Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1875/CT-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP BÌNH ỔN GIÁ CẢ, THỊ TRƯỜNG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2010

Ngay từ những tháng đầu năm 2010, Chính phủ đã chủ động triển khai các biện pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế đạt mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2010. Với nỗ lực và phấn đấu cao của doanh nghiệp và nhân dân cả nước 9 tháng qua, kết quả đạt được khá toàn diện, các cân đối vĩ mô được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách đạt khá, giải ngân vốn đầu tư phát triển có chuyển biến tích cực; nhập siêu giảm so với những năm gần đây; tốc độ tăng huy động vốn, dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán tăng dần, tạo cơ sở để tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua đạt được khoảng 6,52%.

Những tháng cuối năm, kinh tế còn khó khăn, nhất là vốn cho sản xuất, cung ứng điện, cung cầu, giá cả hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, dịch bệnh gia súc có thể diễn biến theo hướng không thuận lợi sẽ tiếp tục tạo sức ép đối với việc thực hiện mục tiêu bình ổn giá cả, thị trường.

Để bảo đảm đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng cả năm ở mức khoảng 8%, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất đã được đề ra tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ, trong đó, cần chú trọng những nội dung sau:

1. Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, áp dụng các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường; tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn hàng, tuân thủ các quy định về giá.

Các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng chậm nhất là trong quý IV năm 2010 phải hoàn thành và công bố quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối các sản phẩm chủ yếu: xăng dầu, phân bón, thép xây dựng, xi măng, lương thực, thuốc chữa bệnh theo chủ trương của Chính phủ tại Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 20 tháng 4 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ.

2. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:

- Nghiên cứu, ban hành quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm lượng hàng hóa dự trữ lưu thông khi kinh doanh các mặt hàng bảo đảm bình ổn giá cả, thị trường, nhất là những doanh nghiệp có thị phần cao;

- Cùng với việc tập trung chỉ đạo sản xuất, cung ứng bảo đảm điện cho sản xuất và đời sống, phải chú ý đến bảo đảm cung ứng các mặt hàng thép xây dựng, thực phẩm; công tác dự báo xu thế thị trường và thông tin các mặt hàng thiết yếu để các địa phương chủ động cân đối cung cầu, thực hiện giải pháp bình ổn giá;

- Rà soát lại năng lực sản xuất, hệ thống cung ứng để có phương án cụ thể bảo đảm: cân đối cung, cầu các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng từ nay đến hết năm 2010, quý I năm 2011; nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão 2011; bảo đảm cân đối các vật tư, nguyên, nhiên vật liệu chủ yếu cho sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; chủ động xây dựng phương án thích hợp để kết hợp có hiệu quả nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nhu cầu sản xuất, tiêu dùng;

- Tổ chức điều hành linh hoạt cung ứng sản phẩm để hàng hóa lưu thông suốt giữa các vùng, miền trong cả nước; cung ứng hàng hóa vào các dịp lễ, tết; có biện pháp cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá; nghiên cứu hướng dẫn việc thực hiện các chương trình bình ổn giá để giúp các địa phương thực hiện hiệu quả.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá và các hành vi đầu cơ tăng giá trái pháp luật; kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến và lưu thông, kiểm tra chất lượng và đo lường hàng hóa gắn với kiểm tra giá đã được đăng ký, niêm yết;

- Làm việc với từng ngành hàng để có giải pháp cụ thể tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất khẩu; khẩn trương hướng dẫn thực hiện các biện pháp kiểm soát nhập siêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 36/TTg-KTTH ngày 22 tháng 9 năm 2010, việc tuân thủ quy định về sử dụng nguồn vật tư, hàng hóa trong nước sản xuất của các dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách, mua sắm công; kiểm soát nhập siêu ở mức khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành về: thuế, kiểm soát siêu lợi nhuận, chống liên kết độc quyền nâng giá và đầu cơ trái pháp luật, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo quy định hiện hành, nhất là các mặt hàng: thuốc chữa bệnh, sản phẩm sữa, thép xây dựng và vật liệu xây dựng, khí ga … tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ và thực hiện nghiêm quy định về đăng ký, niêm yếu giá và bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về định giá, liên kết định giá để thu lợi bất hợp lý;

- Điều hành giữ ổn định giá điện, giá than bán cho các hộ sản xuất: điện, xi măng, phân bón, giấy theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ; sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu;

Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá và mức giá đối với hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ Nhà nước đặt hàng, mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc được trợ giá, trợ cước; hàng hóa, dịch vụ công ích.

- Tăng cường quản lý hoạt động thu, chi ngân sách; hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước; giám sát việc tuân thủ quy định về tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu của các tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Có biện pháp cụ thể chống thất thu ngân sách và gian lận thuế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi ngân sách. Bảo đảm đủ kinh phí cho nhiệm vụ chi phục vụ an sinh xã hội. Ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý, phù hợp với mục tiêu phát triển, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, điều hành để từng bước giảm lãi suất tín dụng; điều hành tỷ giá ngoại tệ linh hoạt, bảo đảm các cân đối vĩ mô, khuyến khích xuất khẩu và tăng dự trữ ngoại tệ; thực hiện rà soát, đánh giá các quy định quản lý tiền tệ, tín dụng hiện hành để có những điều chỉnh cần thiết theo nguyên tắc bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng – ngân hàng, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp cho phép các ngân hàng thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông để giảm bớt áp lực tăng giá, nhất là vào dịp cuối năm khi khối lượng thanh toán các công trình dự án được thực hiện với mật độ cao và dịp lễ, tết khi lượng tiền thưởng, tiền lương được chi trả với khối lượng lớn.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng vùng, địa phương để khống chế dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, hiệu quả; phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát xuất, nhập khẩu phân bón để bảo đảm ổn định nguồn cho sản xuất trong nước; bảo đảm cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2011, nhất là mặt hàng thịt lợn, thịt gà, thực phẩm, rau quả …; chỉ đạo các Tổng công ty Lương thực nhà nước bảo đảm lương thực và tổ chức hệ thống bán hàng, đáp ứng kịp thời nhu cầu lương thực cho nhân dân, chú ý các khu vực thành phố, khu công nghiệp, khu đông dân và vùng bị thiên tai, bão lũ, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá đột biến.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015; báo cáo Chính phủ trong phiên họp thường kỳ cuối năm 2010.

7. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với các Bộ, ngành:

- Triển khai và thực hiện biện pháp thích hợp tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn để đẩy mạnh sản xuất, kịp thời đưa hàng hóa vào lưu thông phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng. Điều hành để giải quyết có kết quả việc xả nước, tích nước trên địa bàn tạo chủ động trong việc đảm bảo nước cho sản xuất điện và sản xuất nông nghiệp;

- Chỉ đạo các lực lượng; quản lý thị trường, hải quan, thanh tra, công an, thuế … tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý giá, việc đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết, bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng giá niêm yết, việc công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật, không để các doanh nghiệp, cá nhân tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật, nhất là giá cước vận tải, các loại phí dịch vụ; kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân vi phạm;

- Chủ động cân đối cung cầu hàng hóa trên địa bàn, chú trọng các mặt hàng thực phẩm, lương thực, xác định cụ thể những mặt hàng cần thực hiện bình ổn giá, lựa chọn các đơn vị có năng lực và hệ thống phân phối tham gia thực hiện yêu cầu bình ổn, trên cơ sở đó sử dụng nguồn tài chính của địa phương (ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính) thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Mão 2011;

- Phối hợp với Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá.

8. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong và ngoài nước để nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tham gia cùng các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội.

9. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP Ban Chỉ đạoTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng