Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 16/2006/CT-UBND

Bến Tre, ngày 09 tháng 8 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỐNG NHẤT ÁP DỤNG THỜI GIAN GIÁN ĐOẠN SAU VỤ NUÔI TÔM SÚ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Các năm gần đây, môi trường nuôi tôm sú trên địa bàn ba huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú có chiều hướng bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn; nguyên nhân chủ yếu là phần lớn cơ sở nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh không có ao xử lý nước thải, không có khu vực chứa bùn, khi cải tạo ao đã bơm bùn đáy ao thẳng ra kênh, rạch tự nhiên. Bên cạnh đó, việc thực hiện nuôi liên tục, không bảo đảm thời gian gián đoạn sau mỗi đợt nuôi (gọi tắt là cắt vụ) để tái tạo môi trường và có thời gian chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất cho đợt nuôi tiếp theo, nhằm đảm bảo điều kiện về vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, hạn chế thấp nhất mầm bệnh đốm trắng và các bệnh nguy hiểm khác có điều kiện tồn tại, gây bệnh trên diện rộng như thời gian qua. Để khắc phục tình trạng trên, chuẩn bị mọi điều kiện cho vụ nuôi tôm sú năm 2007 trên địa bàn tỉnh Bến Tre đạt kết quả tốt; căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y, kết quả khảo sát thực tế tình hình nuôi, đề xuất lịch thời vụ nuôi tôm sú của các địa phương và Sở Thủy sản; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Áp dụng biện pháp cắt vụ nuôi tôm sú trong năm 2006 trên địa bàn ba huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú từ ngày 01 tháng 9 năm 2006 để bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Từ ngày 01 tháng 9 năm 2006, các tổ chức, cá nhân tạm ngưng việc sản xuất tôm sú giống trên địa bàn tỉnh Bến Tre, tạm ngưng việc di nhập tôm sú giống từ ngoài vào tỉnh với bất cứ mục đích gì; tạm ngưng thả tôm sú giống để nuôi dưới mọi hình thức đến khi Ủy ban nhân dân tỉnh có chỉ thị mới.

2. Trong thời gian áp dụng biện pháp cắt vụ nuôi tôm sú, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tốt một số công việc như sau:

a) Sở Thủy sản, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản của tỉnh thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến môi trường, mùa vụ nuôi; kịp thời báo cáo UBND tỉnh theo dõi chỉ đạo.

- Quan hệ với các tỉnh cung ứng tôm sú giống, tạm ngưng việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với những lô tôm giống vận chuyển về Bến Tre trong thời gian cắt vụ.

- Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Thanh tra Sở phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

- Chỉ đạo Trung tâm Khuyến ngư tăng cường tần suất kiểm tra quan trắc môi trường, kịp thời thông báo kết quả cho các tổ chức, cá nhân nuôi tôm biết; hướng dẫn người nuôi tôm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, phương pháp quan sát, phát hiện dấu hiệu tôm bị nhiễm bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định.

b) UBND huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú:

- Báo cáo tình hình nuôi tôm sú trên địa bàn và sự cần thiết phải cắt vụ để Huyện ủy quan tâm lãnh đạo tổ chức cơ sở Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tại địa phương; đảng viên, đoàn viên, hội viên phải gương mẫu chấp hành và tích cực tham gia vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt nội dung Chỉ thị, đấu tranh ngăn chặn việc sản xuất, di nhập tôm giống vào địa bàn và thả nuôi trong thời gian áp dụng biện pháp cắt vụ.

- Chỉ đạo củng cố và tăng cường hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thủy sản chủ động kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm nội dung Chỉ thị này xảy ra trên địa bàn.

- Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có nuôi tôm sú, tăng cường quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng huyện, tỉnh để có biện pháp xử lý; đồng thời chỉ đạo các tổ nhân dân tự quản, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia giám sát chặt chẽ việc chấp hành nội dung Chỉ thị này.

c) Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng KHỞI và các Đài truyền thanh địa phương phổ biến rộng rãi nội dung Chỉ thị này cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm giống và nuôi tôm thông suốt để nghiêm chỉnh chấp hành.

d) Tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi tôm:

- Nếu tôm còn đang nuôi, chưa đến ngày thu hoạch phải chấp hành tốt quy trình nuôi, tăng cường quản lý ao nuôi, thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc môi trường của cơ quan chức năng, thông báo cho cơ quan chức năng khi tôm nuôi có biểu hiện nhiễm bệnh để có biện pháp hỗ trợ xử lý kịp thời.

- Nếu ao tôm đã thu hoạch, tập trung hoàn chỉnh hệ thống ao nuôi, ao xử lý cấp, thoát, ao hoặc khu vực chứa bùn cải tạo ao, chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho mùa vụ nuôi sắp tới khi Ủy ban nhân dân tỉnh có Chỉ thị mới.

- Không được xả thải bùn đáy ao vào các vùng nước tự nhiên trong quá trình cải tạo ao.

3. Công an tỉnh chỉ đạo cho các lực lượng trong ngành khi thi hành công vụ, phát hiện các trường hợp vận chuyển tôm sú giống trong thời gian cắt vụ thì tiến hành xử lý hoặc chuyển cho ngành Thủy sản xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Giao cho Sở Thủy sản chủ động phối hợp với UBND huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú khảo sát tình hình dịch bệnh, điều kiện về thời tiết, độ mặn, môi trường từng vùng nuôi, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị trước 30 ngày kể từ ngày cho phép sản xuất giống, di nhập, thả nuôi ở từng vùng nuôi, hình thức nuôi cụ thể.

Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành có liên quan, UBND các huyện, xã, trị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế các Chỉ thị số 21/2005/CT-UBND ngày 29/8/2005 của UBND tỉnh Bến Tre về việc áp dụng biện pháp cắt vụ để phòng ngừa dịch bệnh tôm; Chỉ thị số 27/2005/CT-UBND ngày 29/11/2005 của UBND tỉnh Bến Tre về việc cho phép tiếp tục sản xuất, kinh doanh và thả nuôi tôm sú trên địa bàn tỉnh Bến Tre./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Bảo