặp khi thanh tra, kiểm tra.
9. Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố thành lập đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; phối hợp với Thanh tra thành phố đề xuất phương án xử lý kịp thời đối với các đơn vị vi phạm trong thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị này.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận, huyện; các cơ quan, doanh nghiệp và đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 4074/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 2 Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 3 Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2017 về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định
- 4 Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2017 về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định
- 2 Kế hoạch 4074/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 3 Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa