Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 18/2007/CT-UBND

Vinh, ngày 06 tháng 07 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 15/2007/CT-BNN NGÀY 13/02/2007 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CANH TÁC NƯƠNG RẪY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thời gian qua, công tác quản lý canh tác nương rẫy để sản xuất lương thực của đồng bào dân tộc ở các huyện miền núi đã từng bước chuyển biến tích cực. Chính quyền các cấp đã quan tâm hơn tới công tác bảo vệ rừng, quy vùng, hướng dẫn nhân dân sản xuất nương rẫy, đồng cỏ chăn nuôi đúng vùng quy định. Đồng thời thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng có hiệu quả, từng bước đã hạn chế được tình trạng phá rừng, cháy rừng do làm rẫy gây ra.

Tuy nhiên, tình trạng phá rừng và cháy rừng do làm rẫy hàng năm vẫn còn xảy ra. Đặc biệt ở các huyện miền núi vùng cao như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương; một số xã ở các huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và ngay cả trong vùng nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, các khu rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là: Công tác quy hoạch nương rẫy cố định và đồng cỏ chăn nuôi chưa hoàn thành, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Công tác định canh, định cư và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với từng vùng sinh thái còn gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới công tác quản lý nương rẫy, bảo vệ rừng, đời sống của nhân dân.

Để triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/2007/CT-BNN ngày 13/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác quản lý canh tác nương rẫy trong thời gian tới, nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng phá rừng, cháy rừng do làm rẫy gây ra, UBND tỉnh giao Giám đốc các Sở, thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện miền núi triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Rà soát, thống kê diện tích đất đã quy hoạch sản xuất nương rẫy cố định và đồng cỏ chăn nuôi theo Chỉ thị số 36/2000/CT-BNN-KL ngày 06/04/2000 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất ở từng huyện, xã đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải phù hợp với kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 482/QĐ-UBND.NN ngày 02/02/2007. Kịp thời trình UBND tỉnh phê duyệt và bàn giao hồ sơ cho UBND các huyện trước ngày 01/9/2007, UBND các huyện làm thủ tục bàn giao cho UBND các xã. Các Hạt Kiểm lâm chỉ đạo Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, hướng dẫn các thôn bản, các chủ rừng thực hiện canh tác nương rẫy đúng vùng quy hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các chủ rừng đốt dọn thực bì; hộ gia đình và cá nhân đốt nương làm rẫy, đốt dọn đồng ruộng trong các tháng cao điểm của mùa khô. Qua đó để hạn chế tối đa tình trạng phá rừng, cháy rừng do làm rẫy gây ra.

2. Từng huyện, xã phải lập phương án tổ chức, chỉ đạo, quản lý việc thực hiện sản xuất nương rẫy theo quy hoạch được duyệt. Giao Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các huyện lập cơ cấu sản xuất rẫy luân canh cho từng loại cây con đảm bảo: Chống xói mòn đất, tăng độ phì cho đất, nâng cao hiệu quả kinh tế; lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội khác của từng vùng, nhất là chương trình định canh, định cư, xoá đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc miền núi, đặc biệt các huyện miền núi vùng cao, từng bước ổn định sản xuất, đời sống tại chỗ để nhân dân có điều kiện tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các chủ rừng lập kế hoạch từ nay đến năm 2010 cắm xong mốc ranh giới các khu rừng đặc dụng, các phân khu phòng hộ rất xung yếu và phân khu phòng hộ xung yếu của rừng phòng hộ tập trung, diện tích các khu rừng tự nhiên hiện còn theo Quyết định số 3013/1997/QĐ-BNN-KL ngày 20/11/1997 của Bộ Nông nghiệp và PTNT để phân biệt với ranh giới diện tích các khu vực được quy hoạch sản xuất nương rẫy cố định và đồng cỏ chăn nuôi nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng lấn chiếm xâm hại sang các diện tích khác.

4. Tiếp tục thực hiện xã hội hoá công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhằm không ngừng nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân, thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong cộng đồng dân cư thôn, bản theo Thông tư 56/1999/TT/BNN-KL ngày 30/03/1999 của Bộ Nông nghiệp và PTNT để mọi người dân tự giác tham gia bảo vệ rừng.

5. Giao cho Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện giám sát Kiểm lâm địa bàn xã kiểm tra việc thực hiện phương án quy hoạch rẫy trên địa bàn huyện. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các chủ rừng đốt dọn thực bì; hộ gia đình và cá nhân đốt nương làm rẫy, đốt dọn đồng ruộng trong các tháng cao điểm của mùa khô và tổng hợp số liệu để Sở Nông nghiệp & PTNT báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện quy hoạch sản xuất rẫy hàng năm của từng địa phương.

6. Tăng cường hơn nữa vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, Chủ tịch UBND các huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch được phê duyệt. Nghiêm cấm canh tác nương rẫy xâm hại vào rừng tự nhiên hoặc lợi dụng cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để làm nương rẫy và lấy đất để trồng rừng mới khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Giao Chi cục Kiểm lâm cùng các ngành chức năng phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành.

Yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm và UBND các huyện miền núi tổ chức thực hiện tốt các nội dung trên đây và định kỳ báo cáo kịp thời về Uỷ ban nhân dân tỉnh./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chi