Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 16/2015/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 10 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH CÁC GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TRƯỜNG LỚP MẦM NON Ở CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT

Quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và nhân dân; trong những năm gần đây, giáo dục mầm non đã phát triển về quy mô, mạng lưới trường, lớp và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường ở độ tuổi mầm non, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp một.

Từ năm 2008 đến nay, công tác chăm lo, phát triển giáo dục mầm non được các cấp, các ngành của Thành phố quan tâm thực hiện đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới trường lớp mầm non (bao gồm nhà trẻ, nhóm trẻ, trường, lớp mẫu giáo, trường mầm non) được mở rộng, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng mới khang trang, đáp ứng cơ bản nhu cầu nuôi dạy trẻ trên địa bàn Thành phố đã tăng về số lượng và ngày càng nâng cao về chất lượng. Giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển nhanh, nhất là ở các quận, huyện có dân cư phát triển, khu đông dân cư đã góp phần làm giảm tình trạng quá tải trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do tình hình tăng dân số cơ học diễn tiến quá nhanh dẫn đến số lượng trẻ trong tuổi mầm non tại các quận, huyện tăng cao, ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất (sau đây gọi chung là khu công nghiệp) nhu cầu gửi trẻ ở độ tuổi mầm non, nhất là độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) ngày càng tăng. Hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non cả công lập và ngoài công lập tuy có tăng về số lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều cơ sở có chất lượng còn rất hạn chế. Việc đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn về đất đai và kinh phí xây dựng trường.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu:

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện trên địa bàn Thành phố khi tham mưu xây dựng, phê duyệt quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố phải có quy hoạch về nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp, bố trí quỹ đất theo quy định tại Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế để xây dựng nhà ở cho người lao động, trong đó phải có một phần diện tích đất để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện

a) Rà soát, đánh giá và chỉ đạo thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, vốn vay và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non phục vụ nhu cầu của cán bộ và công nhân khu công nghiệp. Đối với các khu công nghiệp đang hoạt động nghiên cứu dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non.

b) Tham mưu các chính sách đặc thù của địa phương, trong đó chú ý chính sách thu hút nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để khuyến khích cá nhân, tổ chức phát triển cơ sở giáo dục mầm non.

c) Xây dựng cơ sở vật chất cho thuê để thành lập các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với phí cho thuê hợp lý, đủ khuyến khích ở những nơi không thể phát triển cơ sở giáo dục mầm non công lập.

d) Bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện các mục tiêu của Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020 và Quyết định số 2318/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

đ) Tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước trên địa bàn; rà soát, nắm chắc tình hình hoạt động của các trường, lớp mầm non, nhất là hoạt động của nhóm, lớp mầm non tư thục, các nhóm trẻ gia đình tại địa phương. Đặc biệt trong các khu công nghiệp.

e) Chủ trì phối hợp với Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp dành quỹ đất và triển khai nhanh chóng việc xây dựng các trường mầm non trong các khu công nghiệp phục vụ nhu cầu gởi trẻ của công nhân trên địa bàn.

3. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Rà soát, đánh giá và tham mưu việc thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non phục vụ nhu cầu của cán bộ và công nhân khu công nghiệp.

b) Chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020 và Quyết định số 2318/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

c) Chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố và các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các cơ quan đơn vị, công ty, trường học và các đơn vị trên địa bàn Thành phố nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.

d) Chủ trì tăng cường các biện pháp quản lý cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố, đảm bảo môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ lành mạnh, thân thiện và an toàn. Hàng năm chủ trì tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

đ) Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành, quận - huyện, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường mầm non, đặc biệt là tiến độ dành đất xây dựng các trường mầm non trong các khu công nghiệp của Thành phố. Tham mưu đề xuất các chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố, trong đó, chú ý chính sách thu hút nguồn nhân lực từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để khuyến khích cá nhân, tổ chức phát triển cơ sở giáo dục mầm non.

4. Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố

Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị liên quan rà soát các khu công nghiệp có khó khăn về nhà ở cho người lao động trên cơ sở đó, phối hợp với các Sở ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết để dành một phần diện tích đất cho việc xây dựng trường, lớp mầm non, đảm bảo đến năm 2020, đáp ứng cơ bản nhu cầu, trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

5. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu việc bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện các mục tiêu của Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020 và Quyết định số 2318/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Ưu tiên ngân sách cho giáo dục mầm non trong tổng chi ngân sách địa phương giao cho giáo dục hàng năm để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho thuê, cho mượn ở những nơi thực sự có nhu cầu cao về trường, lớp mầm non, trong đó có các Khu Công nghiệp, đồng thời đảm bảo không tăng biên chế giáo viên mầm non.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo cân đối vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, huy động vốn ODA và các nguồn vốn khác hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục mầm non theo các chương trình, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

Hướng dẫn Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để bảo đảm quỹ đất cho nhu cầu xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn; ban hành các quy định cụ thể về ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cấp đất xây dựng trường học.

8. Sở Xây dựng

Hướng dẫn việc xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, ban hành các quy chuẩn, tiêu chí kỹ thuật, thiết kế mẫu đối với khu nhà ở của công nhân đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu công nghiệp, để các địa phương và các đơn vị có liên quan căn cứ áp dụng. Hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các Chủ đầu tư trong việc xây dựng trường mầm non từ đất hạ tầng xã hội trong khu công nghiệp, đất tách ra từ khu công nghiệp và đất từ khu dân cư liền kề khu công nghiệp.

9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Hướng dẫn cụ thể về chính sách đối với lao động nữ quy định tại Khoản 6 Điều 153 và Khoản 4 Điều 154 Bộ luật Lao động, trong đó chú trọng đối với lao động tại các khu công nghiệp.

b) Chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó lưu ý đến các khu công nghiệp.

10. Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tập trung tháo gỡ khó khăn, tích cực thúc đẩy phát triển mạng lưới trường lớp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trường học, nhất là các trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục tại địa phương nhằm xây dựng thêm các trường mầm non tại các khu công nghiệp.

11. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông định hướng cho các cơ quan báo chí và thông tin truyền thông Thành phố tuyên truyền các chủ trương của Thành phố đối với giáo dục mầm non nói chung và giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp nói riêng, quan tâm giới thiệu những điển hình tốt và các công tác tháo gỡ khó khăn, tích cực thúc đẩy phát triển mạng lưới trường lớp, đẩy nhanh, tiến độ xây dựng các công trình trường học tại các khu công nghiệp, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục tại địa phương về xây dựng các trường mầm non tại các khu công nghiệp.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và các tổ chức đoàn thể thường xuyên tuyên truyền về thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp.

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở - ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện lập kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Cục kiểm tra văn bản – Bộ tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ và các Đoàn thể TP;
- Sở, ban, ngành thành phố;
- UBND quận, huyện;
- UBND phường, xã, thị trấn;
- Các Tổng công ty, Công ty thuộc TP;
- Các Báo, Đài Trung ương và TP;
- VPUB: CPVP, các phòng CV, TTCB;
- Lưu: VT, (VX-Nh) XP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân