THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2002/CT-TTg | Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2002 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THI HÀNH LUẬT DOANH NGHIỆP
Trong hơn hai năm qua, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp đã có nhiều nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp đã tạo nên một bước chuyển biến mạnh mẽ về đổi mới tư duy kinh tế, về cải cách hành chính; tạo thêm động lực mới, giải phóng sức sản xuất, huy động nội lực; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân, được nhân dân trong nước đồng tình, ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, thực tế thi hành Luật Doanh nghiệp hai năm qua cho thấy vẫn còn nhiều mặt chưa có chuyển biến tích cực nên đã hạn chế hiệu lực và tác động của Luật Doanh nghiệp. Một số văn bản cần thiết hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp chậm được ban hành; có những văn bản ban hành nội dung không phù hợp, thậm chí trái với quy định của Luật Doanh nghiệp; nhận thức và tổ chức chỉ đạo thực hiện Luật Doanh nghiệp ở một số Bộ, ngành, địa phương còn thụ động, chưa đầy đủ, chưa thống nhất.
Một số doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp chưa ý thức đầy đủ về việc cần thiết phải chấp hành đúng, còn có biểu hiện cố ý làm trái quy định của Luật Doanh nghiệp; chưa coi việc chấp hành đúng Luật Doanh nghiệp là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; ý thức chấp hành các quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp nhìn chung chưa cao.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc thi hành Luật Doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX và để triển khai cụ thể khoản 3 Nghị quyết số 07/2002/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Trong quý IV/2002 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ dự thảo Nghị định về việc làm, trong đó quy định điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu việc làm.
2. Trong quý III/2002: Bộ Thuỷ sản ban hành Thông tư hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản; Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ pháp lý; Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch quy định về việc xác định nhân thân người thành lập doanh nghiệp.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a- Tiếp tục mở rộng diện kết nối mạng thông tin doanh nghiệp đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tăng cường năng lực Trung tâm thông tin doanh nghiệp để khai thác tốt các chức năng của trang Web doanh nghiệp Việt Nam; xây dựng Quy chế cung cấp thông tin doanh nghiệp cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
b- Phối hợp với Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, các Bộ, ngành và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để tập hợp đầy đủ danh mục giấy phép có hiệu lực và chế độ quản lý giấy phép, chuẩn bị Nghị định trình Chính phủ trong quý IV/2002 về công bố danh mục các giấy phép có hiệu lực, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý các cấp, coi việc phát triển kinh tế tư nhân nói riêng, kinh tế dân doanh nói chung là một trọng tâm công tác và việc thực hiện, phát huy tác dụng của Luật Doanh nghiệp trên phạm vi địa phương chính là biện pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mình. Đồng thời triển khai gấp một số công việc sau:
a- Rà soát, bãi bỏ tất cả các quyết định hành chính đã ban hành dưới các hình thức khác nhau về việc tạm ngừng đăng ký kinh doanh những ngành, nghề không thuộc đối tượng cấm kinh doanh theo quy định của các Luật, Pháp lệnh và Nghị định đã được ban hành. Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư bãi bỏ ngay các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký kinh doanh trái với quy định của Luật Doanh nghiệp.
b- Bãi bỏ hoặc sửa đổi các quy hoạch về phát triển ngành, nghề trên địa bàn thiếu luận cứ khoa học, không còn phù hợp với thực tiễn nhằm tạo sự bình đẳng, phát huy tính sáng tạo và huy động nội lực phát triển sản xuất, kinh doanh.
c- Củng cố và tăng cường năng lực của Phòng đăng ký kinh doanh trong Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật. ở cấp huyện, củng cố bộ phận chuyên trách có đủ năng lực quản lý công tác đăng ký kinh doanh. Phòng đăng ký kinh doanh và các bộ phận này phải được tổ chức theo hệ thống thống nhất để cập nhật đầy đủ thông tin về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ, cung cấp các thông tin cần thiết cho doanh nghiệp.
d- Định kỳ tổ chức các cuộc gặp gỡ đối thoại trực tiếp giữa các Sở, Ban, ngành, ủy ban nhân dân quận, huyện với doanh nghiệp tại địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền (6 tháng hoặc 1 năm một lần): về mặt bằng kinh doanh; về chế độ hưởng ưu đãi đầu tư; vay tín dụng ưu đãi đầu tư, vay vốn; cấp các loại giấy phép kinh doanh, đầu tư; thuế; tiêu thụ sản phẩm....
đ- Chỉ đạo các Sở, ủy ban nhân dân quận, huyện trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các doanh nghiệp lợi dụng, cố ý làm trái hoặc không thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
5. Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp:
a- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về Luật Doanh nghiệp , các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp cho chủ doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước có liên quan.
b- Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi việc ban hành, triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương. Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Luật Doanh nghiệp trên phạm vi cả nước: về những mặt được, chưa được, những khó khăn trở ngại trong việc thực hiện Luật Doanh nghiệp và kiến nghị các biện pháp xử lý kịp thời.
c) Tổ chức nghiên cứu, đề xuất biện pháp khắc phục, giải quyết được các ách tắc, tạo môi trường thuận lợi chung cho các doanh nghiệp phát triển một cách bình đẳng: về mặt bằng sản xuất kinh doanh, về vốn, về thông tin, tiếp thị...; phát hiện, tổng kết kinh nghiệm tốt ở một số địa phương về thực hiện Luật Doanh nghiệp để nhân rộng ra các địa phương khác.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
| Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký)
|
- 1 Chỉ thị 27/2003/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật Doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 1187/2002/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 1253/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn về việc thi hành Luật Doanh nghiệp
- 4 Luật Doanh nghiệp 1999
- 1 Chỉ thị 27/2003/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật Doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 1187/2002/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 1253/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn về việc thi hành Luật Doanh nghiệp
- 4 Luật Doanh nghiệp 1999