ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/CT-UBND | Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ VÀ PHÁO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Ngày 27/11/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009. Để triển khai thực hiện tốt Nghị định số 37/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các cấp chính quyền, các ban, sở, ngành, đoàn thể chính trị xã hội thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Chủ động thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền để các cơ quan, tổ chức và nhân dân hiểu, nhận thức rõ, nhận thức đúng các quy định mới về quản lý, sử dụng pháo theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ, trong đó cần tập trung vào nội dung mới trọng tâm, cụ thể là các hành vi bị nghiêm cấm; loại pháo được sử dụng; trường hợp sử dụng; điều kiện sử dụng; quy định về nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp; quy định về huấn luyện kỹ thuật an toàn trong sản xuất, quản lý, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo.
2. Chỉ đạo, thực hiện quyết liệt công tác quản lý sử dụng pháo; quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia thực hiện. Lấy hiệu quả công tác làm thước đo đánh giá, xếp loại. Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phát huy vai trò của các cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng pháo và quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng để kiểm tra phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Chủ động tổ chức các đợt cao điểm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm với tội phạm và vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
4. Tổ chức thực hiện
4.1. Công an Thành phố:
- Định kỳ, chủ động xây dựng kế hoạch cao điểm đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động nghiên cứu, chế tạo, mua bán, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, chiếm đoạt pháo trên địa bàn Thành phố.
- Chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự. Riêng thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm, huy động tối đa lực lượng xuống cơ sở để nắm tình hình, kiểm tra, tổ chức tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, kịp thời bắt giữ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là pháo nổ, đặc biệt trong các ngày 29, 30, mùng 1, mùng 2 và mùng 3 tết Nguyên Đán.
- Chủ trì xây dựng và triển khai các phương án phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND các quận, huyện, thị xã đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các địa điểm bắn pháo hoa (nếu có tổ chức) và khu vực tổ chức lễ hội, điểm di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh trong dịp Tết Nguyên đán và các sự kiện lớn trên địa bàn Thành phố.
- Chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra chủ động phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp trong công tác điều tra, truy tố và xét xử các đối tượng có hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trái phép trước Tết Nguyên đán để giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm.
4.2. Bộ Tư lệnh Thủ đô: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ việc nghiên cứu, chế tạo, mua bán, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, chiếm đoạt pháo theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ; tổ chức bắn pháo hoa trong các dịp lễ, tết, sự kiện lớn trên địa bàn Thành phố đảm bảo tuyệt đối an toàn, tiết kiệm.
4.3. Cục Quản lý thị trường:
- Tham mưu Ban Chỉ đạo 389/TP chỉ đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389, Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã vận động các tổ chức, cá nhân, hộ dân ký cam kết không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo nổ trên địa bàn; đồng thời phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh các hoạt động, hình thức tuyên truyền phổ biến các quy định về quản lý và sử dụng pháo theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ.
- Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, xuất, nhập khẩu và sử dụng trái phép pháo nổ các loại.
4.4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các Phòng giáo dục, Ban Giám hiệu các trường học tổ chức tuyên truyền, vận động giáo viên, cán bộ công nhân viên, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng pháo theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ; tổ chức cho học sinh, phụ huynh ký cam kết không mua bán, tàng trữ, đốt pháo nổ, pháo hoa nổ các loại; có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh, sinh viên cố tình vi phạm, Quy trách nhiệm liên đới đối với giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu nhà trường nếu để xảy ra tình trạng tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo.
4.5. Sở Tư Pháp, Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Ban tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao, Thành đoàn Hà Nội và các cơ quan báo chí, truyền thông của Hà Nội biên soạn nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo tới mọi tầng lớp nhân dân, trong đó tập trung vào các đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, các hộ kinh doanh. Đặc biệt chú ý tuyên truyền để các cơ quan, tổ chức và nhân dân hiểu rõ các khái niệm về pháo nổ, pháo hoa nổ, pháo hoa... và các trường hợp được sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ theo quy định.
4.6. Sở Tài chính: Trên cơ sở đề xuất của các sở, ban, ngành tham mưu UBND Thành phố cân đối, đảm bảo các nguồn kinh phí phục vụ các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
4.7. UBND các quận, huyện, thị xã: Chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND các phường, xã, thị trấn thuộc địa bàn đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng địa bàn an toàn, phát hiện và tố giác các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân, chấp hành nghiêm quy định về quản lý, sử dụng pháo theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ; tổ chức cho các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân ký cam kết không nghiên cứu, chế tạo, mua bán, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, chiếm đoạt pháo trên địa bàn; nêu cao tinh thần trách nhiệm của Tổ trưởng tổ dân phố; tổ chức lực lượng dân phố, dân phòng tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm.
Địa phương nào xảy ra tình trạng đốt pháo nổ, pháo hoa nổ trước, trong và sau dịp lễ, Tết; xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này. Giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; định kỳ đánh giá kết quả thực hiện báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1 Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng pháo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đèn trời trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 2 Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 3 Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 4 Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2021 tổ chức thực hiện Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo do thành phố Hải Phòng ban hành
- 5 Quyết định 05/2021/QĐ-UBND về Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 6 Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2021 tăng cường các biện pháp công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 7 Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng pháo trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 8 Chỉ thị 32/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 9 Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam