THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2008/CT-TTg | Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC CÁC MỎ ĐÁ NHẰM ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG KHAI THÁC
Hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng và làm nguyên liệu sản xuất xi măng với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau đã không chỉ đáp ứng nhu cầu về vật liệu để xây dựng các công trình mà còn tạo ra công ăn, việc làm cho hàng vạn lao động ở nhiều địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên, gần đây trên địa bàn một số tỉnh như Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên … đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do sạt lở mỏ đá gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Qua kiểm tra hoạt động khai thác đá tại một số địa phương và qua xem xét nguyên nhân các vụ tai nạn lao động cho thấy hoạt động khai thác đá hiện nay có nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người và thiết bị. Đa số các mỏ đá đang được khai thác có quy mô nhỏ với công suất khai thác dưới 100.000 m3/năm và thời gian khai thác không quá 5 năm; tình trạng thiết kế và thi công khai thác không đúng với các quy định về an toàn trong khai thác đá lộ thiên còn phổ biến. Nhiều tổ chức, cá nhân khai thác chưa đáp ứng được các yêu cầu về năng lực chuyên môn và năng lực điều hành mỏ; chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và các quy định về tuyển dụng lao động cũng như an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường … Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác đá cũng bộc lộ những khiếm khuyết từ các khâu cấp phép khai thác, thẩm định thiết kế tới công tác thanh, kiểm tra trong quá trình khai thác đá.
Để khắc phục tình trạng trên nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Tổng kiểm tra toàn bộ các mỏ đá đang được khai thác tại địa phương mình nhằm phát hiện và chấn chỉnh những vấn đề bất cập trong hoạt động khai thác đá. Trước mắt, phải có các biện pháp chấn chỉnh sau:
- Tạm dừng khai thác những mỏ có nguy cơ mất an toàn đối với người và thiết bị. Chỉ cho phép tiếp tục khai thác lại sau khi các mỏ này đã đáp ứng đủ các điều kiện đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác.
- Đình chỉ khai thác và có biện pháp không để tái diễn đối với những khu vực khai thác không phép và trái phép. Yêu cầu các tổ chức khai thác đóng cửa mỏ và đưa mỏ về trạng thái an toàn. Xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định hiện hành.
Kết quả tổng kiểm tra các mỏ đá phải được báo cáo về Bộ Xây dựng trước ngày 30 tháng 09 năm 2008 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Chấn chỉnh công tác thẩm định thiết kế và cấp phép khai thác. Kiên quyết không cấp phép khai thác khi thiết kế cơ sở chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định theo quy định hiện hành. Xử lý nghiêm những trường hợp tổ chức cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về việc thẩm định, cấp phép trong hoạt động khai thác đá. Ưu tiên, khuyến khích việc cấp phép khai thác quy mô công nghiệp, áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến. Hạn chế việc cấp phép khai thác quy mô nhỏ với công suất khai thác dưới 100.000 m3/năm, đặc biệt đối với khu vực khoáng sản tập trung với trữ lượng lớn.
c) Tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác theo hướng liên ngành, đảm bảo các mỏ đá phải được kiểm tra định kỳ theo quy định. Sau kiểm tra phải có đánh giá và kết luận về tình trạng an toàn trong khai thác và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thiết kế mỏ, quy trình khai thác; quy định về điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân khai thác đá; quy định về an toàn lao động, quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, vệ sinh môi trường và các quy định khác của pháp luật. Thu hồi giấy phép khai thác đối với các tổ chức, cá nhân không tuân thủ và cố tình vi phạm các quy định nêu trên.
d) Quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn cho các cơ quan chuyên môn trực thuộc giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác đá tại địa phương; phân công một cơ quan chuyên môn là đầu mối thống nhất quản lý hoạt động này. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản đá và cảnh quan môi trường, đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại các khu vực có khoáng sản đá trên địa bàn.
đ) Định kỳ theo quy định báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ khác có liên quan về tình hình hoạt động khai thác đá trên địa bàn. Phản ảnh kịp thời những vấn đề bất cập hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động thăm dò, khai thác đá và của các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan.
2. Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác đá:
a) Thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về thăm dò khoáng sản. Việc thăm dò khoáng sản phải tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật về khảo sát, thăm dò địa chất và phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nhằm thiết kế khai thác mỏ được an toàn.
b) Tuân thủ đầy đủ các quy định về lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế khai thác mỏ theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình và các quy định khác có liên quan.
c) Chỉ được phép tiến hành khai thác sau khi có thông báo về giám đốc điều hành mỏ có đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, điều hành theo quy định; nộp thiết kế mỏ và báo cáo đánh giá tác động môi trường cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và hoàn thành các thủ tục khác theo quy định.
d) Tổ chức thi công khai thác theo đúng thiết kế được phê duyệt; đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn trong khai thác đá lộ thiên. Tích cực áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thi hành nghiêm thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
đ) Tuân thủ đầy đủ các quy định và tuyển dụng, hợp đồng lao động; chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động và các quy định về an toàn - vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác đá.
e) Báo cáo định kỳ theo quy định và đột xuất khi có yêu cầu về hoạt động khai thác đá cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
3. Các Bộ có chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản và về an toàn lao động:
a) Bộ Xây dựng:
- Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc lập và thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng, nguyện liệu sản xuất xi măng.
- Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác đá làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng tại địa phương nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác đá.
- Hướng dẫn, chỉ đạo việc áp dụng các công nghệ khai thác đá tiên tiến nhằm tiết kiệm tài nguyên, khai thác hiệu quả, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, chấn chỉnh công tác cấp phép thăm dò, khai thác đá.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động thăm dò, khai thác đá.
c) Bộ Công thương:
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, chấn chỉnh công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế mỏ.
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tăng cường kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật đối với hoạt động khai thác đá.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng trong hoạt động thăm dò, khai thác đá nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác.
d) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về tuyển dụng lao động, hợp đồng lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động và đảm bảo an toàn – vệ sinh lao động trong khai thác đá.
- Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường lực lượng thanh tra lao động có chuyên môn và năng lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động trong khai thác mỏ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tổ chức khai thác, chế biến đá trong phạm vi trách nhiệm của mình tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |