Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/CT-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 09 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO NHẬN THỨC PHÁP LUẬT VỀ NUÔI CON NUÔI VÀ TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC THI CÔNG ƯỚC LAHAY SỐ 33 VỀ BẢO VỆ TRẺ EM VÀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC NUÔI CON NUÔI QUỐC TẾ

Trong những năm qua, pháp luật về nuôi con nuôi của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện. Luật nuôi con nuôi đã được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010. Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Công ước Lahay số 33 ngày 29 tháng 5 năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế (sau đây gọi là Công ước Lahay). Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Công ước Lahay trong giai đoạn 2012 - 2015 tại Quyết định số 1233/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2012.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật nuôi con nuôi và Công ước Lahay còn một số hạn chế. Việc đăng ký nuôi con nuôi chưa được chú trọng, còn hiện tượng chưa nghiêm túc trong việc tuân thủ trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Một số địa phương còn chậm giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của trẻ em cần tìm gia đình thay thế.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nhận thức còn hạn chế của một số cán bộ làm công tác giải quyết việc nuôi con nuôi và người dân về quy định pháp luật về nuôi con nuôi và Công ước Lahay. Ở nhiều địa phương, cán bộ làm công tác giải quyết việc nuôi con nuôi chưa có sự chuyển biến trong thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi. Chưa kịp thời hướng dẫn thực hiện quy định về tách bạch giữa việc hỗ trợ nhân đạo với việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em còn chậm trễ trong việc lập danh sách trẻ em sống tại cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế, lập hồ sơ của trẻ em sống tại cơ sở nuôi dưỡng được giới thiệu làm con nuôi.

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về nuôi con nuôi, góp phần bảo đảm thực thi Công ước Lahay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Bộ Tư pháp:

a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về nuôi con nuôi và Công ước Lahay.

b) Thực hiện ngay các công việc sau đây trong năm 2013:

- Chủ trì cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch về cơ chế phối hợp trong việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi người nước ngoài và bảo vệ trẻ em trong các tình huống cần thiết.

- Xây dựng và ban hành: Thông tư hướng dẫn tìm gia đình thay thế cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo; Quy chế mẫu về phối hợp liên ngành giữa các cơ quan ở địa phương về nuôi con nuôi quốc tế; sổ tay hướng dẫn thực hiện Công ước Lahay tại Việt Nam để tổ chức thực hiện.

- Rà soát các Hiệp định hợp tác song phương về nuôi con nuôi của Việt Nam và các nước, đề xuất việc tiếp tục thi hành hoặc chấm dứt các Hiệp định trong bối cảnh Việt Nam và các nước ký kết Hiệp định đều là thành viên của Công ước Lahay.

c) Tăng cường chỉ đạo công tác giải quyết việc nuôi con nuôi tại một số tỉnh, thành phố có nhiều trẻ em cần có gia đình thay thế, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi, góp phần thực hiện có hiệu quả Công ước Lahay tại Việt Nam.

d) Chỉ đạo thực hiện đúng quy định về việc thông báo tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em cần có gia đình thay thế.

đ) Đẩy mạnh thực hiện các quy định của pháp luật về sự tách bạch giữa việc hỗ trợ nhân đạo cho nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam với việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài.

e) Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về nuôi con nuôi phục vụ công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi và yêu cầu của việc thực hiện Công ước Lahay.

g) Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn kịp thời việc thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi và Công ước Lahay. Chỉ đạo việc xử lý theo quy định pháp luật đối với các hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về nuôi con nuôi và Công ước Lahay lồng ghép với việc tuyên truyền về Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 và Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020.

b) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng hỗ trợ nhân đạo để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

c) Chú trọng đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội tại các địa phương, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em và hỗ trợ việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương.

d) Chỉ đạo cơ sở nuôi dưỡng trẻ em lập danh sách trẻ em sống tại cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế, lập hồ sơ của trẻ em sống tại cơ sở nuôi dưỡng được giới thiệu làm con nuôi.

3. Bộ Công an:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về nuôi con nuôi và Công ước Lahay lồng ghép với việc tuyên truyền về Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015 và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015.

b) Chủ động chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để bắt cóc, mua bán trẻ em.

c) Chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi được giới thiệu làm con nuôi theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Ngoại giao:

a) Hướng dẫn Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

b) Chỉ đạo Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi người nước ngoài đang sinh sống ở nước ngoài trong các trường hợp khẩn cấp.

5. Bộ Y tế chỉ đạo việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc cấp Giấy chứng sinh cho trẻ sơ sinh.

6. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ khả năng ngân sách nhà nước hằng năm, bố trí ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án triển khai thực hiện Công ước Lahay trong giai đoạn 2012-2015.

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan vận động các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các chương trình, dự án về nuôi con nuôi.

8. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về chăm sóc và bảo vệ trẻ em, pháp luật về nuôi con nuôi và Công ước Lahay.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về nuôi con nuôi theo thẩm quyền.

b) Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nuôi con nuôi tại địa phương.

c) Trang bị máy móc, thiết bị và cập nhật dữ liệu về nuôi con nuôi để phục vụ công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.

d) Chủ động thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm pháp luật về nuôi con nuôi ở địa phương.

10. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này; hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị gửi Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị; hằng năm, tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị để báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng