Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 18 tháng 7 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ VÀ KHẮC PHỤC SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Trong những năm qua, với tốc độ phát triển công nghiệp mạnh mẽ, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (gọi tắt là doanh nghiệp) với nhu cầu lớn, đa dạng nguồn nguyên liệu, hóa chất, điều này dễ dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về sự cố môi trường. Đặc biệt, trong tháng 9 năm 2017 đã xảy ra sự cố cháy kho chứa vật tư nông nghiệp Trường Sơn tại Ấp 2, xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã tác động rất lớn đến môi trường, sức khỏe và sinh hoạt của người dân xung quanh.

Thực hiện phòng ngừa ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung công việc sau:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức các cơ sở/doanh nghiệp trong việc phòng ngừa và ứng phó các sự cố môi trường nhằm ngăn ngừa tại chỗ khả năng xảy ra sự cố môi trường.

- Tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án, phương án đầu tư. Trong thẩm định các hồ sơ môi trường đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất và các loại hình có nguy cơ gây sự cố môi trường (cháy nổ, tràn đổ hóa chất, sự cố tràn dầu…) cần phối hợp với các đơn vị có liên quan, đảm bảo quy định về mua bán, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất và môi trường. Đảm bảo các phương án phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường theo quy định.

- Phối hợp với các sở, ngành tỉnh và địa phương rà soát các cơ sở, các loại hình sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ra sự cố môi trường để tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử lý theo quy định (hoàn thành trong quý III/2018).

- Phối hợp với các sở, ngành tỉnh và địa phương yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ra sự cố môi trường thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện đầy đủ các phương án phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường theo quy định tại khoản 1, Điều 108 Luật Bảo vệ môi trường; trong đó tập trung các nội dung: lập kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường; Lắp đặt thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố môi trường; Đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó sự cố môi trường; Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật… và thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Trong trường hợp xảy ra sự cố phải phối hợp với ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức đánh giá, đưa ra phương án xử lý môi trường, và giám sát diễn biến chất lượng môi trường theo quy định.

2. Sở Công Thương

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hóa chất: sản xuất, kinh doanh, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất, sang chiết, đóng gói và vận chuyển hóa chất theo quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố hóa chất và hóa chất độc.

- Rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân có liên quan hoạt động hóa chất tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự cố hóa chất; hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa sự cố hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất năm 2007 nhằm đảm bảo lực lượng, trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố hóa chất tại chỗ (thời gian hoàn thành việc rà soát, lập danh sách đến hết quý III/2018).

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về hoạt động hóa chất tại địa phương theo quy định của pháp luật; giám sát việc thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và huấn luyện an toàn hóa chất của các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn quản lý.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3839/QĐ-UBND ngày 25/12/2017 nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại khi xảy ra sự cố hóa chất.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về sản xuất, buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Tiếp tục thực hiện kiểm tra, đánh giá xếp loại các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; tiếp tục rà soát, kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh và kho vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đề xuất biện pháp xử lý và quản lý đúng theo quy định (hoàn thành trong quý III/2018).

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát việc đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh (trước hết điều tra, thống kê đối với các cơ sở gần khu dân cư, gần trường học, bệnh viện, trung tâm y tế…) kiểm tra xử lý các trường hợp sử dụng văn phòng giao dịch, làm việc, nhà ở, làm nhà xưởng, kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật sai mục đích; xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời đối với các nhà xưởng, kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật, các cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo khoảng cách theo quy định của Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.

- Không cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón (hoạt động đóng gói) đối với những cơ sở không thực hiện đúng, đầy đủ các điều kiện, thủ tục được quy định tại Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Chính phủ về quản lý phân bón; Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 08/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

4. Công an tỉnh

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện đầy đủ, hiệu quả nội dung về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tăng cường thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Trong triển khai phương án chữa cháy, phải xem xét khả năng ảnh hưởng đến môi trường của phương án; ưu tiên lựa chọn phương án ít gây tác động đến môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra sự cố môi trường từ sự cố cháy (hoàn thành trong quý III/2018).

- Rà soát các đối tượng có nguy cơ cao xảy ra sự cố cháy nổ trên địa bàn tỉnh để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các quy định của pháp luật có liên quan về phòng cháy và chữa cháy.

- Thực hiện các nhiệm vụ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Quyết định số 3839/QĐ-UBND ngày 25/12/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

- Rà soát xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án về ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; phối hợp với tổ chức, cá nhân khắc phục sự cố trong trường hợp xảy ra sự cố bức xạ và hạt nhân trong phạm vi quản lý theo luật định.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn bức xạ theo quy định.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động theo quy định.

- Tổ chức quản lý chặt chẽ công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và khai báo sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý; kiên quyết xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ theo quy định pháp luật; đồng thời, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các doanh nghiệp vi phạm theo quy định.

7. Sở Giao thông vận tải

- Căn cứ tình hình thực tế, đề xuất các tuyến đường đảm bảo quy mô tải trọng, yêu cầu kỹ thuật để phục vụ vận chuyển hóa chất, xăng dầu, chất thải nguy hại và phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý các phương tiện vận chuyển.

- Quản lý chặt chẽ việc thực hiện cấp, đổi giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, bến thủy nội địa đối với các phương tiện chuyên dùng chở chất lỏng (xăng, dầu các loại) và các bến bãi có liên quan đến dự trữ kinh doanh xăng dầu; đồng thời phối hợp cùng các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý các phương tiện hoạt động vận chuyển xăng, dầu trên sông vi phạm các quy định chuyên ngành để đề phòng sự cố tràn dầu.

8. Sở Xây dựng

Hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan xử lý, đề xuất hướng giải quyết các công trình bị ảnh hưởng do sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Y tế

- Nhanh chóng triển khai phương án cấp cứu, điều trị nạn nhân trong mọi tình huống.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng chính quyền địa phương xây dựng phương án sơ tán, di dời dân trong khu vực nguy hiểm khi xảy ra sự cố môi trường.

- Chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế bố trí cán bộ, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng làm nhiệm vụ cấp cứu nạn nhân; triển khai kịp thời công tác xử lý vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh thuộc chuyên môn của ngành.

10. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền đến các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng chống cháy nổ, ứng phó sự cố môi trường.

11. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

Phối hợp với Công an tỉnh xây dựng quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

12. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh

Bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống khẩn cấp, khắc phục hậu quả sự cố, đảm bảo quân đội là lực lượng chủ lực trong công tác khắc phục sự cố môi trường.

13. Sở Tài chính

Phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo công tác phòng ngừa; ứng phó ngay với các sự cố môi trường, sự cố hóa chất và các sự cố liên quan (trong trường hợp xảy ra sự cố) trên địa bàn tỉnh.

14. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Nâng cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo điều hành thực hiện công tác phòng chống cháy nổ, phòng ngừa và khắc phục sự cố môi trường thuộc trách nhiệm quản lý. Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố gây ảnh hưởng môi trường.

- Chỉ đạo, tuyên truyền đến các cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống cháy, nổ; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định.

- Chủ trì, chủ động xử lý sự cố xảy ra trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.

- Việc cấp hồ sơ môi trường và các giấy phép có liên quan cho các loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất và các ngành nghề có nguy cơ gây sự cố môi trường theo thẩm quyền đảm bảo các quy định pháp luật, trong đó phải đáp ứng điều kiện về vị trí hoạt động và quy hoạch sử dụng đất tại địa phương. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để phát sinh các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất và các ngành nghề có nguy cơ gây sự cố môi trường không đảm bảo khoảng cách an toàn và các quy định khác thuộc thẩm quyền quản lý.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan cấp tỉnh triển khai các nội dung của Chỉ thị này; quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép kinh doanh cho các cơ sở thuộc các ngành nghề có nguy cơ gây ra sự cố môi trường đặc biệt là các cơ sở hoạt động trong các khu dân cư, các địa điểm gần trường học, bệnh viện và các khu vực công cộng khác.

- Chủ trì lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện phương án phá dỡ công trình xây dựng ở khu vực bị sự cố nếu buộc phải phá dỡ để đảm bảo an toàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phạm Anh Tuấn