ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2006/CT-UBND | Cần Thơ, ngày 19 tháng 12 năm 2006 |
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRONG PHẠM VI THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Những năm qua tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực; ba năm liền (2003, 2004, 2005) số vụ, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đều giảm và đặc biệt không có vụ tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra. Đạt được kết quả trên là do nỗ lực phấn đấu của các cấp, ngành, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương trong thành phố đã có nhiều cố gắng tuyên truyền giáo dục và thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là sự nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an và ngành Giao thông Công chính, nên bước đầu đã kìm chế được tỷ lệ gia tăng tai nạn giao thông, giảm đáng kể nạn ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, qua phân tích đánh giá thì kết quả đạt được còn chưa vững chắc và chưa ổn định, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông còn cao, đặc biệt số người chết và bị thương do phương tiện mô tô gây ra chiếm một tỷ lệ rất cao (ba năm liền đều chiếm tỷ lệ từ 75% trở lên); tình trạng lấn chiếm vỉa hè và lòng đường làm nơi họp chợ, mua bán hàng hoá làm cho tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân có phần do ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông chưa cao; công tác tuyên truyền giáo dục chưa mạnh mẽ; biện pháp xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe; mật độ phương tiện giao thông ngày càng tăng; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa bảo đảm.
Hậu quả là gánh nặng, nỗi lo và trách nhiệm của toàn xã hội của cả nước nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng nhất là thời điểm thành phố Cần Thơ đang tập trung dồn sức lập lại trật tự kỷ cương đô thị, trật tự an toàn giao thông với mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và phấn đấu là thành phố xanh, sạch, đẹp, an toàn và văn minh.
Để khắc phục những hạn chế và tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, cần phải nỗ lực, phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu tiếp tục làm giảm tai nạn giao thông cả ba mặt về số vụ, số người chết và bị thương trên địa bàn, để thực hiện được mục tiêu này, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:
1. Ủy ban nhân dân, Ban An toàn giao thông, cơ quan ban, ngành các cấp tăng cường phối hợp Mặt trận và đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24 tháng 02 năm 2003 của Ban Bí thư, các nghị định của Chính phủ và chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xem đây là công tác thường xuyên trong nội dung hoạt động của cấp, ngành mình.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân; đây là biện pháp cơ bản, lâu dài để kìm chế và làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố; là nhiệm vụ cơ bản thường xuyên để tạo sự chuyển biến trong ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông.
a) Các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời đưa tin điển hình tiên tiến và phản ánh, phê bình những mặt chưa tốt trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và nhân dân để động viên, rút kinh nghiệm chung; đồng thời, xây dựng các chuyên mục, đề tài sinh động, sát hợp với tình hình thực tế để tuyên truyền, giáo dục xây dựng phong trào toàn dân tham gia lập lại trật tự, an toàn giao thông.
b) Ngành Văn hóa - Thông tin chủ trì phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, thông tin lưu động cần có những hoạt động phong phú, thường xuyên xây dựng các loại hình, chuyên mục như: phổ thơ, sáng tác nhạc, ca cổ, tiểu phẩm kịch, hài về lĩnh vực an toàn giao thông; tổ chức biểu diễn và lưu diễn để phục vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; sử dụng pano, áp phích phục vụ cho công tác tuyên truyền, tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân.
c) Ngành Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông phù hợp với từng cấp học, đặc biệt là phổ biến pháp luật giao thông trong học sinh, sinh viên; chỉ đạo các trường có biện pháp hữu hiệu trong việc giáo dục, quản lý học sinh, sinh viên chấp hành luật giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các điểm trường trong các giờ cao điểm. Tổ chức vận động học sinh phổ thông sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không để học sinh chưa đủ tuổi đi học bằng xe máy.
2. Phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên Đoàn lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tiếp tục tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tham gia chấp hành pháp luật giao thông; đồng thời, đấu tranh phê phán hành vi vi phạm trật tự đô thị, trật tự, an toàn giao thông; thông qua hoạt động của tổ chức mình xây dựng các mô hình tổ tự quản trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông ở các địa bàn dân cư trọng yếu.
Các cơ quan, đơn vị và tổ chức đưa tiêu chí chấp hành pháp luật giao thông vào tiêu chí xét thi đua, khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và quân nhân hàng năm tại cơ quan, đơn vị mình.
3. Xác định rõ vai trò trách nhiệm của xã, phường, thị trấn, nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả những giải pháp trong việc giữ gìn trật tự, bảo vệ hành lang an toàn giao thông, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật giao thông; giám sát chặt chẽ và duy trì công tác trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị. Để thực hiện điều này phải phối hợp chặt chẽ nhiều lực lượng, dưới sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở mà nòng cốt là lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, lực lượng Cảnh sát Giao thông và Thanh tra Giao thông kết hợp đồng bộ với việc tuyên truyền vận động ý thức chấp hành của người dân trong việc giữ gìn trật tự kỷ cương đô thị, trật tự an toàn giao thông ở từng địa phương.
4. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành đối với các hành vi vi phạm; trước mắt tập trung xử lý có hiệu quả làm chuyển biến ngay một số hành vi sau đây:
- Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường buôn bán và dừng, đậu (đỗ) phương tiện trái quy định;
- Điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng có rượu bia quá nồng độ quy định, chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, chạy ngược chiều;
- Kiên quyết xử lý triệt để những phương tiện giao thông không đăng ký, đăng kiểm, xe hết niên hạn sử dụng, xe chở quá tải, dừng, đậu (đỗ) rước khách không đúng quy định, xe tải chở vật liệu xây dựng để rơi rớt trên đường;
- Điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép nhưng không phù hợp;
- Hành vi can thiệp vào việc xử lý vi phạm của lực lượng Công an và Thanh tra chuyên ngành giao thông.
5. Giao Sở Giao thông Công chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành thực hiện:
a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 36/2005/QĐ-UB ngày 13 tháng 5 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc quy định sử dụng tạm thời một phần phía trong hè phố tại nội ô các quận, huyện.
b) Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện:
- Khảo sát nối các giải phân cách không phù hợp, hoàn thiện hệ thống biển báo hiệu giao thông đường bộ, hệ thống chiếu sáng trên những tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông;
- Điều tiết, phân luồng, tuyến giao thông hợp lý nhằm hạn chế ùn tắc giao thông; nghiên cứu và đề ra các giải pháp khắc phục những điểm hoặc những tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố;
- Bố trí các điểm dừng xe, đậu (đỗ) xe hợp lý, giải tỏa triệt để các vi phạm vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông để tạo điều kiện tốt cho người tham gia giao thông;
- Kiểm tra xử lý nghiêm các đơn vị thi công không phép hoặc có phép nhưng không bảo đảm an toàn theo quy định trên địa bàn;
- Giám sát và đôn đốc các đơn vị thi công các hạng mục cầu, đường trên địa bàn bảo đảm thời gian, tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác tạo thông thoáng nhiều luồng tuyến cho phương tiện lưu thông; giảm áp lực các tuyến độc đạo, chống ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông;
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra liên ngành để kiểm tra, thanh tra tiêu chuẩn của các cơ sở đào tạo lái xe và Ban sát hạch lái xe; xử lý nghiêm những cán bộ sát hạch khi phát hiện có tiêu cực;
c) Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thương mại, Sở Tài chính) và Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện việc khảo sát hiện trạng các điểm đấu nối với tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn; tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố quy hoạch các đầu mối điểm đấu nối với tuyến quốc lộ để trình thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải (theo tinh thần Công văn 2241/BGTVT-VT ngày 24 tháng 4 năm 2006 của Bộ Giao thông vận tải);
d) Phối hợp với Công an thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện tiến hành khảo sát trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thêm một số tuyến đường trên các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ nhất là các đoạn, tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1404/CP-NC ngày 28 tháng 9 năm 2004;
đ) Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố và Báo Cần Thơ mở chuyên mục “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, tiếp thu những ý kiến, sáng kiến của mọi tầng lớp nhân dân để có những biện pháp giảm dần tai nạn giao thông trên đường bộ;
e) Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, mạng lưới xe buýt; nâng cao chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ của lái xe, nhân viên bán vé trên từng chuyến xe, từng lộ trình vận chuyển và sắp xếp quản lý giao thông đô thị;
g) Xây dựng lộ trình phù hợp để hạn chế các loại phương tiện giao thông cá nhân và lộ trình loại bỏ các loại xe lôi máy, xe ba gác máy; cương quyết không để cho xe quá hạn định, xe không bảo đảm an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường (xe không có đủ hệ thống hãm, hệ thống chuyển hướng có hiệu lực; xe không có đèn chiếu sáng; xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói; xe không đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp...);
h) Cấp giấy lưu hành đối với loại xe quá khổ, quá tải và xe bánh xích hoạt động trên các đường phố nội thành theo Thông tư số 21/2001/TT-BGTVT ngày 10 tháng 12 năm 2001 của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn việc lưu hành xe quá tải, quá khổ và xe bánh xích trên đường bộ. Riêng đối với việc đậu, đỗ phương tiện trong phạm vi thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố căn cứ vào tình hình thực tế để có quyết định điều chỉnh;
i) Quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ; tổ chức nhiều tổ kiểm tra, thanh tra tại các bến xe, bảo đảm 100% các xe khách xuất bến đều được kiểm tra theo quy định; kiên quyết không cho xe không bảo đảm các điều kiện an toàn, điều kiện chuyên chở hành khách xuất bến; áp dụng mạnh các biện pháp như đình chuyến, đình tuyến.
6. Giao Công an thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành thực hiện:
a) Tăng cường tuần tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục và xử lý nghiêm các hành vi điều khiển phương tiện giao thông vi phạm những quy định về pháp luật giao thông đường bộ;
b) Tập huấn nghiệp vụ xử lý hành chính về lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, nhằm bảo đảm công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý theo đúng Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ.
7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm củng cố kiện toàn Ban An toàn giao thông quận, huyện; xây dựng quy chế phối hợp giữa các đoàn thể trong tự quản trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông tại địa bàn cơ sở. Ban An toàn giao thông ở cấp nào thì do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp đó trực tiếp làm Trưởng ban; Trưởng Ban An toàn giao thông phải trực tiếp quản lý, điều hành mọi hoạt động của Ban và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên về tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên phạm vi địa phương mình quản lý.
8. Quy định về hoạt động của xe lôi máy, xe ba gác máy như sau:
a) Tiếp tục cấm xe lôi máy, xe ba gác máy lưu thông từ 06 giờ đến 19 giờ hàng ngày trên các tuyến đường:
- Quốc lộ 1, từ bến phà Cần Thơ đến giáp ranh tỉnh Hậu Giang.
- Quốc lộ 91, từ ngã tư bến xe Mới đến cổng chào quận Ô Môn.
b) Từ ngày 01 tháng 3 năm 2007:
- Cấm xe lôi máy, xe ba gác máy lưu thông từ 06 giờ đến 19 giờ hàng ngày trên các tuyến đường:
. Quốc lộ 1, từ bến phà Cần Thơ đến giáp ranh tỉnh Hậu Giang;
. Quốc lộ 80, từ ngã ba lộ Tẻ đến giáp ranh tỉnh Kiên Giang;
. Quốc lộ 91, từ ngã tư bến xe Mới đến giáp ranh tỉnh An Giang;
- Cấm xe lôi máy, xe ba gác máy lưu thông trên đường Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
- Các tuyến còn lại trên địa bàn quận Ninh Kiều cấm xe lôi máy, xe ba gác máy lưu thông như sau:
. Sáng từ 06 giờ 30 phút đến 07 giờ 30 phút;
. Trưa từ 10 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút; từ 12 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút;
. Chiều từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút.
c) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2007, cấm xe lôi máy, xe ba gác máy lưu thông trên toàn tuyến quốc lộ thuộc địa bàn thành phố:
- Quốc lộ 1, từ bến phà Cần Thơ đến giáp ranh tỉnh Hậu Giang;
- Quốc lộ 80, từ ngã ba lộ Tẻ đến giáp ranh tỉnh Kiên Giang;
- Quốc lộ 91, từ ngã tư bến xe Mới đến giáp ranh tỉnh An Giang.
9. Hàng tháng, quý các ngành, các địa phương tổ chức sơ kết; vào cuối năm tổng kết tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi ngành, địa phương; kịp thời khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
10. Giao Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này; quá trình thực hiện có những vấn đề vướng mắc phát sinh kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để được chỉ đạo thực hiện.
Chỉ thị này có hiệu lực sau mười ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là năm ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 08/2005/CT-UB ngày 02 tháng 3 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố; đồng thời, bãi bỏ Công văn số 1030/UB ngày 13 tháng 4 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 119/QĐ-UBND năm 2009 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành từ năm 1991 đến năm 2008 hết hiệu lực và còn hiệu lực thi hành
- 2 Chỉ thị 08/2005/CT-UB về tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong phạm vi thành phố Cần Thơ
- 3 Quyết định 3258/QĐ-UBND năm 2013 công bố bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp và hết hiệu lực do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành
- 4 Quyết định 665/QĐ-UBND năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành đến năm 2013 hết hiệu lực và còn hiệu lực thi hành
- 5 Quyết định 665/QĐ-UBND năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành đến năm 2013 hết hiệu lực và còn hiệu lực thi hành
- 1 Nghị quyết 69/2013/NQ-HĐND về biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018
- 2 Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2013 tăng cường biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đô thị, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- 3 Công văn số 2241/BGTVT-VT về việc thủ tục thỏa thuận giữa Bộ giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4 Nghị định 152/2005/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
- 5 Quyết định 36/2005/QĐ-UB về Quy định sử dụng tạm thời một phần phía trong hè phố tại nội ô quận, huyện thuộc thành phố Cần Thơ
- 6 Quyết định 120/2004/QĐ-UB về quy định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành
- 7 Chỉ thị 22-CT/TW năm 2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 8 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
- 9 Thông tư 21/2001/TT-BGTVT về việc lưu hành xe quá tải, quá khổ và xe bánh xích trên đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 10 Luật Giao thông đường bộ 2001
- 1 Quyết định 120/2004/QĐ-UB về quy định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành
- 2 Quyết định 119/QĐ-UBND năm 2009 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành từ năm 1991 đến năm 2008 hết hiệu lực và còn hiệu lực thi hành
- 3 Chỉ thị 08/2005/CT-UB về tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong phạm vi thành phố Cần Thơ
- 4 Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2013 tăng cường biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đô thị, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- 5 Quyết định 3258/QĐ-UBND năm 2013 công bố bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp và hết hiệu lực do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành
- 6 Nghị quyết 69/2013/NQ-HĐND về biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018
- 7 Quyết định 665/QĐ-UBND năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành đến năm 2013 hết hiệu lực và còn hiệu lực thi hành