ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UBND | Quảng Ngãi, ngày 08 tháng 10 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, PHÒNG, CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG CHO VAY, CẦM CỐ TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, nổi lên là hoạt động của các đối tượng lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty, cơ sở đầu tư tài chính để cho vay nặng lãi, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và hoạt động “Tín dụng đen” với đặc trưng cơ bản là vay và cho vay tiền không thông qua hệ thống ngân hàng hay tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính chính thức, huy động vốn trá hình.
Thủ đoạn hoạt động của các nhóm đối tượng trên là lợi dụng tâm lý hám lợi nhuận của người dân để huy động vốn với số lượng lớn rồi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc dưới danh nghĩa các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; các công ty, cơ sở đầu tư tài chính cho vay lãi nặng dưới hình thức thế chấp tài sản, các cá nhân muốn vay tiền chỉ cần mang giấy tờ, tài sản và chứng minh nhân dân đến vay tiền, hạn mức cho vay mà các công ty, cơ sở đưa ra từ 80% đến 100% giá trị tài sản, sau đó các đối tượng không cầm cố tài sản của người vay mà chỉ giữ giấy tờ, tài sản và viết giấy cho thuê lại tài sản với lãi cao gấp nhiều lần so với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, các đối tượng còn tổ chức phát, dán tờ rơi tại các địa điểm công cộng nhằm lừa người dân vay tiền với lãi suất cao; khi người vay không còn khả năng chi trả, các đối tượng sẽ sử dụng băng, nhóm, đối tượng hình sự, người nghiện ma túy để siết nợ, đe dọa, khủng bố tinh thần, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân.
Hệ lụy của “Tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cho vay lãi nặng, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng; đồng thời, là điều kiện phát sinh, gia tăng của hàng loạt các loại tội phạm khác, là nguồn phát sinh, hình thành các băng, nhóm tội phạm hoạt động mang tính côn đồ, bạo lực gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, chủ động phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động “Tín dụng đen” và kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các đơn vị, địa phương, Chủ tịch UBND huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc chấp hành chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn. Thường xuyên phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự; không cầm cố tài sản với mục đích không rõ ràng; không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, “Tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để vi phạm pháp luật.
2. Công an tỉnh
a) Thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật; chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện và tập trung đấu tranh triệt phá các băng, nhóm, đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng, “Tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ vi phạm pháp luật, nhất là các băng, nhóm tội phạm có biểu hiện hoạt động bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn, không để các đối tượng cấu kết, móc nối, núp bóng dưới danh nghĩa các công ty, doanh nghiệp, cơ sở để thâu tóm địa bàn, phân chia lợi nhuận hoặc có hoạt động “Tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.
b) Siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với những cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật; làm tốt công tác kiểm tra, thu hồi và tuyên truyền, vận động Nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
c) Phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; tích cực tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp và Nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, nhất là những đối tượng có biểu hiện huy động vốn của nhiều người với số lượng lớn hoặc chuyên cho vay lãi nặng.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ngãi:
Tiếp tục triển khai và chỉ đạo các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại theo mục tiêu, định hướng phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng đến năm 2020; tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến hết năm 2020”; rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đổi mới quy trình huy động và cho vay vốn theo hướng đơn giản hóa thủ tục nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất là để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên trong thực thi công vụ, không tiếp tay hoặc tham gia hoạt động “Tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong điều tra các vụ việc, vụ án liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ công tác đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hậu kiểm việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND các huyện, thành phố kiểm soát chặt chẽ công tác đăng ký kinh doanh đối với các hộ kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Thông tin và Truyền thông:
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về in, quảng cáo trên các trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng hoặc hành vi tán phát tờ rơi quảng cáo trái pháp luật liên quan đến “Tín dụng đen” làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội theo quy định của pháp luật.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp số 1017/QCPH-CAT-GDĐT, ngày 14/11/2016 giữa Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng tỉnh Quảng Ngãi về thực hiện các giải pháp đảm bảo ANTT, xây dựng trường học an toàn; phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, yêu cầu cam kết chấp hành nghiêm pháp luật, không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, không cầm cố, thế chấp tài sản trái pháp luật, vay tiền của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, không hoạt động “Tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, phòng ngừa sai phạm.
7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động nắm vững các chính sách, quy định của pháp luật trong hoạt động vay và cho vay, gắn liền với công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tăng cường quản lý và đảm bảo quyền lợi, giúp người lao động có việc làm ổn định; hướng dẫn họ vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính hợp pháp khi có nhu cầu chính đáng.
8. Sở Tư pháp:
Phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về hình sự, xử phạt vi phạm hành chính và các nội dung pháp luật khác liên quan đến các hành vi phát tờ rơi, treo, dán quảng cáo nội dung “Tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật có liên quan đến nội dung này cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền tại cơ sở.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh:
Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, kinh doanh dịch vụ cầm đồ; thường xuyên quan tâm đến cán bộ, đoàn viên, hội viên để kịp thời phát hiện và hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vay vốn chính đáng hoặc hướng dẫn họ vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính hợp pháp. Thực hiện vai trò giám sát ngay từ địa bàn khu dân cư, vận động Nhân dân giám sát và tố giác các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Chỉ đạo lực lượng đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, phối hợp lượng lượng Công an cơ sở đồng loạt ra quân tháo gỡ, tẩy xóa tất cả bảng hiệu, giấy quảng cáo, các tờ rơi, pa nô, áp phích liên quan đến “Tín dụng đen”, không để người dân tiếp xúc, tiếp cận.
10. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh:
Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là những vụ liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, đảm bảo xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Trong quá trình tiến hành tố tụng chú ý làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh loại tội phạm trên để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền đề ra các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tội phạm; đồng thời tăng cường giải quyết, xét xử dứt điểm các vụ án điểm nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
11. Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc chấp hành chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn. Thường xuyên phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự; không cầm cố tài sản với mục đích không rõ ràng; không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay nặng lãi, “Tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để vi phạm pháp luật.
12. UBND các huyện, thành phố
a) Tổ chức quán triệt Chỉ thị này đến từng cơ quan thuộc huyện, thành phố để triển khai thực hiện đạt hiệu quả; đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân và yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn, nghiêm cấm việc tham gia hoạt động “Tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, kinh doanh dịch vụ cầm đồ để vi phạm pháp luật; thông tin rộng rãi, kịp thời về các hoạt động vay vốn ưu đãi, các quỹ hỗ trợ của Nhà nước để Nhân dân biết và tiếp cận nguồn vốn vay.
b) Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định chặt chẽ hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các hộ kinh doanh dịch vụ cầm đồ; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hậu kiểm và kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với những cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.
13. Tổ chức thực hiện
a) Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoặc có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Định kỳ hàng năm (trước ngày 15/11), báo cáo kết quả cho UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp báo cáo theo quy định.
b) Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thực hiện và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 107/KH-UBND 2018 thực hiện Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người” do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 2 Kế hoạch 2574/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 3 Chỉ thị 01/2014/CT-UBND tiếp tục tăng cường biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội do thành phố Cần Thơ ban hành
- 1 Kế hoạch 107/KH-UBND 2018 thực hiện Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người” do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 2 Kế hoạch 2574/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 3 Chỉ thị 01/2014/CT-UBND tiếp tục tăng cường biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội do thành phố Cần Thơ ban hành