Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18/2006/CT-TTG

Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 05/2005/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Sau một năm triển khai thi hành Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, hoạt động bán đấu giá tài sản tại nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực. Chủ trương cải cách hành chính và xã hội hoá mạnh mẽ hoạt động bán đấu giá tài sản thể hiện trong Nghị định số 05/2005/NĐ-CP đang từng bước đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản đã tăng lên đáng kể. Các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã và đang từng bước tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên, giảm dần sự bao cấp của ngân sách nhà nước, hiệu quả hoạt động bán đấu giá tài sản ngày càng được nâng cao. Trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản về cơ bản được thực hiện nghiêm chỉnh; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản được bảo đảm tốt hơn.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương một số quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm chỉnh, chưa thống nhất. Tại 16 địa phương, bên cạnh trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản còn thành lập thêm trung tâm do Sở Tài chính quản lý cũng có chức năng bán đấu giá tài sản dẫn đến tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Một số địa phương lại thành lập Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản cấp tỉnh để thực hiện thường xuyên việc bán đấu giá những loại tài sản mà theo quy định của pháp luật phải chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản để tổ chức bán đấu giá. Việc bán đấu giá tài sản của các tổ chức không được thành lập và hoạt động theo quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP chưa theo đúng trình tự, thủ tục bán đấu giá quy định tại Nghị định. Hiệu lực quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản tại địa phương chưa cao ảnh hưởng đến việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản.

Để thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP được nghiêm chỉnh, thống nhất, nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động bán đấu giá tài sản trong phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm:

a) Chỉ thành lập một trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại địa phương theo quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP. Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được thành lập và hoạt động theo quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản cấp tỉnh, có chức năng bán đấu giá tất cả các loại tài sản quy định tại Điều 5 của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP.

Những địa phương chưa có tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP thì phải khẩn trương thành lập để bảo đảm việc bán đấu giá tài sản thi hành án được thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự các văn bản hướng dẫn thi hành.

Những địa phương đã thành lập thêm đơn vị sự nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản ngoài Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản phải chuyển chức năng bán đấu giá tài sản cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp đó thành doanh nghiệp bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP. Việc chuyển đổi này phải thực hiện xong trước ngày 30 tháng 6 năm 2006;

b) Tăng cường về cán bộ, bảo đảm cơ sở vật chất cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá để Trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ bán đấu giá tài sản tại địa phương;

c) Thực hiện các biện pháp khuyến khích việc thành lập và phát triển doanh nghiệp bán đấu giá tài sản tại địa phương. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản tham gia bán đấu giá tất cả các loại tài sản theo quy định của pháp luật;

d) Chỉ đạo các Sở, ban, ngành tại địa phương thực hiện việc bán đấu giá tài sản của nhà nước thông qua các tổ chức bán đấu giá tài sản quy định tại Nghị định số 05/2005/NĐ-CP nhằm bảo đảm việc tuân thủ nghiêm chỉnh nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bán đấu giá tài sản nhà nước để phòng ngừa tiêu cực làm thất thoát tài sản nhà nước;

đ) Chỉ đạo các Sở, ban, ngành tại địa phương thực hiện nghiêm chỉnh việc chuyển giao và tổ chức bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định tại Điều 61 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Điều 31, 32, 33 và Điều 34 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Nghị định số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ;

e) Bảo đảm việc bán đấu giá tài sản để thi hành án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và Nghị định số 05/2005/NĐ-CP;

g) Khẩn trương xây dựng đề án thu phí đấu giá để trình Hội đồng nhân dân quyết định về phí đấu giá áp dụng tại địa phương.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan tổ chức rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản của Bộ, ngành và địa phương để xử lý kịp thời đối với các quy định trái với Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, Điều 61 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Điều 31, 32, 33 và Điều 34 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP; kiến nghị về việc sửa đổi, bãi bỏ hoặc thay thế những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Việc rà soát, kiểm tra phải được hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất là cuối tháng 6 năm 2006;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục hướng dẫn về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản theo đúng quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

c) Tăng cường công tác kiểm tra về tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản trong phạm vi cả nước, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý đối với những vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính:

a) Rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, công văn hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thuộc thẩm quyền ban hành liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản để bãi bỏ, bổ sung hoặc sửa đổi những nội dung không phù hợp với Nghị định số 05/2005/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc rà soát, kiểm tra phải được hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất là cuối tháng 6 năm 2006;

b) Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn chung về mức thu, việc quản lý, sử dụng phí đấu giá thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngàykể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, XDPL (5b). XH

THỦ TƯỚNG




Phan
Văn Khải