Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2007/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 15 tháng 5 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ TÀI LIỆU LƯU TRỮ

Ngày 02/3/2007 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Để thực hiện tốt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và doanh nghiệp nhà nước quan tâm chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với cán bộ, công chức và viên chức trong ngành, địa phương và đơn vị về công tác văn thư, lưu trữ và nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, trước tiên là Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia, Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg ngày 02/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 110/2004/NĐ-CP và Nghị định 111/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư và lưu trữ.

2. Quan tâm đầu tư, nâng cấp kho tàng trang thiết bị và ứng dụng các công nghệ mới phục vụ công tác văn thư, lưu trữ. Phấn đấu đến năm 2010, tỉnh và 100% các huyện, thị xã có kho lưu trữ chuyên dụng đạt tiêu chuẩn và các xã, phường, thị trấn có diện tích kho từ 20m2 trở lên để tập trung bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ có giá trị của địa phương.

3. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát ban hành quy chế về công tác văn thư lưu trữ của cơ quan, ban hành danh mục hồ sơ cơ quan; thực hiện tốt chế độ nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ hiện hành và lưu trữ lịch sử. Đảm bảo đến năm 2010, các ngành các cấp phải giải quyết xong cơ bản tình trạng tài liệu tồn động chưa phân loại; hoàn chỉnh việc lập hồ sơ, xác định giá trị tài liệu, thống kê và lập hồ sơ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý và tra cứu tài liệu lưu trữ.

4. Chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí biên chế hợp lý thực hiện công tác văn thư và lưu trữ, hạn chế trường hợp cán bộ văn thư kiêm nhiệm công tác lưu trữ hoặc ngược lại.

5. Hàng năm các đơn vị phải lập dự toán kinh phí phục vụ cho công tác văn thư, lưu trữ. Khi lập dự án đầu tư mới, đầu tư nâng cấp mở rộng trụ sở làm việc, các đơn vị phải quan tâm đầu tư phòng, kho và trang thiết bị phục vụ công tác văn thư, lưu trữ.

6. Lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị xã và doanh nghiệp chỉ đạo bộ phận chức năng tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện tháo gỡ những tồn tại, khó khăn vướng mắc trong công tác văn thư, lưu trữ; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về công tác văn thư, lưu trữ và việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền về công tác văn thư, lưu trữ. Đồng thời, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về văn thư, lưu trữ.

7. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh:

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan lập kế hoạch đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị Trung tâm Lưu trữ tỉnh; hướng dẫn các huyện, thị xã đầu tư hoàn thiện kho lưu trữ chuyên dụng huyện và thị xã.

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm việc hướng dẫn, kiểm tra công tác văn thư, lưu trữ trên địa bàn tỉnh, tổ chức kiểm tra chéo thi đua công tác văn thư, lưu trữ giữa các cơ quan tổ chức trong tỉnh.

Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05/2007/CT-TTg; thường xuyên đôn đốc, theo dõi và báo cáo UBND tỉnh, Cục Văn thư – Lưu trữ Nhà nước và các cơ quan có liên quan về công tác văn thư, lưu trữ trên địa bàn tỉnh./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn