Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2015/CT-UBND

Quảng Nam, ngày 18 tháng 8 năm 2015

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP KIỂM TRA, XỬ LÝ CÁC HÀNH VI PHÁ RỪNG, LẤN, CHIẾM ĐẤT LÂM NGHIỆP TRÁI PHÉP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Trong thời gian qua, các địa phương và các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương như Núi Thành, Phú Ninh, Bắc Trà My,… và chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân. Để kịp thời ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng trên nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chủ trương chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng và Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 04/6/2010 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:

1. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép; đồng thời, tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép để xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

a) Đối với các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép đã xác định được đối tượng vi phạm thì tiến hành xác lập hồ sơ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật, buộc trả lại diện tích đất đã lấn, chiếm trái phép cho đơn vị chủ rừng hoặc giao Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) quản lý (đối với những diện tích rừng và đất rừng chưa giao).

b) Đối với các trường hợp phát hiện phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng cây hoặc xây dựng công trình trên diện tích đất bị lấn, chiếm trái phép nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm thì chủ rừng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với những diện tích rừng và đất rừng chưa giao) phối hợp với các ngành chức năng xác lập hồ sơ vi phạm; đồng thời, thông báo công khai về địa điểm, loài cây trồng, công trình trên đất bị lấn, chiếm trái phép trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và niêm yết công khai tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, nơi tập trung dân cư. Sau thời hạn 30 ngày, nếu không có tổ chức, cá nhân đến nhận là chủ thể vi phạm thì chủ rừng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng phương án xử lý tài sản trên đất bị lấn, chiếm trái phép trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện, đồng thời lập phương án quản lý diện tích đã bị phá, lấn chiếm trái phép; trường hợp nếu có chủ thể vi phạm đến nhận thì áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 1 Chỉ thị này.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý đất lâm nghiệp để nhân dân biết và thực hiện. Nghiêm cấm việc xác nhận hồ sơ đăng ký khai thác cây trồng trên diện tích đất do phá rừng hoặc lấn, chiếm trái phép khi chưa xác lập được chủ sở hữu.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất lâm nghiệp.

b) Hướng dẫn thực hiện việc giao đất, cho thuê đất sau xử lý hoặc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất bị lấn, chiếm trái phép sau khi xử lý.

c) Đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất hợp pháp có rừng trồng bằng vốn không thuộc ngân sách Nhà nước (vốn của người dân).

4. Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Chỉ đạo các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tăng cường quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong lâm phận được giao quản lý; xây dựng phương án trồng lại rừng, giao khoán bảo vệ rừng trên diện tích đất sau khi xử lý để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong việc xử lý tài sản trên đất bị lấn, chiếm trái phép.

c) Chỉ đạo các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ký kết quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn về công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trong lâm phận được giao quản lý.

d) Phê duyệt phương án trồng lại rừng và khai thác cây trồng của các Ban Quản lý rừng đối với diện tích đất bị lấn, chiếm sau khi xử lý.

đ) Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện công tác kiểm tra, rà soát diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép; kinh phí trồng lại rừng trên diện tích đất bị lấn, chiếm trái phép sau khi xử lý.

e) Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng sớm triển khai cắm mốc ranh giới theo lâm phận được giao quản lý.

5. Công an tỉnh: Chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan điều tra, xác định đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để xác lập hồ sơ vụ việc; chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn nhằm răn đe, giáo dục để phòng ngừa chung.

6. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép; kinh phí thực hiện phương án trồng lại rừng và bảo vệ diện tích rừng trồng trên diện tích đất bị lấn, chiếm sau khi xử lý.

7. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Tổ chức thực hiện việc xử lý tài sản trên đất bị lấn, chiếm trái phép theo thẩm quyền.

b) Phê duyệt hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt các phương án quản lý đất bị lấn, chiếm sau xử lý; phương án trồng rừng, bảo vệ rừng do Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.

c) Tổ chức rà soát lại diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý để giao, cho thuê hoặc trình cấp có thẩm quyền giao, cho thuê theo quy định của pháp luật.

d) Chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức truy quét, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, nhất là các vùng giáp ranh.

đ) Bố trí nguồn kinh phí thực hiện công tác kiểm tra, rà soát diện tích đất bị lấn, chiếm trái phép; kinh phí trồng lại rừng trên diện tích đất bị lấn, chiếm sau khi xử lý.

8. Ủy ban nhân dân cấp xã có rừng, các Ban quản lý rừng

a) Tổ chức việc rà soát, thống kê toàn bộ diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép trong lâm phận quản lý để tổng hợp báo cáo các ngành liên quan hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý.

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xử lý cây trồng, công trình trên đất bị lấn, chiếm trái phép.

c) Xây dựng phương án quản lý diện tích đất bị lấn, chiếm sau xử lý; phương án trồng rừng, bảo vệ rừng theo đúng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.

9. Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép mà không phát hiện, chậm phát hiện hoặc chưa chỉ đạo xử lý kịp thời thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm lâm;
- TT TU, HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm TH Công báo tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Nam;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, NC, KTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Văn Thu