THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/1998/CT-TTg | Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 1998 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CẤM ĐƯA TẠP CHẤT VÀO NGUYÊN LIỆU THỦY SẢN
Thời gian gần đây ở một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh Nam Bộ, tình trạng cố ý đưa các loại đinh sắt, que tre, cọng dừa, bơm nước hoặc agar v.v... (gọi chung là các tạp chất) vào tôm và một số loại thủy sản khác để làm tăng trọng lượng, bán cho các cơ sở chế biến kiếm lời bất chính đã tái diễn một cách công khai và ngày càng trở nên phổ biến. Bộ Thủy sản và nhiều địa phương đã có các quy định nghiêm cấm và đề ra nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng tình hình vi phạm vẫn ngày càng gia tăng. Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản do chạy theo lợi nhuận vẫn mua loại nguyên liệu này để chế biến, đưa ra thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, gây ảnh hưởng xấu trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Đây là hành vi gian lận làm tổn hại chất lượng hàng hóa, không những gây nên sự công phẫn, bất bình trong nhân dân mà còn ảnh hưởng uy tín hàng thủy sản xuất khẩu của nước ta trên thị trường thế giới.
Để chấm dứt tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Nghiêm cấm việc đưa các loại tạp chất vào nguyên liệu thủy sản. Mọi hoạt động đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản, mua bán, lưu thông trên thị trường và sử dụng các loại nguyên liệu có đưa tạp chất vào để chế biến thực phẩm tiêu dùng và xuất khẩu tùy theo mức độ vi phạm đều bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự .
2. Các cơ sở chế biến thủy sản, các cơ quan Nhà nước và cá nhân được giao nhiệm vụ kiểm tra chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu, phải đề cao trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát, thu mua tôm và các nguyên liệu khác, không mua hoặc thông đồng với tư thương xấu mua các loại nguyên liệu đã bị đưa tạp chất vào để chế biến; không xuất khẩu hoặc đưa ra tiêu dùng trên thị trường những lô hàng đã bị nhiễm tạp chất, nếu gây nên thiệt hại do cố ý hoặc do thiếu trách nhiệm thì người thu mua, người kiểm tra cũng bị xử lý theo pháp luật.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo các cấp, các ngành thuộc địa phương mình phối hợp với các lực lượng kiểm tra, kiểm soát của các ngành Trung ương để tăng cường kiểm tra các hộ buôn bán thủy sản, các cơ sở chế biến và kinh doanh thủy sản (kể cả các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn) trong việc buôn bán, chế biến các loại thủy sản đã bị đưa tạp chất vào và xử lý nghiêm các vi phạm theo pháp luật hiện hành; phát động quần chúng nhân dân lên án, tố giác các hành vi gian lận đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản và sử dụng nguyên liệu thủy sản có tạp chất để chế biến thành sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bộ Thủy sản chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ trưởng: Thủy sản, Tư pháp, Nội vụ, Thương mại, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng Bộ, ngành có liên quan và Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
| Nguyễn Công Tạn (Đã ký)
|
- 1 Công văn số 216/QLTT-NVCHG của Cục quản lý thị trường về việc phối hợp triển khai đợt kiểm tra tăng cường tạp chất trong tôm nguyên liệu
- 2 Quyết định 26/2005/QĐ-BTS bổ sung Danh mục kháng sinh nhóm Fluorquinolones cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Bắc Mỹ do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành