Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 04 tháng 11 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHĂN NUÔI AN TOÀN SINH HỌC, KIỂM SOÁT TÁI ĐÀN LỢN ĐỂ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nên công tác phòng, chống dịch bệnh đã đạt được những kết quả quan trọng, vừa đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, vừa đảm bảo lưu thông sản xuất; sau hơn 8 tháng xảy ra dịch bệnh, toàn tỉnh vẫn tiêu thụ được trên 1.019 nghìn con lợn và duy trì được tổng đàn chăn nuôi lợn trên 955 nghìn con. Tuy nhiên, diễn biến dịch tả lợn Châu Phi còn rất phức tạp, hàng ngày toàn tỉnh phải tiêu hủy hàng ngàn con lợn. Số lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Trong điều kiện giá thịt lợn hơi tăng nhanh, nếu không tập trung chỉ đạo, tổ chức kiểm soát chặt chẽ tái đàn, vẫn để các hộ, cơ sở chăn nuôi chưa đủ điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh vẫn tái đàn thì không thể ngăn chặn, đẩy lùi dịch tả lợn Châu Phi, hơn nữa ngân sách không thể đáp ứng được nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hộ có lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy và người chăn nuôi cũng chịu rủi ro lớn.

Để triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ, các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nội dung sau:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng thông tin, tuyên truyền sâu rộng về tính chất nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; hiệu quả của chăn nuôi an toàn sinh học; việc thực hiện tái đàn có điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019, UBND tỉnh tại Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 21/02/2019, Sở Nông nghiệp và PTNT tại các công văn số 3727/HD-SNN&PTNT và 3734/SNN&PTNT-CN ngày 27/9/2019.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

2.1. Tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên khử trùng, tiêu độc và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2.2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi của các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là công tác tái đàn lợn; kiên quyết không thực hiện tái đàn đối với các hộ chăn nuôi không đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, nhằm hạn chế xảy ra rủi ro, thiệt hại do dịch có thể tái phát.

2.3. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi lợn, trường hợp tái đàn phải báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã. Kể từ ngày 10/11/2019, các cơ sở chăn nuôi tái đàn chưa được Chủ tịch UBND cấp xã đồng ý mà xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thì không được hỗ trợ thiệt hại từ nguồn ngân sách Nhà nước.

2.4. Tập trung chỉ đạo chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; khuyến cáo đến các chủ trang trại nâng cấp, sửa chữa hệ thống chuồng trại, hạ tầng chăn nuôi lợn và có biện pháp xử lý chất thải hữu hiệu để cơ sở chăn nuôi đáp ứng điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

2.5. Tập trung hướng dẫn, khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi lợn bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã được tiêu hủy và tiêu độc khử trùng toàn bộ khu chăn nuôi, không nên tiếp tục chăn nuôi lợn mà chuyển sang chăn nuôi các loại vật nuôi khác như chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi trâu, bò hoặc để trống chuồng trại một thời gian đủ dài để cắt đứt mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường để dịch bệnh không bị tái nhiễm trên đàn lợn mới tái đàn.

Người đứng đầu các địa phương, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng tái đàn tự phát, tái đàn lợn khi chưa đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm quy định, điều kiện về tái đàn lợn; các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

4. Các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và các bệnh lây lan từ động vật sang người, các Tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 3780/QĐ-UBND ngày 23/9/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các địa phương.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các chủ trang trại, hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, quy định chăn nuôi an toàn sinh học, việc thực hiện tái đàn đảm bảo các điều kiện theo quy định; đồng thời, tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, thiếu tích cực, buông lỏng trong công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, đơn vị, các tổ chức, cá nhân liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị này, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất (nếu có), gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- VPCP, Bộ NN&PTNT (để b/c);
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy (để b/c):
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên BCĐ phòng, chống dịch tỉnh;
- Các Tổ công tác phòng, chống bệnh DTLCP;
- Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Lưu: VT, NN. (524.2019)

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Xứng