Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Bắc Kạn, ngày 29 tháng 8 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM HỌC 2013-2014

Năm học 2012-2013, với sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, địa phương và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, Ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua, tăng cường đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học đã đề ra. Tuy vậy, vẫn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót cần phải có giải pháp khắc phục khẩn trương và đồng bộ hơn nữa.

Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém; thực hiện Chỉ thị số: 3004/CT-BGDĐT ngày 15/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013 - 2014, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ động phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai kịp thời và đầy đủ các nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2013-2014 theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tập trung vào các nhiệm vụ sau đây:

1.1. Về công tác quản lý giáo dục

- Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ X, Kết luận số: 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chỉ thị số: 02/CT-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục ở các địa phương. Tập trung thực hiện Chương trình hành động của Ngành Giáo dục về thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011- 2020 theo Quyết định số: 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hành động số: 09-CTr/TU ngày 20/02/2013 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về việc thực hiện Kết luận hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiêp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tăng cường thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về giáo dục.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó chú trọng thực hiện cải cách thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp quản lý, hoàn thiện cơ chế phối hợp quản lý giáo dục giữa các Sở, Ban, Ngành và địa phương; tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục địa phương theo Nghị định số: 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, tập huấn hoạt động xây dựng, thực hiện quy hoạch nhân lực Ngành Giáo dục của các địa phương.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục đào tạo, xử lý nghiêm các vi phạm gắn với việc xem xét trách nhiệm quản lý và danh hiệu thi đua của tập thể, cá nhân thủ trưởng cơ sở giáo dục để xảy ra các tiêu cực và thông báo công khai trước công luận.

- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị và tổ chức các hoạt động giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tổ chức hội nghị, hội thảo của các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường.

1.2. Về tổ chức hoạt động giáo dục

a) Nhiệm vụ chung của các cấp học

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số: 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị gắn với việc tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho Ngành Giáo dục (15/10/1968-15/10/2013); tiếp tục đưa nội dung các cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thành các hoạt động thường xuyên của ngành.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số: 367/KH-UBND ngày 02/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số: 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Công văn số: 5571/BGDĐT-TTr ngày 13/8/2013 của Bộ GD và ĐT về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số: 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo từ năm học 2013 - 2014; Chỉ thị số: 2325/CT-BGDĐT ngày 28/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1; Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020; Quyết định số: 1398/2012/QĐ-UBND ngày 12/9/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

- Tăng cường các giải pháp đồng bộ, thiết thực, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt với các trường ở vùng đặc biệt khó khăn.

- Chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống và kĩ năng sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên; giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, giáo dục về chủ quyền biển, đảo, tiết kiệm năng lượng; tăng cường công tác quản lý, phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.

- Tiếp tục triển khai tự đánh giá và đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục, công nhận các cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng.

- Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, học sinh ở miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các hoạt động giáo dục. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng gắn với hiệu quả tổ chức các hoạt động giáo dục.

b) Giáo dục mầm non

- Củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường học 2 buổi/ngày. Tăng cường đầu tư xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

- Tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ nhà trẻ và mẫu giáo, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn.

- Tập trung ưu tiên các nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ đã đề ra.

c) Giáo dục phổ thông

- Tiếp tục tập trung chỉ đạo đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và giáo dục, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; tăng cường bồi dưỡng học sinh khá, giỏi; phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém; tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục phổ thông.

- Tiếp tục triển khai mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), nhân rộng mô hình này theo các mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện của địa phương. Thực hiện Đề án “Triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột ở trường phổ thông giai đoạn 2011-2015”. Áp dụng dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục ở một số cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo điều kiện của địa phương.

- Tiếp tục chỉ đạo điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản; xây dựng và triển khai dạy học các chủ đề tích hợp liên môn; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng tốt kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; phát động sâu rộng cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học; tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp trong các trường trung học.

- Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh; phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong trường học.

d) Giáo dục thường xuyên

- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập theo Quyết định số: 997/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc Phê duyệt Kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020.

- Củng cố mô hình hoạt động trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện theo hướng mỗi huyện có một trung tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ: Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề; Mở rộng việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề; Củng cố hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân trong cộng đồng; Kết hợp trung tâm học tập cộng đồng với trung tâm văn hóa - thể thao xã nhằm giúp trung tâm hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững.

- Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục thường xuyên, ưu tiên những địa bàn thuộc vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường nền nếp, kỷ cương, hiệu quả hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học.

đ) Giáo dục chuyên nghiệp

- Mở rộng quy mô, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, các hình thức đào tạo và các loại hình trường trung cấp chuyên nghiệp gắn với bảo đảm chất lượng đào tạo, phù hợp với khả năng cung ứng nhân lực của cơ sở đào tạo và quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ, Ngành và địa phương. Đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và đánh giá kết quả học tập của người học. Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động thành lập và cho phép trường trung cấp chuyên nghiệp hoạt động giáo dục, thực hiện quy chế đào tạo, mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp.

1.3. Về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

- Tiếp tục chăm lo và đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chuẩn hóa trong đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nhà giáo các cấp; triển khai thực hiện Đề án quy hoạch nguồn nhân lực của Ngành Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức có hiệu quả công tác bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên; đặc biệt, thực hiện có hiệu quả Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tổ chức đánh giá, phân loại giáo viên và cán bộ quản lý theo Chuẩn cán bộ quản lý, giáo viên đã ban hành.

- Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đặc biệt là giáo viên mầm non, giáo viên đang công tác tại vùng miền núi và vùng đặc biệt khó khăn.

1.4. Về tăng cường nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục

- Tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục kết hợp với đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.

- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia; tiếp tục thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020, Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2011-2015, quy hoạch và xây dựng các trường PTDT bán trú. Thực hiện tốt công tác thiết bị và thư viện trường học.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án, Chương trình và Dự án về giáo dục đào tạo.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn phối hợp với chính quyền cùng cấp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị này.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, phương tiện thông tin đại chúng ở các địa phương kịp thời theo dõi đưa tin về hoạt động của Ngành Giáo dục; tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về cuộc vận động xã hội hóa giáo dục, nhất là các gương người tốt, việc tốt trong phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã: Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp với các đơn vị trường học vận động toàn dân quan tâm đưa trẻ đến trường, tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm ổn định việc dạy - học và tổ chức khai giảng năm học mới 2013 - 2014 theo Quyết định số: 1033/QĐ-UBND ngày 05/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2013 - 2014 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tỉnh Bắc Kạn.

Yêu cầu các Sở, Ban, Ngành; các đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai Chỉ thị này. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo đôn đốc, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ tháng, quý, năm./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Triệu Đức Lân