Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
 TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Hải Dương, ngày 21 tháng 06 năm 2016.

 

CHỈ THỊ

VỀ CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Trong thời gian vừa qua công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, giúp các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả; tăng cường pháp chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện cơ chế quản lý; bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp góp phần đưa các hoạt động quản lý nhà nước và sản xuất, kinh doanh đi vào trật tự, kỷ cương. Song, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, gần đây có hiện tượng thanh tra, kiểm tra, xác minh trùng lặp, chồng chéo về nội dung giữa các cơ quan có chức năng; hoặc tiến hành kiểm tra mà không có quyết định, tùy tiện kéo dài thời gian thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ. Vẫn còn tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, trục lợi, gây khó khăn, phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để khắc phục, chấn chỉnh những tình trạng nêu trên trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp và Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã:

a) Tập trung chỉ đạo, quán triệt sâu sắc cho các lực lượng có chức năng thanh tra, kiểm tra thuộc phạm vi quản lý của Sở, ngành, địa phương mình về mục đích, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phạm vi, phương thức, nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra và đạo đức công vụ.

b) Trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật, tránh trùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Chỉ đạo Chánh Thanh tra phải làm tốt chức năng đầu mối, tổng hợp chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan thuộc quyền quản lý của Sở, ngành và của huyện, thị xã, thành phố; loại bỏ sự trùng lặp về nội dung, thời điểm, đối tượng thanh tra, kiểm tra ngay từ khâu xây dựng chương trình, kế hoạch. Tránh sự lợi dụng, lạm dụng việc thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

c) Gửi dự thảo kế hoạch thanh tra hàng năm về Thanh tra tỉnh đúng thời gian quy định để rà soát, xử lý trùng lặp trước khi phê duyệt; khi điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra phải gửi Thanh tra tỉnh để biết và theo dõi.

d) Không tiến hành thanh tra, kiểm tra quá một lần tại một doanh nghiệp trong một năm (trừ trường hợp thanh tra lại). Khi kết thúc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp phải có báo cáo kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra bằng văn bản về nội dung đã được thanh tra, kiểm tra. Không để xảy ra tình trạng có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của một Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tại một doanh nghiệp trong một năm.

đ) Đối với các doanh nghiệp cần thanh tra, kiểm tra về nhiều lĩnh vực, nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị thì phải phối hợp để tham mưu báo cáo UBND tỉnh thành lập Đoàn liên ngành nhằm giảm bớt số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; tránh việc nhiều đoàn cùng vào thanh tra, kiểm tra tại một doanh nghiệp trong cùng một năm.

e) Việc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại doanh nghiệp chỉ được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng, khi cơ quan Nhà nước cấp trên có thẩm quyền có yêu cầu, hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất tại doanh nghiệp phải ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời phải báo cáo Chủ tịch UBND cùng cấp biết, chỉ đạo.

2. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn các Sở, ngành, UBND cấp huyện xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm; tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về công tác thanh tra; tổng hợp, đánh giá tình hình, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra.

b) Chủ trì việc rà soát, thống nhất kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong toàn tỉnh; tổng hợp, xử lý trùng lắp trong kế hoạch thanh tra giữa các cơ quan Thanh tra trong tỉnh; đồng thời chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Đoàn liên ngành trong trường hợp thanh tra, kiểm tra về nhiều lĩnh vực, nội dung tại một doanh nghiệp.

3. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật. Chỉ thực hiện kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc tiếp cận các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu của doanh nghiệp trong trường hợp thực sự cần thiết và phải có quyết định hoặc kế hoạch xác minh, điều tra của Thủ trưởng cơ quan Công an, Cảnh sát có thẩm quyền; đồng thời chịu trách nhiệm về những vi phạm trong công tác kiểm tra của lực lượng do mình trực tiếp phụ trách.

4. Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn (Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Kho Bạc Nhà nước tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh...) có trách nhiệm phối hợp các hoạt động thanh tra, kiểm tra về tài chính, thuế, bảo hiểm xã hội; phối hợp với các Sở ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo ngay từ khi xây dựng chương trình, kế hoạch; gửi kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm về Thanh tra tỉnh để phối hợp, xử lý trùng lặp.

5. Các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện phổ biến, tuyên truyền cho các doanh nghiệp nắm rõ các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đúng quy định của pháp luật.

6. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật; tự giác thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước; nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định thanh tra, kết luận thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp được quyền sử dụng văn bản kết luận của Đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã làm trong năm như một cơ sở pháp lý để đề nghị cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm tra rút những nội dung thanh tra, kiểm tra trùng lặp.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- Báo Hải Dương, Đài PT-TH Hải Dương;
- UBND các huyện, TP, TX;
- Các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- TT Công báo - Tin học VP UBND tỉnh;
- CV Văn phòng UBND tỉnh (đ/c Chình);
- Lưu: VT, KHTH, CV. Hùng (100b).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Dương Thái