Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1752/CT-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TỔNG ĐIỀU TRA HỘ NGHÈO TRÊN TOÀN QUỐC PHỤC VỤ CHO VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Sau 5 năm (2006 - 2010) thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình và chính sách giảm nghèo, tỷ lệ nghèo của cả nước (tính theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ) đã giảm từ 20% năm 2006 xuống còn khoảng 9,45% năm 2010; bộ mặt nông thôn, nhất là vùng nông thôn miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc… đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, do công tác tổ chức điều tra rà soát và quản lý hộ nghèo ở một số địa phương, cơ sở chưa thật chặt chẽ, nên vẫn còn để sót không ít hộ nghèo và có những hộ không thuộc diện nghèo lại có tên trong danh sách của thôn, xã..., do vậy đã phần nào làm hạn chế hiệu quả thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo.

Việc rà soát, xác định chính xác, đầy đủ hộ nghèo, tỷ lệ nghèo ở từng địa phương, cơ sở là căn cứ quan trọng để có giải pháp, chính sách giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội cho từng năm và trong từng giai đoạn của từng địa phương và trên cả nước, nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội nhất là đối với những người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người nghèo…

Nhằm xác định chính xác đầy đủ hộ nghèo, tỷ lệ nghèo ở từng địa phương và trên cả nước, làm căn cứ cho việc xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội của các địa phương và cả nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành triển khai tổng điều tra hộ nghèo trên phạm vi toàn quốc với những nội dung cụ thể như sau:

1. Tiêu chí điều tra:

a) Mức chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 như sau:

- Khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.

- Khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.

b) Mức cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 như sau:

- Khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đến 520.000 đồng/người/tháng là hộ cận nghèo.

- Khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đến 650.000 đồng/người/tháng là hộ cận nghèo.

2. Đối tượng, phạm vi điều tra:

Toàn bộ hộ dân cư trên phạm vi cả nước.

3. Thời gian điều tra:

Thực hiện từ ngày 21 tháng 9 năm 2010 đến 30 tháng 11 năm 2010.

4. Yêu cầu điều tra:

Việc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo phải được thực hiện từ thôn, bản, trực tiếp đối với từng hộ, đảm bảo công khai, dân chủ, có sự tham gia của các cấp, các ngành và của người dân, theo đúng hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhằm xác định đúng đối tượng, không bị trùng lặp, sót, phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân địa phương.

Kết thúc cuộc tổng điều tra, từng thôn, bản, xã phải xác định được chính xác số hộ nghèo, hộ cận nghèo lập một danh sách duy nhất về hộ nghèo, hộ cận nghèo để theo dõi, quản lý; từng huyện, từng tỉnh, thành phố xác định được tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương mình; đồng thời báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để tổng hợp chung hộ nghèo, hộ cận nghèo của cả nước làm căn cứ xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn 2011 - 2015.

Để bảo đảm việc thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đúng đối tượng, kịp thời, phát huy tính tự lực vươn lên của người nghèo, vào thời điểm 01 tháng 10 hàng năm, các địa phương phải tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

5. Nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương

a) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, kinh phí, phương pháp, công cụ, quy trình điều tra, tổ chức tập huấn để hướng dẫn các địa phương thực hiện; tổ chức việc giám sát quá trình điều tra ở các địa phương để đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Hướng dẫn các địa phương mẫu biểu báo cáo và tổng hợp kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước. Hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm để các địa phương tổ chức thực hiện; hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo thống nhất trong cả nước.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt cuộc tổng điều tra hộ nghèo; trong khi chưa có kết quả điều tra chính thức, dự báo tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới cho các địa phương, làm cơ sở xây dựng kế hoạch giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn năm 2011. Công bố tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của cả nước và các địa phương hàng năm, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng dự toán kinh phí tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo dự kiến mức hỗ trợ cho các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện.

d) Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của cuộc tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc, phát huy tinh thần làm chủ, thực hiện tốt cuộc tổng điều tra hộ nghèo.

đ) Các Bộ, ngành liên quan căn cứ vào mức chuẩn nghèo, cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 để chủ động xây dựng các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội thuộc lĩnh vực được giao, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện.

e) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Cục Thống kê và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, kinh phí, phương án tổ chức điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; tổ chức tập huấn điều tra cho cấp huyện và cấp xã; chỉ đạo và giám sát việc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo ở cơ sở.

- Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tổ chức điều tra thực trạng hộ nghèo bảo đảm công khai, dân chủ, có sự tham gia của các cấp, có ngành và của người dân từ thôn, bản trở lên, chống bệnh thành tích, quan liêu, không phản ánh đúng thực trạng nghèo của địa phương, cơ sở.

- Kết thúc điều tra, tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo đúng yêu cầu, thời gian về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

- Hàng năm, chỉ đạo việc tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, tổng hợp và báo cáo kết quả rà soát về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

- Chỉ đạo việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Ủy ban nhân dân xã, phường phải lưu trữ toàn bộ hồ sơ về hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả tổng điều tra cũng như kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm.

6. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyên truyền, vận động nhân dân và các hội viên tham gia thực hiện tốt và giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức điều tra hộ nghèo trên phạm vi cả nước, nhất là từ cơ sở cụm dân cư, thôn, bản; xã, phường trở lên.

7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức liên quan có trách nhiệm thực hiện các nội dung được giao.

8. Giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình giảm nghèo của Chính phủ có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG   




Nguyễn Sinh Hùng