Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2011/CT-UBND

Nghệ An, ngày 24 tháng 5 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 (nay là Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010) của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, trong thời gian qua, công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đạt được nhiều kết quả, góp phần tích cực trong việc đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã được, công tác kiểm tra, xử lý văn bản vẫn còn một số hạn chế như: việc gửi văn bản sau khi ban hành cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chưa nghiêm túc; việc xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời; một số Sở, ban, ngành chưa chủ động tổ chức tự kiểm tra, xử lý văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành; một số văn bản do HĐND, UBND cấp huyện ban hành còn trái pháp luật về nội dung, sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là: một số Sở, ban, ngành cấp tỉnh và HĐND, UBND cấp huyện chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác kiểm tra và xử lý văn bản; đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra văn bản còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ...

Để công tác kiểm tra, xử lý văn bản trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng theo đúng quy định của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Tư pháp

a) Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra văn bản do UBND cấp tỉnh ban hành và công tác kiểm tra văn bản do HĐND, UBND cấp huyện ban hành;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu việc kiện toàn tổ chức pháp chế, bố trí cán bộ làm công tác kiểm tra văn bản tại các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;

c) Kiện toàn, phát huy vai trò, hiệu quả của đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản;

d) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản trên địa bàn tỉnh;

đ) Theo dõi, đôn đốc HĐND, UBND cấp huyện trong việc gửi văn bản đã ban hành về Sở Tư pháp để kiểm tra và xử lý kịp thời văn bản có nội dung trái pháp luật theo đúng quy định của pháp luật;

e) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, nắm bắt kịp thời thông tin về văn bản có nội dung trái pháp luật để tổ chức kiểm tra, xử lý;

g) Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu làm cơ sở pháp lý phục vụ cho việc kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền.

2. Văn phòng UBND tỉnh

Thực hiện nghiêm túc việc gửi văn bản do UBND tỉnh ban hành về Cục kiểm tra văn bản thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp để thực hiện chức năng kiểm tra và tự kiểm tra văn bản; tiếp tục tổ chức tốt việc phát hành Công báo, đăng tải văn bản trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản và hướng dẫn, kiểm tra việc lập, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác này.

4. Sở Nội vụ

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu, đề xuất bổ sung biên chế cho Phòng Kiểm tra và Theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc Sở Tư pháp; phối hợp tham mưu việc kiện toàn tổ chức pháp chế, bố trí cán bộ làm công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;

b) Hướng dẫn, kiểm tra UBND cấp huyện bảo đảm biên chế phù hợp cho Phòng Tư pháp và cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã để thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản.

5. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh

a) Thực hiện nghiêm túc, thường xuyên việc tự kiểm tra, xử lý văn bản thuộc lĩnh vực chuyên môn do ngành mình tham mưu ban hành để kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý những văn bản có nội dung trái pháp luật; kịp thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức việc tự kiểm tra, xử lý văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Tham gia Đoàn liên ngành kiểm tra văn bản khi có yêu cầu.

6. HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã

a) Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn;

b) Gửi đầy đủ, đúng thời hạn văn bản đã được ban hành về Sở Tư pháp để kiểm tra theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ;

c) Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra và tự kiểm tra văn bản; kịp thời xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản trái pháp luật do HĐND, UBND cấp mình hoặc cấp dưới ban hành;

d) Bố trí đủ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn để tham mưu thực hiện tốt công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản; bố trí trang thiết bị, cơ sở vật chất và kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản trên địa bàn;

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn HĐND, UBND cấp xã thực hiện nghiêm túc, có chất lượng công tác tự kiểm tra, xử lý văn bản;

e) Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý văn bản về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Thường trực HĐND và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để xem xét, giải quyết./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Thái Văn Hằng