ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 6 năm 1991 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHUYỂN GIAO TÀI SẢN CỐ ĐỊNH CHO CÁC ĐƠN VỊ QUỐC DOANH
Nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng nhà cửa, cơ sở sản xuất, cửa hàng, kho hàng (gọi tắt là bất động sản) thuộc sở hữu Nhà nước, sau khi tham khảo ý kiến của các sở ban, ngành liên quan trong cuộc họp ngày 23 tháng 5 năm 1991, Ủy ban nhân dân thành phố chủ trương chuyển các bất động sản nói trên thành tài sản cố định và giao cho các đơn vị quốc doanh hiện đang trực tiếp khai thác sử dụng.
Để đảm bảo chủ trương trên được thực hiện thống nhất, chặt chẽ, đúng pháp luật, Ủy ban nhân dân thành phố quy định những nguyên tắc và thủ tục cần thiết như sau:
I.- NHỮNG NGUYÊN TẮC XÉT CHUYỂN GIAO TÀI SẢN CỐ ĐỊNH
1/ Đơn vị được xét giao thêm tài sản cố định
Đơn vị được xét là toàn bộ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quốc doanh có tư cách pháp nhân (gọi tắt là đơn vị kinh tế quốc doanh) thuộc quyền quản lý của các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.
Trước mắt tập trung thực hiện đối với các đơn vị công nghiệp quốc doanh. Đối với các đơn vị thương nghiệp, dịch vụ quốc doanh, đợt đầu chỉ giải quyết các trường hợp có nhu cầu bức thiết.
2/ Điều kiện xét duyệt
Bất động sản được xét để chuyển thành tài sản cố định cho các đơn vị kinh tế quốc doanh phải có đủ các điều kiện sau:
2.1- Phải là các bất động sản hiện đang sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhưng chưa quyết định chính thức của Ủy ban nhân dân thành phố chuyển giao thành tài sản cố định cho đơn vị quản lý.
2.2- Về kiến trúc, phải là nhà được thiết kế chuyên dùng làm nhà xưởng, cửa hàng, kho chứa hàng đang sử dụng có hiệu quả - Hoặc là nhà tuy không phải được thiết kế chuyên dùng nhưng đang được sử dụng làm nhà xưởng, cửa hàng, kho chứa hàng ổn định và có hiệu quả, hoặc có phương án sử dụng được cấp trên đơn vị chấp thuận.
2.3- Về vị trí:
Bất động sản không nằm trong khu vực đã có quy hoạch cấm lập nhà xưởng, kho chứa hàng, không thuộc khu vực đã có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu giải toả để xây dựng công trình khác.
2.4- Về tình trạng pháp lý:
Cần có đủ cơ sở pháp lý xác định là bất động sản thuộc sở hữu Nhà nước, không nằm trong tình trạng đang tranh chấp về quyền sở hữu và quyền sử dụng. Không có tranh chấp ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế.
3/ Hệ quả pháp lý của việc chuyển giao bất động sản:
3.1- Việc chuyển giao bất động sản thành vốn cố định cho các đơn vị kinh tế quốc doanh là cơ sở để Nhà nước giao vốn cho đơn vị đó, đơn vị được sử dụng không phải trả tiền mua bất động sản.
3.2- Sau khi nhận tài sản cố định, đơn vị có trách nhiệm quản lý bất động sản đó theo chế độ quản lý tài sản cố định của Nhà nước.
4/ Trị giá bất động sản:
Khi chuyển thành vốn cố định, bất động sản được định giá theo bản hướng dẫn kiểm kê 0 giờ ngày 1 tháng 1 năm 1990 của Bộ Tài chánh và Ủy ban nhân dân thành phố.
5/ Về thủ tục:
- Các đơn vị lập hồ sơ theo quy định, định giá bất động sản và gửi cho cơ quan chủ quản của đơn vị (sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện).
- Cơ quan chủ quản của đơn vị có trách nhiệm kiểm tra việc đánh giá bất động sản, xem xét tính hợp lý đối với các trường hợp đề nghị theo tiêu chuẩn quy định và đề xuất ý kiến, chuyển các hồ sơ hợp lệ cho “Hội đồng xét duyệt và chuyển giao tài sản cố định”.
Mỗi cơ quan chủ quản có một tổ chuyên môn giúp việc.
- Hội đồng xét duyệt và chuyển giao tài sản cố định là cơ quan tư vấn giúp việc cho Ủy ban nhân dân thành phố, có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định đối với các hồ sơ đã đủ yếu tố pháp lý và đúng theo quy định. Hội đồng gồm đại diện các Sở Nhà đất, Sở Tài chánh, Sở Xây dựng, Ban Vật giá, Chi cục Thống kê và Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và do đại diện Sở Nhà đất chủ trì.
6/ Đối với các bất động sản trước đây đã được Ủy ban nhân dân thành phố giao cho các đơn vị kinh tế quốc doanh làm vốn cố định thì nay không phải làm lại thủ tục.
II.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1/ Sở Nhà đất có trách nhiệm dự thảo một bản quy định cụ thể hoá chủ trương trên, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét ban hành trước ngày 15 tháng 6 năm 1991.
2/ Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm phổ biến quán triệt chủ trương này cho các đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh.
3/ Các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương chuẩn bị phần việc của mình để thực hiện chu đáo chủ trương trên của Ủy ban nhân dân thành phố.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 5985/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý đô thị ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 5985/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý đô thị ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh