Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/CT-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔNG KẾT 20 NĂM THỰC HIỆN PHÁP LỆNH VỀ LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN (1996 - 2016)

Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua ngày 27 tháng 8 năm 1996 và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 09 tháng 9 năm 1996; trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, ban hành hệ thống văn bản để triển khai, thực hiện Pháp lệnh đồng bộ, hiệu quả. Công tác đăng ký, quản lý quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật thuộc diện huy động bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội đã đi vào nền nếp; số lượng quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật cơ bản được đăng ký, quản lý ở hai cấp (cấp huyện và cấp xã). Kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên được xây dựng thống nhất ở các cấp; đến nay đã sắp xếp đủ các đầu mối tổ chức đơn vị dự bị động viên, quân số đạt 91%, phương tiện kỹ thuật đạt 98,5% trở lên so với chỉ tiêu được Chính phủ giao. Hằng năm thực hiện chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên ở cơ sở đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai, tổ chức thực hiện Pháp lệnh còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Số lượng nguồn động viên tuy lớn nhưng mất cân đối theo vùng, miền, địa bàn chiến lược; chất lượng nguồn (chuyên nghiệp quân sự) chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức các đơn vị dự bị động viên; số lượng sĩ quan dự bị xếp vào các đơn vị dự bị động viên còn thiếu, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự thấp. Cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, Điều hành và tổ chức xây dựng lực lượng dự bị động viên. Pháp lệnh và các văn bản có liên quan chưa quy định việc tổ chức xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần…, do vậy việc đăng ký, quản lý, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên hằng năm đối với quân nhân dự bị gặp nhiều khó khăn. Một số quy định tại Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, có những Điểm bất cập, chưa phù hợp, thống nhất với Luật cư trú năm 2013, Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 và một số văn bản liên quan dẫn đến công tác đăng ký, quản lý nguồn động viên; công tác phối hợp giữa cơ quan quân sự và công an các cấp chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Huy động lực lượng dự bị động viên cho nhiệm vụ ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn chưa được quy định trong Pháp lệnh để phù hợp yêu cầu thực tế hiện nay. Ngân sách nhà nước hằng năm bảo đảm cho công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên hạn hẹp; các chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị, chủ phương tiện kỹ thuật chưa đáp ứng được trong Điều kiện hiện nay. Việc trưng mua, trưng dụng phương tiện kỹ thuật nền kinh tế quốc dân thuộc diện bổ sung cho các đơn vị thường trực của quân đội cần được quy định phù hợp Hiến pháp năm 2013, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008.

Để làm cơ sở xây dựng Dự án Luật lực lượng dự bị động viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị:

1. Tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên trong phạm vi toàn quốc (1996 - 2016).

2. Nội dung tổng kết:

Đánh giá đầy đủ, khách quan những kết quả đạt được, những hạn chế, làm rõ nguyên nhân bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên; đề xuất chủ trương giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lực lượng dự bị động viên; tiến hành khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên trong những năm qua.

3. Phương pháp và thời gian tổng kết:

a) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) xây dựng báo cáo tổng kết (không tổ chức hội nghị) và gửi báo cáo về Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thời gian hoàn thành trước ngày 30 tháng 7 năm 2016;

b) Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) tổ chức hội nghị tổng kết, do Ủy ban nhân dân chủ trì hội nghị. Việc tổ chức tổng kết ở cấp huyện, báo cáo về cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 8 năm 2016; cấp tỉnh tổng kết, báo cáo về Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Quốc phòng) xong trước ngày 31 tháng 10 năm 2016);

c) Các đơn vị quân đội (từ cấp sư đoàn, lữ đoàn và tương đương trở lên), tổ chức hội nghị tổng kết do người chỉ huy chủ trì, báo cáo cấp trên (theo phân cấp) trước 31 tháng 10 năm 2016;

d) Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, xây dựng báo cáo tổng kết (không tổ chức hội nghị), báo cáo về Chính phủ (qua Bộ Quốc phòng) trước ngày 30 tháng 9 năm 2016;

đ) Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị tổng kết do Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, hoàn thành công tác tổng kết trong quý 4 năm 2016.

4. Ngân sách bảo đảm:

- Ngân sách nhà nước cấp cho Bộ Quốc phòng chi cho công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên hằng năm (1996 - 2016) và nhiệm vụ tổng kết Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên;

- Ngân sách địa phương (cấp tỉnh, huyện) chi cho công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên hằng năm (1996 - 2016) và nhiệm vụ tổng kết Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (thực hiện theo Nghị định số 39/CP ngày 28 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên).

5. Tổ chức thực hiện

a) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Chỉ thị này; tổ chức hội nghị tổng kết cấp Bộ Quốc phòng bảo đảm đạt kết quả thiết thực, Tiết kiệm và tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

b) Ban Thi đua khen thưởng Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam hướng dẫn khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng lực lượng dự bị động viên.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này./

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BTTM, TCCT, TCHC, TCKT, TC2, TCCNQP;
- Các Quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9 và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội;
- Các Quân đoàn: 1, 2, 3, 4;
- Các Binh đoàn: 11, 12, 15, 16;
- Các Quân chủng: PKKQ, Hải quân; BTL Biên phòng;
- Các Binh chủng: Pháo binh, Đặc công, Công binh, Tăng thiết giáp, Hóa học, Thông tin;
- Các Tổng công ty: Đông Bắc, Thái Sơn, Xăng dầu QĐ, Lũng lô, 319, 36;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;
- Lưu: VT, NC (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc