Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2002/CT-UB

Bến Tre, ngày 11 tháng 10 năm 2002

 

CHỈ THỊ

“VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, DUY TU, BẢO DƯỠNG ĐƯỜNG BỘ.”

Thời gian qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành nên hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới với tốc độ tương đối nhanh góp phần thúc đẩy kinh tế văn hoá xã hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện một số công trình xuống cấp phải tốn nhiều kinh phí đầu tư để sửa chữa hoặc nâng cấp lại, đặc biệt là các tuyến đường do huyện, xã quản lý. Nguyên nhân: do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, việc lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ để xây dựng nhà ở và các công trình khác được phát hiện nhưng xử lý vi phạm chưa kịp thời, không đồng bộ và thiếu kiên quyết. Vì vậy, nhằm bảo vệ các công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải đường bộ, đồng thời để lập lại trật tự trên lĩnh vực quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm:

1.1 Tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh đến năm 2010 và 2020 vào quí IV năm 2002.

1.2 Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc:

a) Đối với Công ty Xây dựng và Khai thác công trình giao thông: tăng cường công tác kiểm tra, sửa chữa và bố trí các cọc mốc lộ giới, cọc tiêu biển báo trên tuyến đường bộ do tỉnh quản lý, chú ý các giao lộ giữa huyện lộ với tỉnh lộ, quốc lộ; thường xuyên phát quang lề đường, khai rãnh thoát nước; chú trọng công tác duy tu, dặm vá những tuyến đường hư hỏng có khả năng gây ra tai nạn giao thông nhất là trong mùa mưa bão.

b) Đối với Ban Thanh tra giao thông: tăng cường kiểm tra xử phạt các tổ chức cá nhân xây dựng các công trình, lều quán trong phạm vi hành lang bảo vệ đường bộ; kiên quyết xử phạt và buộc tháo dỡ không bồi hoàn, khôi phục lại tình trạng ban đầu; phối hợp với Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương kiểm tra xử phạt xe kinh doanh vận tải khách đón trả khách không đúng nơi quy định, gây mất trật tự công cộng.

2. Công an tỉnh có trách nhiệm: phối hợp chặt với các ngành hữu quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường bộ và an toàn giao thông đường bộ theo thẩm quyền.

3. Ban Tổ chức Chính quyền phối hợp với Sở Tài chánh Vật giá; Sở Giao thông vận tải và UBND huyện, thị đề xuất với UBND tỉnh về bộ máy, kinh phí hoạt động công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ do huyện quản lý.

4. Sở Tài chánh Vật giá và Phòng Tài chánh - Kế hoạch huyện, thị có trách nhiệm cân đối ngân sách đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ cho công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông đường bộ; kiểm tra việc sử dụng và quyết toán kinh phí theo quy định.

5. Các cơ quan, đơn vị là doanh nghiệp (đặc biệt là Bưu điện tỉnh, Điện lực Bến Tre, Công ty Cấp thoát nước tỉnh…) khi tiến hành đầu tư xây dựng các công trình chuyên ngành phải thoả thuận với Sở Giao thông vận tải hoặc UBND huyện, thị theo phân cấp quản lý đường bộ trên cơ sở đảm bảo thực hiện nghiêm quy hoạch giao thông vận tải đã được phê duyệt.

6. Sở Văn hóa thông tin chủ trì phối hợp các đoàn thể quần chúng và các cơ quan thông tin đại chúng (Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh Truyền hình) có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân chấp hành và tham gia thực hiện tốt pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường bộ.

7. UBND huyện, thị có trách nhiệm:

a) Tăng cường quản lý, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường thuộc cấp mình quản lý không để xuống cấp gây cản trở lưu thông, tốn nhiều kinh phí duy tu, sửa chữa. Hằng năm phải bố trí nguồn vốn được phân cấp và vốn vận động nhân dân để phục vụ cho công tác quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn.

Tiến hành sắp xếp các chợ theo đúng quy định, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, đình chỉ ngay các hoạt động gây hại đến an toàn công trình giao thông đường bộ, xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường bộ.

b) Đối với các tuyến đường huyện, xã quản lý trong năm 2002 phải tiến hành cắm và thông báo mốc lộ giới cho nhân dân biết để tiện quản lý và xử lý vi phạm về sau; khi tiến hành thi công cắm cọc mốc lộ giới phải căn cứ theo Nghị định 172/NĐ-CP ngày 07/12/1999 của Chính phủ “V/v quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ”; đầu tư xây dựng công trình giao thông phải căn cứ vào quy hoạch giao thông vận tải, xác định quy mô, cấp kỹ thuật để không phá vỡ quy hoạch đã được duyệt.

c) Tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm quản lý Nhà nước và phối hợp tốt với cơ quan, đơn vị ngành tỉnh trong quản lý hệ thống cầu, đường thuộc tỉnh quản lý trên địa bàn huyện, thị. Bố trí cán bộ thực hiện quản lý, kiểm tra thường xuyên các công trình giao thông trên địa bàn do huyện, thị quản lý.

d) Chỉ đạo cho UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn.

Uỷ ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cho Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Tài chánh Vật giá, Văn hoá thông tin, Công an tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Be