Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 162-CT

Hà Nội, ngày 03 tháng 5 năm 1985

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC

Trong những năm qua, công tác bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức do tổ chức công đoàn quản lý đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả.

Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại cần khắc phục:

1. Nhiều cơ quan xí nghiệp, nông trường, lâm trường (nhất là ở cấp huyện, quận thuộc các tỉnh phía Nam) chưa chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức; chưa thực hiện đúng việc trích nộp quỹ tiền lương cho quỹ bảo hiểm xã hội, thường giữ lại tiền quỹ để chi tiêu, hoặc sau khi trích chi xong, còn thừa tiền cũng không nộp cho cơ quan quản lý cấp trên. Một số đơn vị tuy có trích nộp, nhưng thu không đúng thành phần quỹ tiền lương. Do đó quỹ bảo hiểm xã hội để chi cho các chế độ, chính sách và các hoạt động về bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức vốn đã thiếu lại càng thiếu, thường xuyên hàng năm Nhà nước phải cấp bù.

2. Hoạt động của nhiều nhà nghỉ của công đoàn hiện nay không ổn định, hoặc hoạt động không hết công suất, một phần lúng túng về nội dung, hình thức hoạt động nhưng phần khó khăn trở ngại nhất là do điều kiện về lương thực, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác cho nhà nghỉ không được bảo đảm ổn định. Quỹ bảo hiểm xã hội không đủ bù đắp cho giá cả thị trường ngày một tăng. Mức ăn hàng ngày, theo chế độ quy định của Nhà nước đối với công nhân, viên chức đến nhà nghỉ ngày một giảm sút, không đáp ứng yêu cầu phục vụ công nhân viên chức có thành tích sản xuất, công tác đến nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khoẻ.

Để khắc phục những tồn tại trên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu:

1. Các cơ quan xí nghiệp, nông, lâm trường cần chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức đã được Nhà nước ban hành; trích nộp đầy đủ kịp thời kinh phí cho quỹ bảo hiểm xã hội, không được giữ lại ở địa phương và đơn vị sử dụng tuỳ tiện. Kinh phí trích được sau khi đã chi về bảo hiểm xã hội và quyết toán xong, nếu còn thừa phải nộp cho cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm xã hội.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn các cơ quan tài chính, ngân hàng địa phương phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, xí nghiệp, nông, lâm trường trích nộp kinh phí bảo hiểm xã hội đúng thời hạn, đúng thể lệ về tài chính của Nhà nước; đồng thời quy định những biện pháp xử lý đối với những cơ quan, đơn vị không thực hiện đúng việc trích nộp kinh phí bảo hiểm xã hội.

Bộ Tài chính, Bộ Lao động cần có văn bản thống nhất hướng dẫn các cơ quan, xí nghiệp nông, lâm trường về những khoản phụ cấp và tiền thưởng ghi vào thành phần quỹ tiền lương để thu nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội.

2. Theo quy định của điều lệ về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức, các bộ phận tài vụ, thống kê, lao động và tiền lương của các cơ quan, xí nghiệp, nông, lâm trường có trách nhiệm phục vụ cho công tác bảo hiểm xã hội của đơn vị đó. Thủ trưởng của các đơn vị ấy cần chỉ đạo các bộ phận trên thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ đã được quy định.

3. Bộ Y tế cần hướng dẫn thực hiện tốt hơn nữa việc tổ chức khám chữa bệnh đối với công nhân, viên chức ở các cơ quan, xí nghiệp, nông, lâm trường (nhất là đối với những đơn vị ở nơi hẻo lánh, xa đô thị), bảo đảm cho công nhân, viên chức khi ốm đau được săn sóc kịp thời, chu đáo, chống mọi biểu hiện tiêu cực.

Thủ trưởng của từng cơ quan, xí nghiệp, nông, lâm trường có trách nhiệm cùng ngành y tế, tổ chức tốt việc chăm lo sức khoẻ và khám chữa bệnh cho công nhân, viên chức thuộc đơn vị mình.

4. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Lương thực, Bộ Nội thương, và các địa phương có nhà nghỉ của công đoàn, cần tạo điều kiện cho các nhà nghỉ của công đoàn nhận được lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác theo giá bán lẻ ổn định của Nhà nước.

Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và báo cáo Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng kết quả thực hiện chỉ thị này.

 

 

Trần Phương

(Đã ký)