Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 07 năm 2017

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ THỰC THI PHÁP LUẬT THỦY SẢN TẠI ĐỊA BÀN, CƠ SỞ TRONG TOÀN TỈNH

Trong những năm qua, các công tác quản lý và phòng chống, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Các hành vi khai thác thủy sản bằng chất nổ, chất độc trên địa bàn tỉnh đã được khống chế khá triệt để; Các khu bảo vệ thủy sản được thành lập, nguồn lợi thủy sản dần được phục hồi. Tuy nhiên, tình trạng tàu giã cào có công suất lớn xâm hại vùng biển ven bờ và đầm phá vẫn còn diễn ra phức tạp; việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản trên các vùng nước nội đồng, ao hồ, sông suối và đầm phá vẫn còn diễn ra thường xuyên; các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông, đầm phá, cửa biển tự phát, không khai báo, đăng ký, đang phát triển tự phát quá mức và gây ô nhiễm môi trường. Các hoạt động vi phạm pháp luật về thủy sản đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ; đến quá trình sinh sản, sinh trưởng, di cư của các loài thủy hải sản; đến công tác tổ chức sản xuất, kiểm soát dịch bệnh và phát triển thủy sản của các địa phương, cơ sở.

Để Tăng cường công tác quản lý và thực thi pháp luật thủy sản tại địa bàn, cơ sở trong toàn tỉnh đạt hiệu quả, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.

- Củng cố nhiệm vụ quản lý thủy sản trong các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng Kinh tế thị xã và thành phố Huế. Hàng năm phải bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng chống vi phạm pháp luật thủy sản.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có vùng nước tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật thủy sản đến các cộng đồng dân cư, qua đó nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xã hội. Địa phương nào còn xảy ra nhiều hành vi khai thác thủy sản trái phép, thì chủ động thành lập Ban Chỉ đạo để tập trung giải quyết.

- Tổ chức triển khai thực hiện các Quyết định số 60/2016/QĐ-UBND, ngày 30/8/2016 của UBND tỉnh “Quy định nuôi cá lồng, bè trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” và Quyết định số 84/2016/QĐ-UBND, ngày 15/12/2016 của UBND Tỉnh ban hành “Quy chế quản lý hoạt động khai thác thủy sản đầm phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

2. Công an tỉnh: chỉ đạo Phòng Cảnh sát Đường thủy, Cảnh sát Môi trường, Công an huyện, thị xã, thành phố Huế tập trung xử lý các đối tượng cộm cán, bất hảo, chuyên dùng ghe thuyền xung điện lớn, từ thành phố Huế; xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà; xã Phú Mậu, huyện Phú Vang và thượng nguồn sông Ô Lâu... xuống đầm phá, càn quét nguồn lợi thủy sản theo kiểu băng nhóm, áp chế cả lực lượng quản lý và cộng đồng địa phương.

3. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: chủ trì ra quân truy quét tàu giã cào xâm hại vùng biển ven bờ, đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân trên vùng biển được giao quản lý, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo Chi cục thủy sản hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các Chi hội nghề cá cơ sở về nghiệp vụ kiểm tra, tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản để chủ động bảo vệ ngư trường và các Khu Bảo vệ thủy sản đã được giao quyền. Đồng thời phối hợp với các lực lượng Cảnh sát Đường thủy, Cảnh sát Môi trường, Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi sử dụng xung điện để khai thác thủy sản, xử lý tàu giã cào xâm hại vùng biển ven bờ của Tỉnh.

- Chỉ đạo Chi cục thủy sản giám sát các địa phương công tác đăng ký hoạt động nuôi cá lồng trên đầm phá, các tuyến sông, hồ; phối hợp với UBND các huyện, thị xã xử lý nghiêm tình trạng nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch; xây dựng và hình thành các mô hình quản lý nguồn lợi, nuôi trồng thủy sản dựa vào cộng đồng do địa phương quản lý.

5. Sở Tài chính: cân đối tham mưu bố trí kinh phí sự nghiệp hàng năm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan để thực hiện các hoạt động phòng chống tàu vi phạm pháp luật thủy sản, đặc biệt giã cào xâm hại vùng biển ven bờ.

Yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện ngay các nội dung nêu trên, định kỳ gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện của địa phương, đơn vị mình về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh vào cuối tháng 6 và tháng 12 hàng năm./.

 


Nơi nhận:
- Như nội dung CT;
- Thường vụ Tỉnh ủy (để báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (để báo cáo);
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- VP: Lãnh đạo, CV TC;
- Lưu VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương